Gập ghềnh du lịch vùng sâm Ngọc Linh

(ĐTTCO) - Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đặc biệt là sản phẩm sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có lợi thế để phát triển du lịch. Điều này càng rõ nét hơn, khi mới đây UBND tỉnh Quảng Nam công nhận vườn sâm Tăk Ngo (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) là điểm du lịch mới của tỉnh, mở ra cơ hội thúc đẩy du lịch vùng sâm và rộng hơn là huyện Nam Trà My phát triển. Tuy vậy, để hiện thực giấc mơ du lịch còn cả chặng đường phía trước không hề đơn giản.

Điểm đến tiềm năng
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khẳng định phát triển du lịch Nam Trà My sẽ hướng vào loại hình du lịch sinh thái và văn hóa. Trong đó, trải nghiệm các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chính là điểm nhấn ấn tượng của du khách trong hành trình khám phá vùng đất này. “Tham quan vùng sâm Ngọc Linh du khách không chỉ được trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, mà còn được giới thiệu về tập tính cây sâm, cách nhân giống, cách sản xuất sâm. Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội mua những sản phẩm thật được làm từ sâm mang về” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Vài năm gần đây du lịch vùng sâm luôn được huyện Nam Trà My quan tâm và xác định như một mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm đã và đang được huyện triển khai mạnh mẽ.
Gập ghềnh du lịch vùng sâm Ngọc Linh ảnh 1 Không ít hộ đồng bào đã trở thành tỷ phú cũng nhờ sâm. Ảnh: N.PHÚC 
Nổi bật, có thể kể đến đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030”, với các nội dung quan trọng như: đầu tư xây dựng làng văn hóa 3 dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông; nghiên cứu và phục dựng các lễ hội truyền thống; xây dựng, hoàn thiện mô hình làng nghề truyền thống ở một số xã theo hướng phục vụ du lịch...
Đặc biệt, đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã công nhận vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo, xã Trà Linh là điểm du lịch đầu tiên của huyện Nam Trà My. Đây là vườn sâm rộng lớn có tổng diện tích khoảng 85ha, với 3 khu chính gồm khu dành cho khách tham quan (diện tích 11ha); nghiên cứu khoa học (diện tích 5ha) và sản xuất giống (diện tích 70ha). Điểm du lịch này cũng sẽ liên kết với phiên chợ sâm Ngọc Linh và các làng của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương như Xê Đăng, Mơ Nông…
Thực tế, để thúc đẩy du lịch vùng sâm, thời gian qua bên cạnh việc rà soát, thống kê các tiềm năng du lịch địa phương, huyện Nam Trà My cũng đã triển khai các bước đi cấp thiết như xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn làng văn hóa, phục hồi và duy trì các làng nghề, hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Gập ghềnh du lịch vùng sâm Ngọc Linh ảnh 2 Du khách tham quan vườn sâm gốc Tắk Ngo, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Ảnh: N.PHÚC 
Trong đó, đề án phát triển du lịch vùng sâm cũng đã xác định cụ thể những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng; du lịch sức khỏe; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, văn hóa; trải nghiệm vùng trồng sâm, rừng nguyên sinh; du lịch về nguồn cách mạng... Dù vậy, bao năm nay du lịch Nam Trà My phát triển vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. 

Khó khả thi trong thời gian gần
Không phủ nhận, từ khi sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi trên thị trường, hoạt động du lịch Nam Trà My cũng bắt đầu khởi sắc, nhiều nhóm du khách và doanh nghiệp lữ hành đã tìm đến tham quan, khảo sát tiềm năng du lịch nơi đây, qua đó mở ra những cơ hội mới để du lịch Nam Trà My phát triển. Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Nam, Nam Trà My có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, ngoài cây sâm nơi đây còn sở hữu những tiềm năng về thiên nhiên, khí hậu trong lành của một vùng núi cao với những cánh rừng hoang sơ.
Đặc biệt, các giá trị văn hóa, lễ hội mang đậm sắc thái vùng miền, thể hiện rõ nét trong đời sống tâm linh, sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng này thành sản phẩm du lịch cụ thể sẽ là chặng đường dài phía trước, khó có thể một sớm chiều đạt được, nên phải có sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp. “Tiềm năng du lịch vùng sâm Nam Trà My dù vẫn còn ở dạng sơ khai, nhưng đây chắc chắn là những sản phẩm độc đáo và khác biệt” - ông Tường nhìn nhận.
Từ năm 2016 đến nay đã có 2 đoàn famtrip của doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đến Nam Trà My khảo sát xây dựng tour tuyến đưa khách đến, nhưng dường như chưa có đơn vị nào quay lại. Đa số doanh nghiệp cho rằng, hạn chế lớn nhất của du lịch vùng sâm Nam Trà My chính là hạ tầng giao thông yếu kém. Chưa kể các sản phẩm, dịch vụ phụ kèm như lưu trú, ăn uống, vui chơi quá sơ sài, khó thể đáp ứng được nhu cầu của một điểm đến du lịch.
Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty du lịch Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, cho biết du lịch Nam Trà My sẽ không thể phát triển nếu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư mở rộng. “Theo tôi, trước tiên huyện Nam Trà My cần xây dựng điểm đến hoàn thiện rồi hãy nghĩ đến phát triển du lịch. Vì với cơ sở hạ tầng như hiện nay, không khách sạn, không nhà hàng đủ chuẩn, đường núi chật hẹp… sẽ khó mong thu hút khách du lịch” - ông Lực nói. 
Theo ông Hồ Quang Bửu, phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh dù khó khăn nhưng vẫn rất khả thi. Bên cạnh lợi thế về thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được nhiều người biết đến, các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên nơi đây cũng là một trong những thuận lợi để triển khai các loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm.
“Chắc chắn vài năm nữa cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ được đầu tư xây dựng, nên triển vọng phát triển du lịch vùng sâm sẽ rất tốt. Hiện tại nếu doanh nghiệp nào muốn hợp tác, đầu tư hay khảo sát xây dựng tour tuyến, huyện luôn sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nếu thật sự quan tâm đến vùng đất này” - ông Bửu khẳng định.

Các tin khác