Hãy bảo tồn cầu sắt Bình Lợi

(ĐTTCO) - Báo SGGP ngày 17-4 có đăng bài Nên chuyển đổi công năng cầu sắt Bình Lợi, đề cập việc cầu sắt Bình Lợi là chiếc cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn (nối quận Bình Thạnh với quận Thủ Đức, TPHCM), đã tồn tại hơn 117 năm, là chứng tích lịch sử của Sài Gòn - TPHCM, sẽ bị tháo dỡ sau khi xây xong cầu đường sắt Bình Lợi mới. 
Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia về giao thông - đô thị và người dân đã nêu ý kiến về việc tháo dỡ hay bảo tồn cầu sắt Bình Lợi.
Bà Dương Thị Thu Thủy, chuyên viên tư vấn du lịch Công ty Vietnam Discovery Media, cho rằng cơ quan chức năng hãy lắng nghe ý kiến của người dân, người yêu Sài Gòn - TPHCM. Bà Thủy phân tích: “Ở Việt Nam, có những cây cầu đã trở thành “chứng nhân” lịch sử, biểu tượng văn hóa lịch sử của dân tộc.
Đối với người dân, du khách, khi nhắc đến Hà Nội, sẽ nhớ ngay tới cầu Long Biên; Huế có cầu Tràng Tiền; TPHCM có cầu Bình Lợi… Tại TPHCM, vừa qua Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Saigontourist triển khai 7 tour đường sông mới bằng ca nô khám phá các tuyến điểm TPHCM và vùng phụ cận. Trong số này có tour du lịch khởi hành đi đường sông qua các địa danh Ba Son - cầu Kinh Thanh Đa - cầu Bình Lợi - cầu Lái Thiêu - TP Thủ Dầu Một…
Hãy bảo tồn cầu sắt Bình Lợi ảnh 1                 Trên cầu Bình Lợi cũ. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Đường tour mới này được du khách đánh giá cao, thể hiện một góc nhìn vừa lạ vừa quen về TPHCM xinh đẹp. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng rất cần bảo tồn cây cầu mang đậm chứng tích lịch sử, gắn liền với tên tuổi TPHCM”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lửa Việt Tour, nhấn mạnh những người làm du lịch đều mong muốn TPHCM giữ lại cây cầu thép quay Bình Lợi để phục vụ phát triển du lịch đường sông. Cây cầu 117 tuổi, gỡ bỏ thì dễ nhưng phục hồi vừa khó, vừa tốn kém. Ví dụ như dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt trước đây được người Pháp xây dựng chẳng hạn, với dự trù kinh phí hàng ngàn tỷ đồng. Nếu tiếp tục tháo dỡ cầu Bình Lợi theo kế hoạch, việc triển khai phát triển du lịch đường sông của TPHCM sẽ thiếu điểm nhấn. 
Nhìn sang nước bạn, ở Thái Lan, Cầu sắt bắc ngang sông Kwai (tỉnh Kanchanaburi, miền Trung Thái Lan) đã được người Thái khai thác làm du lịch rất hiệu quả. Họ biến biểu tượng về quá khứ đau buồn của những người dân phu bị đàn áp trong Chiến tranh thế giới thứ 2 thành điểm đến du lịch thu hút du khách. Tháng 11 hàng năm, lễ hội cầu sông Kwai tái hiện hình ảnh hàng trăm người làm việc cực khổ, vây quanh là mưa bom bão đạn… khiến du khách dâng trào cảm xúc.
Nhiều bạn đọc SGGP Online cũng đã bình luận, nêu ý kiến về vấn đề này. Bạn đọc Trần Ngọc Thanh (ntranngocthanhl1@gmail.com) lo ngại: “Chúng ta đã mất nhiều giá trị di tích lịch sử văn hóa lắm rồi. Hãy cố giữ lấy những giá trị hiếm hoi còn sót lại. Mong cải tạo giữ cầu Bình Lợi”. Bạn đọc Đình Thiên (tumathien129@yahoo.com) góp ý: “Không thể xóa cầu Bình Lợi. Ở các nước giàu có như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý… đâu thiếu công trình hiện đại, nhưng khi làm cầu mới cũng bảo tồn cầu cũ khai thác giao thông, du lịch, các em học sinh tới đó tìm hiểu truyền thống xứ sở.
Tháo dỡ cầu cũ bán sắt vụn không bao nhiêu tiền đâu, lãng phí lắm, dân không chịu đâu. Cây cầu này trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vẫn còn đó, vậy mà trong thời bình chỉ cần một quyết định của Bộ Giao thông Vận tải là bị xóa sổ. Cảm ơn Báo SGGP đã nói lên tiếng nói người dân”.
Bạn đọc Nam Nguyễn (nguyenhonam_bt@yahoo.com.vn) băn khoăn: “Tại sao không giữ lại cây cầu dành cho xe máy và người đi bộ để lưu giữ nét đẹp văn hóa lịch sử”. Bạn đọc Hung Huy (huyhungnguyen@yahoo.com) lưu ý: “Sao cái gì cũng muốn đập bỏ? Thực ra giữ được mới khó, đập bỏ thì quá dễ”. Bạn đọc Phan Hiển (phanhien123@gmail.com) bức xúc: “Gia đình tôi sống ở đây 5 thế hệ rồi, gắn bó nhiều kỷ niệm với cầu sắt Bình Lợi nên không muốn cầu sắt Bình Lợi bị tháo dỡ. Dân địa phương chưa nhận được cuộc khảo sát lấy ý kiến nào của cơ quan chức năng”. Kiến trúc sư V.Thụ (thuviet1953@gmail.com) thận trọng góp ý: “Theo tôi nghĩ, thử lập phương án nâng cầu để so sánh lợi - hại, rồi quyết định sẽ hay hơn”.

Các tin khác