Luật đặc khu chưa ra, giá đất đã sốt

(ĐTTCO) - Những ngày này, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐKKT), tức đang bàn, luật chưa được thông qua, tình trạng đầu cơ lướt sóng, thổi giá đất đã diễn ra ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Luật đặc khu chưa ra, giá đất đã sốt
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo: “Hiện đang có dấu hiệu rối ren về đất cát. Quản lý như thế nào khi mới nghe có luật này, người ta thổi giá đất lên, có cò đất và có người đi làm cò đất? Tôi đề nghị các đồng chí cẩn thận, luật chưa thông qua, cò đất đã làm rồi, phát sinh vấn đề này, vấn đề kia, chính các đồng chí ở tỉnh phải chịu trách nhiệm, nếu không cẩn thận sẽ mất cán bộ”.
Thực tế những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin sốt đất ĐKKT liên tục được cập nhật và đăng tải. Chưa bao giờ, vấn đề này lại trở nên nóng và nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều đến vậy, dù rằng cách đây gần 2 năm thông tin về giá đất ở các điểm dự định lên ĐKKT là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã bắt đầu rục rịch leo thang.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, giá đất đang tăng từng ngày, thậm chí… từng giờ. Rất nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào các ĐKKT, bất chấp những khuyến cáo từ cơ quan chính quyền về việc cần tỉnh táo trong đầu tư khi quy hoạch ĐKKT vẫn chưa được phê duyệt chính thức.
Trên mục Thời luận số báo trước, ĐTTC có bài “Vốn cho 3 đặc khu và tầm nhìn”, phản ánh những băn khoăn về số vốn khổng lồ để đầu tư cho 3 ĐKKT trên. Vậy trong khi chúng ta đang cố gắng tìm kiếm khoản đầu tư lên đến cả triệu tỷ đồng cho 3 ĐKKT trên, điều gì sẽ xảy ra khi thị trường BĐS ở những nơi này được kỳ vọng là “cú đấm thép kinh tế” lại rơi vào tình trạng bong bóng, giá ảo, dẫn tới một số khu đất được định giá vượt quá giá trị thực sự của nó.
Điều đáng nói, những phát sinh của hệ quả sốt giá đất sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, sự phát triển của các ĐKKT tương lai. Việc đẩy giá vượt giá trị thực kèm theo các hành vi gian lận trong các giao dịch mua bán khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng mất cân đối, không bền vững và trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo đó, các nhà đầu tư thực sự muốn vào ĐKKT sẽ phải trả một khoản tiền lớn cho những khu đất đang có giá trị quá cao so với giá trị thực, đồng nghĩa lợi nhuận mà họ nhận được sẽ không còn hấp dẫn. Thực trạng sốt đất tại các ĐKKT hiện nay không chỉ đẩy nhà đầu tư vào nguy cơ rủi ro cao mà còn gây khó khăn cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp khi giải phóng mặt bằng triển khai dự án theo quy hoạch sau này. Thậm chí, điều này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ĐKKT trong mắt các nhà đầu tư chiến lược.
Giá đất tăng chóng mặt tại các ĐKKT hiện nay đang nhắc dư luận nhớ lại trận cuồng phong sốt giá ảo đất nền vùng ven TPHCM cách đây vài năm. Cho đến thời điểm hiện tại, cơn sốt này đã được hạ nhiệt và giải quyết ổn thỏa, song giống như căn bệnh nan y không có thuốc đặc trị, những di chứng và hệ lụy nó để lại cho các nhà đầu tư nhà đất vẫn còn âm ỉ và kéo dài.
So với cơn sốt đất tại vùng ven TPHCM, việc giá đất tăng chóng mặt tại các ĐKKT hiện nay kịch bản cũng không có gì mới. Loanh quanh cũng chỉ là những thông tin quy hoạch mập mờ, chưa rõ ràng, nửa kín nửa hở, cùng giới cò đất, đầu nậu đua nhau lộng hành, tung tin đồn phụ họa.
Đưa ra giải pháp cho thực trạng này để sớm có giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất. Theo đó, Nhà nước và lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, sớm có những cảnh báo người dân tránh đầu tư tại các khu vực chưa có quy hoạch, đồng thời cần có giải pháp kiên quyết xử lý việc phân lô bán nền trái phép tại các nơi sẽ lên ĐKKT. Có vậy mới thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư vào 3 ĐKKT, tức giải quyết được phần nào vấn đề vốn cho các đặc khu.

Các tin khác