Môi trường giáo dục xuống cấp

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây qua những sự việc liên tiếp xảy ra trong ngành giáo dục đã khiến các bậc phụ huynh như chúng tôi không khỏi bàng hoàng, và tự đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra?

 


Nào là cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài trong một thời gian dài, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, rồi chuyện cô bắt học trò quỳ gối và phụ huynh bắt cô quỳ lại, học sinh lên tiếng tố cáo cô giáo không giảng bài thì phải nhanh chóng chuyển trường, hay nam sinh đâm thủng bụng thầy giáo do thầy nhắc nhở không nên xăm hình… Nguyên nhân của những sự việc đau lòng này do đâu do giáo viên, nhà trường, học trò, phụ huynh hay do tất cả chúng ta. Nhưng dù từ phía nào gây ra cũng đã đến lúc cần phải nhìn lại nền giáo dục một cách nghiêm túc, hãm phanh sự xuống cấp lại ngay lập tức. 
Môi trường giáo dục xuống cấp ảnh 1 Việc bắt học sinh súc miệng bằng nước bẩn của cô giáo ở Hải Phòng gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Nhớ khi xưa đi học chúng tôi cũng không ít lần gặp phải những giáo viên gây khiếp đảm nếu học trò nào lười biếng, nói chuyện trong lớp, thế nhưng một tiếng thầy/cô vẫn rất thiêng liêng, học sinh có nghịch vẫn biết sợ. Và đặc biệt phụ huynh hầu như không “xù lông nhím” khi cô phạt con mình. Nói như vậy không phải bênh vực cho nền giáo dục đánh đập học trò, cho lối tư duy áp quyền, nhưng cũng không thể phủ nhận giáo viên đang ngày càng bị thiếu tôn trọng. Cô bắt học sinh quỳ là sai, nhưng phụ huynh chưa cần tìm hiểu rõ ngọn ngành, không có những cuộc trao đổi thẳng thắn đầy tính trách nhiệm với cô, mà lại bắt cô quỳ gối mới cho xong chuyện. Rồi học trò thẳng tay đâm thầy trọng thương thì còn gì là “tôn sư trọng đạo”. 
Trong một xã hội đang ngày càng phát triển, ngay từ trong gia đình cha mẹ hãy học cách tôn trọng con cái mình, cho con quyền phản biện, không sợ sai, không bạo lực con cả thể xác lẫn tinh thần. Hãy làm bạn với con, hãy nghe con tâm sự, kể chuyện hàng ngày. Và điều này lại càng phải nhân rộng hơn trong các trường học. Thầy/cô giáo phải tôn trọng học sinh của mình, dạy kiến thức nhưng phải khuyến khích trẻ tư duy, cách phản biện vấn đề và cùng trẻ giải quyết những khúc mắc. Và chính thầy/cô giáo cũng phải biết giới hạn của mình khi trừng phạt học sinh. Đừng lập luận rằng một cô giáo cùng lúc phải dạy nhiều học trò phải nghiêm khắc mới dạy nổi, học trò mới sợ. 
Chính tâm lý sợ hãi đè nén lâu dần khiến trẻ thôi chột ý tưởng sáng tạo, thậm chí nhìn thấy cái sai nhưng không dám tố cáo, không dám bênh vực người tố cáo. Thực tế này đang xảy ra với em học sinh tố cáo cô giáo không giảng bài trong một thời gian dài. Tưởng rằng sự dũng cảm của em sẽ được các bạn ủng hộ, nhưng ngược lại bị bạn bè lại xa lánh, chỉ trích em, gia đình phải nhanh chóng chuyển trường. Trong khi em học sinh và gia đình chưa hết lo lắng thì ngôi trường mới đã trao cho em học bổng toàn phần trị giá 300 triệu đồng. Nhà trường cho rằng học bổng dành cho sự chính trực và lòng dũng cảm của em. 
Đã đến lúc cần xem lại cụm từ thương cho roi cho vọt, giáo dục cần tình thương và sự kiên nhẫn. Học sinh nay khác xưa, xưa làm gì có internet mà tiếp cận điều này điều kia, chính vì thế cách giáo dục cũng phải thay đổi. Nói đến trách nhiệm không thể không nhắc đến vai trò của ngành giáo dục. Làm sao để chất lượng giáo viên ngày càng tốt hơn chứ không phải theo cách ví von “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, đồng lương của các thầy/cô ổn định hơn để chuyên tâm cho công tác giảng dậy. Rồi làm sao để chương trình giáo dục cải tiến, giảm áp lực cho cả thầy/cô và trò, từ đó hình thành những thế hệ trẻ mới mạnh dạn trong tư duy, tiến bộ trong suy nghĩ. Với những cô giáo, thầy giáo, những bậc phụ huynh chấp nhận thay đổi chính mình thì mới hy vọng có một nền giáo dục, ở đó những đứa trẻ được tôn trọng quyền con người và biết cách tôn trọng người khác. 
Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của nhà báo Thu Hà: “Người lớn ạ, chúng ta đang được trao quá nhiều quyền lực với trẻ. Hãy cẩn thận với những lưỡi kiếm trong tay mình! Đấm nhau trên võ đài còn phải được phân loại theo cân nặng. Bạn ở hạng cân nào thì bạn chỉ được đấu với đối thủ trong hạng cân đó. Nghĩ lại coi, bạn là giáo viên, hạng cân của bạn như thế nào so với học sinh? Bạn là ba mẹ, hạng cân của bạn như thế nào so với con cái mình? Vậy thì ngắn gọn rằng, khi đánh phạt, nhục mạ, bạo lực với người yếu hơn mình, bé hơn mình, đang phải phụ thuộc vào mình... bạn có thấy mình hèn lắm không?”.

Các tin khác