NoXH: Bỏ thương, vương tội

(ĐTTCO) - Có những căn hộ mức giá bán chỉ 500-700 triệu đồng, dù chủ đầu tư đã mở bán hàng chục lần song vẫn không ai mua. Xa trung tâm, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, dịch vụ kèm theo yếu kém... là những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án nhà ở xã hội (NoXH) tại Hà Nội hiện nay vẫn trong tình trạng ế ẩm.

Mở bán 15 lần vẫn... ế
Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng mới đây, UBND TP Hà Nội nêu một loạt bất cập khiến loại hình NoXH khó phát triển trên địa bàn. Trước đó, trong một báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP cho biết nhiều dự án NoXH mở bán nhưng không ai mua. 
Đơn cử, dự án NoXH Bamboo Garden, nằm trong khu đô thị Sunny Garden City do Tập đoàn CEO Group đầu tư. Giữa tháng 10, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê lần thứ 15 của dự án này. Chủ đầu tư rao bán 158 căn, cho thuê 86 căn hộ với giá bán tạm tính 9.960.000 đồng/m2, và giá cho thuê 48.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Điều đáng nói, Bamboo Garden vốn không phải là dự án NoXH, chủ đầu tư dự án đã nhanh tay xin chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang NoXH để kịp thời hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Nhưng dù Bamboo Garden được bán khi vẫn còn gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể hút người dân đến mua để ở, vì nó nằm cách Đại lộ Thăng Long 1km, cách trung tâm TP Hà Nội đến khoảng 20km.
NoXH: Bỏ thương, vương tội ảnh 1 Dự án NoXH Bamboo Garden mở bán lần thứ 15 vẫn còn ế. 
Tương tự, một số dự án NoXH khác cũng trong tình trạng ế ẩm, như dự án tại Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư. Số căn NoXH để bán 405 căn, tuy nhiên số căn hộ đã bán (từ đợt 1 đến đợt 3) chỉ 126 căn; số căn hộ còn lại 279 căn; số căn hộ cho thuê vẫn còn nguyên.
Trong danh sách bán đợt 3 mới đây của Công ty TNHH Thăng Long gửi lên Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 35 đối tượng mua. Hiện dự án này vẫn đang phải mở bán đến lần thứ 4 với 279 căn hộ còn lại và cho thuê 99 căn hộ. Giá bán tại dự án hiện tại khoảng 15 triệu đồng/m2, giá cho thuê 66.000 đồng/m2/tháng.
Hay như dự án NoXH ở Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), do liên danh CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai với CTCP Vinaconex 21 làm chủ đầu tư, cũng đã phải thông báo mở bán đến lần thứ 5. Tổng số căn hộ bán 432, trong đó có 261 căn đã ký hợp đồng mua NoXH từ đợt 1 đến đợt 4. Số căn hộ ở đợt mở bán thứ 5 là 171 căn.
Chung số phận, dự án NoXH Phú Lãm ở Hà Đông (Hà Nội) do CTCP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư cũng mở bán, tiếp nhận hồ sơ mua nhà đến lần thứ 5, vẫn còn ế hàng trăm căn hộ. Cụ thể, số căn hộ NoXH hiện vẫn còn 421 căn đang bán trên tổng số 1.150 căn và 384 căn cho thuê vẫn còn nguyên.
Vốn nhà nước có rót đúng hướng?
Trước thực trạng trên, UBND Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, thí dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp. Theo đó doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách đầu tư ưu đãi đặc thù theo mô hình đối tác công – tư (PPP), đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư từ trung ương và nguồn vốn của TP để phát triển NoXH...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, việc phát triển NoXH mới đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Có 206 dự án NoXH với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích hơn 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do việc không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách NoXH theo quy định Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Thực tế, sau khi giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hàng loạt dự án NoXH lại rơi vào tình trạng thiếu vốn. Tháng 5-2018, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách NoXH.
Theo đó, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên xem các gói hỗ trợ là giải pháp tình thế tạm thời, bởi nếu Nhà nước cứ liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, làm thị trường BĐS mất đi tính thị trường đúng nghĩa. 
Trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi dòng chảy của các gói tín dụng ưu đãi mà nhà nước tung ra có thực sự đi đúng hướng? Và Nhà nước có nên tiếp tục bơm tiền để giải cứu các dự án NoXH, khi người mua quay lưng bởi hàng loạt những bất cập đã nêu trên. Giá rẻ chưa hẳn đã là tất cả.

Các tin khác