Condotel: Bùng nổ nhưng thiếu luật

(ĐTTCO) - Hiện nay loại hình condotel (căn hộ du lịch), vila resort (biệt thự du lịch) đã được phát triển rất mạnh, tuy nhiên đây là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các quy định pháp luật liên quan, nên đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư và chủ đầu tư. 
Quang cảnh hội thảo “Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp”
Quang cảnh hội thảo “Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp”
Tại Hội thảo "Đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch - Thực trạng và kiến nghị" tổ chức tại FLC Quy Nhơn, Bình Định, chiều nay 16-3, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý chuyên ngành đã đem ra mổ xẻ nhằm tìm giải pháp pháp lý cho loại hình này.
Nguồn vốn đổ vào rất lớn
Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 148 dự án condotel với sự tham gia của 52 chủ đầu tư. Dự kiến, giai đoạn 2017-2019, có khoảng 27.000-29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng đang trở thành hiện tượng trên thị trường bất động sản. Condotel đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch đó chính là lý do các địa phương hào hứng với đầu tư dự án condotel. 
2 tháng đầu năm, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ và dự báo năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, do đó, dịch vụ lưu trú cũng sẽ phải tăng trưởng để phục vụ nhu cầu khách du lịch và condotel chính là một trong những nguồn cung. Theo ước tính, năm 2017, tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có  hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công hơn 12.500 căn.
“Tại sao bùng nổ condotel dù khung pháp lý chưa chặt chẽ? Vì condotel có những ưu điểm lớn, đánh trúng vào thời điểm hiện nay khi khách du lịch tăng trưởng nhanh; tín dụng từ ngân hàng lĩnh vực này giảm; tầng lớp trung lưu xuất hiện nhiều và có nhu cầu đầu tư” - ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói.
Condotel: Bùng nổ nhưng thiếu luật ảnh 1 Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Bình Định đang xây dựng loại hình condotel. 
Tuy nhiên, ở cấp vĩ mô, sự bùng nổ của đầu tư loại hình condotel vừa qua cũng gây nên những lo ngại về cung vượt cầu. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), nhìn nhận hiện nay nóng nhất là Đà Nẵng. Năm 2017, địa phương này đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Đà Nẵng hiện có 30.000 phòng, trong đó khoảng 8.000 phòng tiêu chuẩn 4-5 sao. Nhưng dự báo từ nay đến năm 2020 Đà Nẵng gia tăng nguồn cung 13.000-15.000 condotel. Điều này đồng nghĩa lượt khách du lịch sẽ phải tăng gấp 2 lần so với năm 2017 để lấp đầy số phòng trống, và “điều đó là không thể vì lượng khách đến điểm du lịch còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nếu không có chính sách điều tiết sẽ xảy ra tình trạng dư thừa”. 
Một địa phương cũng cần có sự lưu ý là Phú Quốc. Trong 4 năm qua có 10.000 phòng khách sạn và condotel được xây mới. Sự gia tăng số lượng trong thời gian ngắn khiến Phú Quốc xuất hiện hiện tượng dư thừa. Tuy nhiên, Phú Quốc đang được xác định là trọng điểm du lịch có thể giúp tương lai không bị mất cân bằng.
Pháp lý chưa rõ ràng
Đáng lẽ, các bộ liên quan cần đề xuất xuất giải pháp pháp luật trình Chính phủ quyết định sớm để làm thông điểm nghẽn pháp lý. Bởi thực tế, khi đất phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được sử dụng như đất ở sẽ mang lại hiệu quả, thu hút vốn đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư thứ cấp vì họ mong muốn quyền sở hữu bất động sản lâu dài. Điều này có nghĩa là sự điều chỉnh pháp luật có tác động rất lớn tới tiến trình phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
GS. Đặng Hùng Võ
Theo ông Nguyễn Trần Nam, về nguyên tắc, bên mua nhà, công trình xây dựng, các căn hộ… được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh Bất động sản). Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 14 Luật Kinh doanh Bất động sản: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng của nhà, công trình xây dựng đó”. Trong khi đó, Luật Nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được mua căn hộ nhà ở và đất nền trong dự án có thời hạn 50 năm và có thể được gia hạn. Như vậy, đối với trường hợp loại hình bất động sản condotel vừa là căn hộ, vừa là khách sạn, việc áp dụng các quy định của pháp luật về bất động sản cho loại hình này đối với cá nhân là người nước ngoài không rõ.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhìn nhận, việc giao đất để phát triển các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có một điểm nghẽn về pháp luật. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, đất để phát triển condotel là đất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, có thời hạn sử dụng thông thường là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm. Mặc dù vậy, một số địa phương đã giao đất này theo chế độ sử dụng đất ở, tức là đất ở lâu dài; một số địa phương vẫn giao theo đất kinh doanh dịch vụ, được sử dụng có thời hạn.

Các tin khác