Quảng Nam - Quá sợ tái định cư

(ĐTTCO) - Chờ tái định cư (TĐC), bỏ TĐC, TĐC không nước sinh hoạt… là thực trạng đáng buồn tại một số khu TĐC hiện nay ở tỉnh Quảng Nam, trong khi chính quyền vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng.

Nhường đất chờ nhận nhà TĐC gần 8 năm 
Từ năm 2011 đến nay hơn 20 hộ dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, (Quảng Nam) sống trong tâm trạng chờ TĐC sau khi nhường đất cho các dự án của huyện như đường trục chính, đường tránh lũ, trụ sở huyện ủy, trụ sở chi cục thuế...
Bà Lê Thị Thoa, thôn Trung Hạ, cho biết sau khi nhường đất cho dự án, bà dựng căn nhà tạm khoảng 30m2 để ở chờ bố trí TĐC. Cách đây hơn 4 tháng căn nhà bị lốc xoáy đánh sập, dù không thiệt hại về người nhưng nhiều vật dụng sinh hoạt bị cuốn bay.
“Làm nhà kiên cố không thể vì đâu ở lâu dài, còn dựng nhà tạm cứ thấp thỏm sợ gió mưa, bão lốc. Bây giờ chỉ chờ khu TĐC hoàn thành nhanh để vào ở ổn định” - bà Nga chia sẻ. Được biết, bà Thoa chỉ là 1 trong số 22 hộ dân trên địa bàn xã đang chờ được TĐC sau khi đã nhường đất cho các dự án. 
 Mục đích của các khu TĐC nhằm tạo cho cuộc sống người dân ổn định và tốt hơn so với nơi ở cũ. Tuy nhiên, nếu quá trình khảo sát, chọn lựa không tốt sẽ dẫn đến những hệ lụy. Đó không chỉ là thiếu nước, thiếu đất sản xuất hay sạt lở, xa hơn là lòng tin và sự bất an của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Chủ tịch UBND xã Quế Trung, thời gian qua địa phương đã tiếp nhận nhiều đơn thư, kiến nghị của người dân về việc chậm bố trí TĐC. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên huyện xem xét, xúc tiến hoàn thành sớm các công trình TĐC để người dân có cuộc sống ổn định.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, cho biết đang đốc thúc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2018, đưa người dân vào sinh sống. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ không đều, việc thi công các công trình khu dân cư bị chậm trễ. Chưa kể, một số công trình qua nhiều giai đoạn bị điều chỉnh thiết kế và xin gia hạn để tìm vốn đầu tư. 
“Khu dân cư số 1 được quy hoạch với quy mô 28.000m2, bố trí 114 lô đất nền. Nhưng do nguồn vốn gặp khó khăn nên dự án bị trì hoãn trong thời gian dài. Đầu năm 2017, địa phương tìm được nhà thầu thi công công trình, nhưng quy mô dự án đã bị UBND tỉnh thu nhỏ còn 18.392m2, bố trí 78 lô đất nền” - ông Trung cho biết.
Quảng Nam - Quá sợ tái định cư ảnh 1 Người dân tại khu TĐC Gò Hiu sống trong nỗi lo sạt lở. 
Bất an khu TĐC
Trong khi người dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn mòn mỏi chờ TĐC, thì tại một số khu TĐC khác của tỉnh Quảng Nam, dù người dân đã an cư nhưng nỗi lo vẫn canh cánh khi hạ tầng, điện, nước không đảm bảo. Khu TĐC Gò Dinh (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc), kể từ khi đưa vào hoạt động năm 2014 đến nay gần 50 hộ dân luôn sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Cả khu TĐC chỉ trông cậy vào bể hút chung với công suất nhỏ, nguồn nước không đảm bảo, khiến việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, cho biết nước sinh hoạt là nước dẫn từ làng vào hoặc nước giếng đào tại chỗ chủ yếu phục vụ cho tắm rửa, còn nước sạch dùng cho ăn uống vẫn chưa có. Địa phương đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho khu TĐC, nhưng chưa thấy hồi đáp.     
Tương tự, hơn 7 năm qua hàng chục hộ dân khu TĐC Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình cũng khốn đốn do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn. Nhiều hộ dân đã phải khoan giếng sâu hàng chục mét vẫn không có nước sạch để sử dụng.
“Nước có màu vàng, bốc mùi hôi dù có lọc mấy cũng không hết nên không thể sử dụng được” - ông Mai Văn Nhơn, hộ dân tại khu TĐC nói. Hiện khu TĐC này có gần 60 hộ dân tổ 7B, thôn Ngọc Sơn Tây ở từ năm 2011. Trước tình trạng thiếu nước sạch các hộ dân nơi đây đã kiến nghị lên huyện nhưng câu trả lời quen thuộc vẫn là chờ.
Bất an nhất là khu TĐC Gò Hiu (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc). Do nằm dưới chân ngọn núi đất cao, ngoài nỗi lo về nguồn nước sinh hoạt người dân còn đối diện với nguy cơ sạt lở núi. Theo ông Trương Văn Tàu, năm 2016 ông cùng với 28 hộ dân thôn Hà Dục Đông (Đại Lãnh) nằm trong vùng sạt lở được di dời về khu TĐC Gò Hiu. Ngay trong mùa mưa đầu tiên, ngọn đồi phía sau khu dân cư bị sạt lở, đất đá đổ xuống khiến ai cũng lo sợ.
“Chỗ cũ lo lũ lụt sạt lở, qua đây tưởng đã yên ổn lại gặp cảnh núi lở, chẳng khác gì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” - ông Tàu bức xúc. 
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, khẳng định ngay từ đầu việc chọn địa điểm Gò Hiu để xây khu TĐC đã sai. Do đó, năm 2017, UBND huyện có gửi kiến nghị UBND tỉnh để san bằng ngọn đồi phía sau khu dân cư Gò Hiu. Tuy nhiên, việc này vướng phải đất có “bìa đỏ” của một số hộ dân nên chưa thể triển khai.
“Năm ngoái huyện tập trung giải quyết vấn đề nước cho người dân vì đây là vấn đề bức xúc nhất. Năm nay chúng tôi sẽ tập trung xây dựng kè nhằm ngăn chặn núi sạt lở” - ông Mẫn cam kết.

Các tin khác