Giải pháp nền móng tiết kiệm cho công trình cao tầng

(ĐTTCO) - Giải pháp móng bè phù hợp với các công trình cao đến 25 tầng, xây dựng trên nền đất tốt. Móng bè sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm 20%-80% chi phí so với ép cọc hoặc cọc khoan nhồi.
Vượt mặt tư vấn Đức, Singapore, Hàn Quốc
Dự án K. (quận Bình Tân, TPHCM) gồm 3 tòa tháp căn hộ cao 20 tầng liền kề nhau đang được khẩn trương xây dựng. Dự án chung cư cao tầng này đã được thi công xong phần móng và bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây cũng là công trình cao tầng mới nhất trên địa bàn TPHCM được thi công bằng móng bè (năm 2018). Trước đó, nhiều công trình cao tầng, căn hộ chung cư khác ở TPHCM cũng được đưa vào sử dụng, với phương án móng bè.
Trong đó, nơi áp dụng giải pháp móng bè đầu tiên là công trình 13 tầng tại 211 Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), được thi công vào năm 1993. Từ khi thi công và sử dụng đến nay không xảy ra phiền toái cho các hộ dân xung quanh và người sử dụng. Theo chủ đầu tư tòa nhà văn phòng 211 Nguyễn Văn Trỗi, công trình trên khu đất khoảng 400m2 tiếp giáp với các khối nhà cao tầng, nhà thờ và trường học. Vì vậy, khi thiết kế xây dựng công trình phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình lân cận và cho chính công trình. Móng bè đã đáp ứng các yêu cầu này.
Đặc biệt, công trình cao tầng nhất ở TPHCM áp dụng giải pháp móng bè là chung cư Oriental Plaza (số 685 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú). Công trình này được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 17.000m2, gồm tầng hầm và 22 tầng lầu, không kể tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng mái. Ông Võ Hoàng Quốc Tuấn, đại diện chủ đầu tư chung cư Oriental Plaza cho biết, đã tham khảo nhiều đơn vị tư vấn của Đức, Singapore, Hàn Quốc nhưng cuối cùng chọn giải pháp móng bè. Việc chọn giải pháp móng bè đã giảm mạnh chi phí, thời gian (giảm 6 tháng), giúp tiết kiệm lãi vay ngân hàng vào khoảng 10 tỷ đồng/tháng.
Giải pháp nền móng tiết kiệm cho công trình cao tầng ảnh 1 Đan sắt thi công móng bè tại một chung cư cao tầng ở TPHCM. 
Là người tiên phong thực hiện giải pháp móng bè và đề xuất làm móng bè ở dự án chung cư Oriental Plaza, kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty tư vấn Xây dựng Tân - Nhà Rộng (quận Tân Bình, TPHCM) khẳng định, trường hợp chủ đầu tư chọn giải pháp ép cọc thì với quy mô công trình này, chỉ riêng chi phí tiền cọc đã lên đến 100 tỷ đồng. “Với móng bè, công trình hoàn toàn không sử dụng 1 cọc nào, nghĩa là tiết kiệm được 100 tỷ đồng. Ngoài ra, móng bè còn kết hợp với tầng hầm cũng giúp chủ đầu tư tiết kiệm thêm một khoản chi phí khác”, kỹ sư Nguyễn Văn Đực phân tích.
Giải pháp giải quyết lãng phí cho xã hội
Ông Nguyễn Văn Đực tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh Sài Gòn (năm 1974) và từ đó đến nay làm việc trong các cơ quan chuyên môn về xây dựng, địa chất công trình. Vốn xuất thân từ miền sông nước (tỉnh Kiên Giang) và kinh nghiệm thực tiễn, ông thấu hiểu nguyên lý “bè nằm trên mặt nước” để đề xuất giải pháp móng bè cho các công trình ở khu vực có nền đất tốt.
Đối với 1 công trình xây dựng, nền móng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ ở tính bền vững, sự an toàn cho chính công trình và các công trình lân cận cũng như chi phí xây dựng (chiếm 5%-20% tổng chi phí xây dựng công trình), mà thời gian xây dựng cũng rút ngắn. Hiện có nhiều giải pháp làm móng, trong đó ép cọc bê tông hoặc cọc khoan nhồi được ưu tiên sử dụng vì được xem là giải pháp an toàn. Song, ép cọc hay cọc khoan nhồi rất tốn kém, thời gian thi công kéo dài và ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Kỹ sư Nguyễn Văn Đực khẳng định, ưu điểm lớn nhất của móng bè là rẻ (bằng 20%-80% chi phí móng cọc ép), dễ thi công (không đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với những thiết bị thi công như máy ép, máy khoan cọc nhồi) và thời gian thi công nhanh hơn 6-12 tháng so với các loại móng khác. Móng bè cũng không ảnh hưởng đến công trình công cộng, gây lún nứt, hư hỏng các công trình lân cận. Ông so sánh: Chung cư 16 tầng tại số 107 Trương Định (quận 3), ban đầu chọn phương án móng cọc ép, với chi phí khoảng 30 tỷ đồng.
Do đất nơi đây tốt, không ép cọc được nên đơn vị thiết kế chọn móng cọc nhồi, “đẩy” chi phí làm móng lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thẩm tra thiết kế, ông Nguyễn Văn Đực khuyến cáo chuyển sang móng bè với chi phí chỉ khoảng 10 tỷ đồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực, móng bè phù hợp ở vùng đất tốt và khá tốt như tại quận 1, 3, 5, 6, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp. Ở khu vực nội thành có khoảng 50% công trình (quy mô đến 25 tầng) là có thể áp dụng móng bè nhưng hiện nay chưa đến 10% áp dụng.

Các tin khác