Chính sách nhà ở cho NLĐ tại KCX-KCN chưa thu hút nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Nhà lưu trú cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là  công nhân tại các khu chế xuất- khu công nghiệp (KCX- KCN) đang là nhu cầu bức thiết rất lớn. Tuy nhiên thời gian qua việc thu hút nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này vẫn chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. 
 Ông Nguyễn Văn Đực phát biểu hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Đực phát biểu hội thảo.

Đó là ý kiến của đại diện nhiều cơ quan quản lý, các KCX-KCN, doanh nghiệp tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do báo Pháp luật TPHCM tổ chức sáng 21-5.

Nhu cầu lớn

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TPHCM (Hepza), cho biết TP hiện có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN. Nếu tính cả các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng NLĐ còn lớn hơn, có thể lên đến 380.000 lao động. Trong số 285.000 NLĐ đang làm việc tại các KCX- KCM thì có khoảng 65% có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên hiện nay TP mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân. Theo thống kê hiện đã có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn. 

Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên trưởng phòng đầu tư Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có 31 KCN quy mô 11.391ha với 140.000 NLĐ. Ngoài ra tỉnh còn có 1 khu kinh tế nhưng chỗ ở cho NLĐ mới đáp ứng được 6000 chỗ. “Thực tế trên địa bàn tỉnh nhiều KCN không thu hút được nhà đầu tư do không đáp ưng được chỗ lưu trú cho công nhân. Khi nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại các KCX-KCN, việc đầu tiên họ quan tâm hỏi là tư chỗ làm việc đến chỗ ở cho công nhân mất bao xa” - Ông Tình chia sẻ. 

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, mong muốn NLĐ có nơi ăn chốn ở đàng hoàng để đời sống được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo của Liên đoàn cho thấy phần lớn NLĐ phải ở các khu nhà trọ tự phát, ọp ẹp và chật chội, môi trường sống không đảm bảo. "Hiện có 4 nguồn cung cấp chỗ ở cho công nhân, gồm các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động tự xây nhà lưu trú cho công nhân; các công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật của TP đầu tư; các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân; cá nhân xây phòng trọ để cho công nhân thuê” - ông Khanh cho biết thêm.

Khu dân cư - KCN: 2 trong 1

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group (Long An), cho biết qua tìm hiểu trên địa bàn tỉnh, nhu cầu lưu trú của công nhân rất lớn, như KCN Đức Hòa 3 quy mô 1.800ha nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân. Doanh nghiệp này đã đi học hỏi, tìm hiểu mô hình nhà lưu trú công nhân tại Bicamex (Bình Dương). Trần Anh Group tính đầu tư 10.000 căn hộ nhà giá rẻ cho công nhân thuê hoặc bán. Nhưng mới đầu tư được 800 căn phải ngưng lại vì thủ tục quá nhiêu khê. Để tiếp tục triển khai, doanh nghiệp này kiến nghị thủ tục phải đơn giản hơn, nhất là thủ tục cho người mua nhà giá rẻ chỉ cần NLĐ đang làm việc tại các KCX-KCN trên địa bàn, có hợp đồng lao động, chưa có nhà. 

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành - doanh nghiêp tiên phong xây nhà giá rẻ - đề nghị: “Muốn mô hình này thành công, doanh nghiệp chỉ phải đầu tư 30%, còn lại phải hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau”. Còn ông Trần Quốc Đạt, Phó phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng TPHCM), cho biết TP đang triển khai 15 dự án nhà giá rẻ với quy mô 47ha, nhưng có đến 6 dự án đang trong giai đoạn đền bù giai tỏa, rất khó khăn. Nếu các dự án này được triển khai hoàn thiện sẽ giải quyết chỗ ở cho 95.000 công nhân. Doanh nghiệp tham dự dự án nhà giá rẻ bị kiểm soát giá cho thuê, giá bán, đối tượng mua, nên đễ bị nản. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là quỹ đất để đầu tư loại hình nhà ở cho công nhân. 

Tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng mạnh dạn cho phép nhà đầu tư chuyển một phần đất KCN sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia vì tỷ lệ chỉ chiếm 5-10%. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh KCN. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Tuy nhiên với quy định của Luật Quy hoạch mới ban hành, việc chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, BĐS công nghiệp gồm BĐS về sản xuất và BĐS về đô thị - dịch vụ. 

Việc xây nhà lưu trú cho công nhân là trách nhiệm của Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng tiêu chí về nhà giá rẻ chưa rõ ràng, thủ tục giống xây nhà thương mại nhưng đầu tư xây nhà giá rẻ bị nhiều ràng buộc, nếu không tháo gỡ sẽ không thu hút được doanh nghiệp tham gia.
Ông Nguyễn Văn Đực, 
Phó giám đốc Công ty Đất Lành

Trong khi đó, BĐS về sản xuất là các dự án đầu tư xây dựng KCN, nhà xưởng cho thuê, kho bãi, văn phòng cho thuê và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp... Còn BĐS về đô thị - dịch vụ là khu dân cư và các tiện ích, dịch vụ đi kèm như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu và một số công trình kinh tế xã hội khác. Vì vậy, vấn đề thiết yếu được quan tâm là việc phát triển bền vững KCN phải đi đôi với phát triển khu dân cư và các tiện ích xã hội đi kèm. 

Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, việc quy hoạch KCN – đô thị - dịch vụ là mô hình mới đang được nhà đầu tư quan tâm. Mô hình KCN – đô thị - dịch vụ kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Cụ thể, khi quy hoạch KCN phải gắn liền với phát triển khu dân cư và các công trình xã hội, tạo được sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mô hình này.

Các tin khác