Bài học cảnh tỉnh

(ĐTTCO) - Việc  Cơ quan CSĐT Công an TPHCM  căn cứ theo chỉ đạo của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giữ, tạm giam ông Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, Chủ tịch và Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Alibaba, để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã làm rúng động hàng ngàn nhà đầu tư, khách hàng đang đầu tư tại các dự án mà doanh nghiệp này đang rao bán thời gian qua.
Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (từ trái qua phải)
Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (từ trái qua phải)
Rúng động ở đây theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp thì chuyện Alibaba lừa đảo là quá rõ, quá công khai và thách thức dư luận cũng như cơ quan chính quyền, nhưng cơ quan điều tra vì sao vẫn làm ngơ một thời gian quá dài. Với những nhà đầu tư còn thiếu hiểu biết, dù cơ quan ngôn luận liên tục cảnh báo nhưng vẫn lao vào như con thiêu thân, vẫn nghe những lời đường mật của ông Luyện “chém  gió” trên các diễn đàn.
Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng đến bây giờ cơ quan chức năng mới “mạnh tay” với Alibaba kể ra cũng hơi chậm, để cho nhiều nạn nhân tiếp tục sập bẫy trong thời gian qua. Bởi khi doanh nghiệp này tự nhận mình là “chủ đầu tư” để phân lô bán nền, thu tiền của khách hàng tại khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi vào tháng 11-2017 đã đủ yếu tố để xử lý. Tuy nhiên khi phát hiện sự việc, các hiệp hội, sở ngành phát đi thông báo cảnh báo rồi lại… im.
Gần 2 năm nay, hàng loạt cơ quan truyền thông liên tục cảnh báo những khuất tất trong kinh doanh của Alibaba, như pháp lý dự án không rõ ràng, thậm chí là dự án “ma”, cam kết lợi nhuận vài chục % mỗi năm khi đầu tư vào các dự án của Alibaba… Vậy nhưng, sau những cảnh báo ấy khách hàng vẫn ào ào đến với  Alibaba, mọi hoạt động của doanh nghiệp này như chưa có gì xảy ra và tiếp tục phát triển. Phải chăng những nhà đầu tư biết những rủi ro nhưng đã lỡ “phóng lao phải theo lao”, hay lợi nhuận quá hấp dẫn từ “mô hình đa cấp” của doanh nghiệp này khiến khách hàng phớt lờ mọi cảnh báo? 
Cho đến nay chỉ riêng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 4-2017 đến 10-2018, Alibaba đã nhận góp vốn của khách hàng hơn 771 tỷ đồng tại 7 dự án với tổng số 3.333 nền đất. Điều hết sức rủi ro cho khách hàng là tất cả nền đất này đều không phù hợp với quy hoạch, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở… Các dự án Alibaba vẽ ra chủ yếu trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thậm chí nằm trong quy hoạch đường cao tốc, một số công trình quan trọng, đất ở có chủ là các cá nhân. 
Sau khi cơ quan công an mời làm việc, doanh nghiệp này còn tiếp tục giới thiệu hàng chục dự án tại Đồng Nai, Bình Thuận… cũng với chiêu tương tự.  Tại Đồng Nai, Công an tỉnh cho biết đến thời điểm này đã làm rõ 200 khách hàng mua đất nền ảo của Alibaba. Song thực tế gần 2 năm qua Alibaba đã tự ý vẽ quy hoạch rao bán 24 dự án tại Đồng Nai, có hơn 600 khách hàng đặt mua với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện đã có khách hàng khởi kiện Alibaba vì quá thời hạn giao đất.
1 nền đất ảo doanh nghiệp này có thể bán cho hàng chục người. Bởi hoạt động của Alibaba giống như công ty đa cấp, mặt hàng ở đây là bất động sản đã được bán đi, bán lại với nhiều cấp độ khác nhau. Bằng hình thức cam kết, hứa hẹn với khách hàng khi đầu tư chắc chắn sẽ sinh lời cao, Alibaba đã khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức đổ tiền vào.
Nhà đầu tư đổ tiền mua khu đất đó sẽ là F1, sau đó những nhà đầu tư thứ cấp khác lần lượt là F2, F3, F4... Điều oái ăm đây đều là những dự án ma, chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Việc Alibaba chuyển nhượng như thế là sai luật, cụ thể sản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng tổ chức rao bán, quảng bá, làm sự kiện… trái với quy định của Điều 228 Bộ luật Hình sự, nhưng vẫn tồn tại thời gian quá dài.
Thực ra Alibaba chủ yếu đánh vào tâm lý giá rẻ và cam kết lãi suất cao để chiêu dụ khách hàng. Tại nhiều địa phương khách hàng đã sập bẫy, tiền mất tật mang nhưng những kẻ đi lừa đến nay mới bị xử lý. Như vậy hàng trăm, hàng ngàn khách hàng hiện nay đang bị rơi vào tình huống khó khăn. Việc cơ quan chức năng vào cuộc với những sai phạm tại Công ty Alibaba là bài học chưa bao giờ muộn cho khách hàng khi đầu tư vào bất động sản, người có nhu cầu mua nhà để ở thiếu kiểm chứng và ham lời, cũng như những doanh nghiệp đã và có ý định làm ăn không chân chính.

Các tin khác