Dấu xưa còn ở nơi này

(ĐTTCO) - Trên mõm Hạc nằm trong rừng Phụng, những dấu tích về miếu thờ công chúa Huyền Trân vẫn được người dân làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) giữ gìn nguyên vẹn. 

Họ tin rằng, năm xưa, công chúa Huyền Trân từ Đồ Bàn (Bình Định) trở về kinh thành Thăng Long đã dừng chân tại vùng đất này. Chính niềm tin của người dân đã bảo vệ rừng Phụng, bảo vệ mõm Hạc và những chứng tích cuối cùng về công chúa Huyền Trân còn sót lại trước cơn lốc đô thị hóa.

Tàn tích còn lại
Tôi tìm đến làng Nam Ô, men theo con đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Con đường dẫn vào làng phủ đầy cát biển. Nhiều đoạn nham nhở xà bần của các dự án giải tỏa mặt bằng còn sót lại. Quá trình đi tìm dấu tích của công chúa Huyền Trân trên đất Nam Ô cứ mông lung suốt buổi sáng. Mãi đến gần trưa, tôi được một người dân trong làng chỉ đến nhà ông Lê Văn Xuất (76 tuổi), Chi hội trưởng Hội người cao tuổi làng Nam Ô. Ông cũng là người am hiểu lịch sử địa phương và luôn đi đầu trong công tác bảo tồn các di tích thờ phụng trong làng.
Nhấp ngụm trà, ông Xuất lục trong đống giấy tờ được cất giữ cẩn thận và nói: Tháng 6-1306, vua Chế Mân rước công chúa Huyền Trân về làm vợ khi công chúa vừa tròn 18 tuổi. Sính lễ vua Chế Mân dâng cho Đại Việt để cưới công chúa gồm 2 châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa - Thiên Huế ngày nay). Gần 1 năm sau ngày cưới, tháng 5-1307, vua Chế Mân chết. Đến tháng 9-1307, công chúa Huyền Trân sinh Thế tử Chế Đa Da tại kinh đô Vijaya (Đồ Bàn, Bình Định). Bấy giờ, ở Đại Việt, vua Trần Anh Tông sợ công chúa bị hại vì tục tuẫn táng của Chiêm Thành nên đã cử tướng tài, sứ giỏi, quân mạnh vào kinh đô Đồ Bàn để đưa công chúa trở về. 
Câu chuyện về công chúa Huyền Trân sau đó còn có sự tham gia của các bô lão trong làng. Các vị bô lão cho biết, trong quá trình từ Đồ Bàn trở về kinh thành Thăng Long, công chúa Huyền Trân đã ẩn nấp trong rừng gành đá Nam Ô để tránh việc truy đuổi của quan quân Chiêm Thành. Trong những ngày tháng đó, người dân làng Nam Ô đã bảo vệ, che chở công chúa Huyền Trân cho đến ngày bà tiếp tục lên thuyền trở về kinh thành Thăng Long. 
Dấu xưa còn ở nơi này ảnh 1 Miếu thờ công chúa Huyền Trân được người dân làng Nam Ô xây mới khang trang và luôn mở cửa đón người dân, du khách đến tham quan, hương khói. 
Để minh chứng cho việc công chúa Huyền Trân đã từng dừng chân tại làng chài Nam Ô, ông Xuất dẫn chúng tôi đi xem chứng tích trên mõm Hạc trong rừng Phụng. Nơi công chúa bồng con dại ẩn nấp chờ đoàn thuyền lớn của Đại Việt đến rước. Đứng từ đất liền hướng mắt về phía Tây Bắc, chúng tôi có thể bao quát được cả mõm Hạc. Với diện tích chừng 2ha, mõm Hạc được phủ xanh bởi rừng Phụng. Cây lớn, cây bé mọc chằng chịt ôm lấy mõm Hạc.
Dưới chân mõm Hạc là gành đá Nam Ô. Những tảng đá to, đá nhỏ nằm kề lên nhau, phủ một màu xanh mướt của rêu. Từ gành đá Nam Ô, ông Xuất dẫn tôi men theo con đường mòn nhỏ vào sâu trong rừng Phụng. Trên đường đi, ông Xuất tự hào kể, rừng Phụng là cánh rừng nguyên sinh, có tầm quan trọng không thua gì rừng Sơn Trà hay Hải Vân. Từ xưa đến nay, người dân luôn xem rừng Phụng là chốn linh thiêng, không ai dám chặt một gốc cây trong rừng. Bởi rừng Phụng và mõm Hạc là nơi che chở cho công chúa Huyền Trân ngày xưa và là “tấm chắn” vững chắc bảo vệ dân làng Nam Ô trước những cơn bão giữ, sóng cao. 
Ông Xuất dừng lại trước một bức bình phong lớn. Phủi bụi và lá cây bám trên đó, ông cho biết đây là bức bình phong của miếu thờ công chúa Huyền Trân. Miếu bây giờ chỉ còn chân móng với những tảng đá phủ màu thời gian. Bởi qua những cuộc chiến tranh, miếu bị bom đạn tàn phá.
Miếu được người dân làng Nam Ô xây dựng nhằm tưởng vọng về công đức của công chúa đã quên mình phụng sự cho việc mở rộng bờ cõi của nước Đại Việt ngày xưa. Miếu thờ được xây dựng từ năm nào dân làng Nam Ô ngày nay không ai còn nhớ chính xác. Tuy bị bào mòn bởi thời gian, nhưng dấu tích của miếu thờ vọng công chúa Huyền Trân vẫn sừng sững, hiên ngang tồn tại giữa đất trời.
Ngay tại chân miếu, năm 1999 khi dân làng Nam Ô khởi công tôn tạo lại miếu vọng trên nền miếu cũ đã đào được một bộ 3 bài vị bằng gỗ ròng sơn huyết còn khá nguyên vẹn. Nằm vùi mình dưới cát, đá vôi, lá cây hàng trăm năm qua, nhưng các nét khắc trên bài vị vẫn hiện rõ nét: Chúa Tiên Thần Nữ Chi Vị; Hà Bá Thủy Quan Chi Vị; Táo Phủ Thần Quân Chi Vị. Trong bộ 3 bài vị đó, bài vị Chúa Tiên Thần Nữ Chi Vị là bài vị của công chúa Huyền Trân. 
Mãi sau này khi thấy miếu ở xa khu dân cư, khó khăn trong việc cúng kính nên các bô lão trong làng đã họp và quyết định đưa miếu thờ công chúa Huyền Trân về gần khu dân cư để tiện cho việc thờ cúng, thắp hương. Miếu thờ mới này được dân làng cho xây dựng khang trang và chăm sóc, khói hương thường xuyên.

Quyết tâm bảo vệ di tích
Đốt nén hương thắp lên bàn thờ trong đền, ông Xuất cẩn thận lau lớp bụi bám trên các bài vị. Ông tâm sự: Đền thờ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân làng chài Nam Ô. Ông cho biết, đền mở cửa quanh năm, luôn được lau dọn sạch sẽ. Bất kỳ người dân hay du khách đến đây muốn vào thắp hương luôn được chào đón.
Khi nhắc đến việc một số nhà đầu tư muốn dời đền đi chỗ khác, lấy mõm Hạc để xây dựng khu du lịch, ông trầm ngâm một hồi rồi quả quyết: “Điều đó là không thể được. Biết bao thế hệ người dân làng Nam Ô đã giữ gìn, tôn kính mõm Hạc, rừng Phụng và đền thờ công chúa. Không thể vì lợi ích trước mắt mà làm những điều tổn hại đến đất, rừng nơi đây”. Nhiều người dân ở Nam Ô cho biết họ đồng ý việc cho một đơn vị đứng ra làm công tác bảo tồn đền thờ, mở đường đi vào di tích, phát triển thành khu du lịch tâm linh để phục vụ người dân và du khách. Nhưng chắc chắn đơn vị đó phải đảm bảo không làm tổn hại đến các các chứng tích nhiều thế hệ người dân nơi làng chài này đã gìn giữ, bảo tồn. 
Những ngày này, các bô lão trong làng đang tất bật chuẩn bị cho lễ tế vía Bà tại đền thờ công chúa Huyền Trân. Với tấm lòng thành kính của mình, tất cả người dân làng chài Nam Ô đều thành tâm hướng về lễ tế truyền thống đã được giữ gìn và phát huy một cách tôn nghiêm.
Và chắc hẳn trong thời gian diễn ra lễ tế vía Bà, người dân làng Nam Ô không chỉ nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, được mùa đắc biển… mà còn nguyện cầu sẽ giữ gìn được ngôi đền thờ, giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng đã được truyền nối qua bao thế hệ người dân nơi đây trước cơn lốc đô thị hóa, trào lưu xây dựng các khu du lịch.

Các tin khác