Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ

(ĐTTCO) - Ngày 14-5, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành đã có buổi giám sát tiến độ thi công dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng. 
Sau khi giám sát quá trình thi công các cống ngăn triều, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư) nhằm đánh giá tiến độ, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắt để dự án hoàn thành đúng tiến độ, theo kế hoạch trong năm 2019.
Hiệu quả đa mục tiêu
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, cho biết sau thời gian dự án tạm dừng, đầu tháng 2 vừa qua đã tái khởi động dự án. Hiện tất cả hạng mục đã triển khai đạt tiến độ 76%. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 78%, dự kiến xong trong năm 2019; cống Tân Thuận đạt 70%, dự kiến hoàn thành đầu năm 2020. Riêng cống Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định mới đạt từ 70% - 85% do vướng mặt bằng. Về tiến độ đê - kè đạt 65%, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về hiệu quả sau khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Tâm Tiến xác định rõ 4 mục tiêu quan trọng của dự án là chống ngập do triều; điều tiết mực nước kênh rạch; cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường; đảm bảo giao thông thủy. Kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng có diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TPHCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ ảnh 1 Cống kiểm soát triều Mương Chuối, dự án chống ngập có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu
Ảnh: CAO THĂNG 
Kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển vào khu vực nội đô thành phố là nhiệm vụ tối quan trọng của dự án. Cụ thể, khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hóa bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của thành phố.
Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo triều cao. Chủ động điều tiết hạ thấp mực nước kênh rạch, thông qua hệ thống trạm bơm được lắp đặt tại các cống kiểm soát triều. Trong tình huống cực đoan nhất là mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.
Đồng bộ hệ thống cống
Theo chủ đầu tư, trong 3 tháng gần đây UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành nhanh chóng giải quyết nhiều vướng mắc cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 110 hộ dân và một số tổ chức chưa di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chủ đầu tư cam kết nếu trong tháng 6-2019, các quận huyện bàn giao toàn bộ mặt bằng thì dự án sẽ hoàn thành ngay trong năm nay.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu HĐND TPHCM băn khoăn vấn đề của hệ thống khi nước “ọc ngược” từ kênh rạch vào nội đô khi triều cao. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực trũng thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như quận 4, 7, 8 và nặng nhất là huyện Bình Chánh phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ngập nặng dù trời hoàn toàn không mưa. Chưa kể, việc kết nối với các dự án khác có đồng bộ?
Bởi hiện rất nhiều đơn vị làm đê kè và mỗi nơi làm mỗi kiểu với cao trình không đồng bộ… Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay sở đang tiếp tục rà soát tất cả các cống thoát nước nằm trong khu vực dự án. Đối với hệ thống đê kè, sở đã chỉ đạo các đơn vị làm kè đảm bảo cao trình 3m (hiện mực nước triều cao nhất hơn 1,7m). Tuy nhiên, đáng ngại là có nhiều tuyến kênh rạch chỉ mới làm đê kè một bên và sạt lở có thể xảy ra.
Về việc bàn giao mặt bằng, đại diện Văn phòng UBND TPHCM cho biết, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã giao chủ tịch UBND các quận huyện: 4, 7, 8 và Nhà Bè, Bình Chánh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án trước ngày 30-6 như đã cam kết với Thành ủy TPHCM.
UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan trình thẩm định, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trước ngày 15-5. UBND TP phân công đồng chí Võ Trung Trực, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP và chủ đầu tư dự án kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sở Xây dựng khẩn trương xem xét kiến nghị của UBND huyện Nhà Bè, đồng thời chủ trì phối hợp UBND các quận huyện có đất thu hồi rà soát, đảm bảo phải có đủ quỹ nhà, đất ở phục vụ tái định cư. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; tham mưu, đề xuất ngay để UBND TP xử lý. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè khẩn trương rà soát quỹ nhà, nền đất tái định cư của Công ty Dịch vụ công ích và các đơn vị khác do huyện quản lý; nếu có sẵn quỹ nhà, nền đất phải khẩn trương đưa vào phục vụ tái định cư cho các hộ dân theo quy định.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị và yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo thi công đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng.
 “Sau khi khảo sát thực tế mới thấy sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị được phân nhiệm vụ thực hiện dự án. Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TPHCM để dự án có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên để dự án hoàn thành đúng như cam kết, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công, các quận huyện phải đeo bám, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết.

Các tin khác