Quyết định tách thửa tiếp tục chờ

(ĐTTCO) - Sau hơn 1 năm đưa dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014 về diện tích tối thiểu để tách thửa với sự góp ý nhiều lần của các quận huyện, sở ngành, nhưng đến nay dự thảo vẫn chưa được UBND TPHCM thông qua. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang ách tắc tiếp tục chờ.
 
Quyết định tách thửa tiếp tục chờ
Tiếp tục góp ý
 Tháng 5-2017, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã có cuộc họp với lãnh đạo 24 quận huyện, sở ngành liên quan về việc góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014 để TP “chốt” lại trước khi ban hành.
Tuy nhiên, mới đây Sở TN-MT mới có ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn. Theo sở này, thay vì tách thửa cho 2 trường hợp “đất trống” và “đất có nhà”, dự thảo không phân biệt đất trống và đất có nhà, chỉ quy định diện tích tối thiểu để tách thửa. Trong khi diện tích tối thiểu của đất trống lớn hơn đất có nhà hiện hữu.
Theo Sở Tư pháp, quy định của dự thảo đất có nhà ở hiện hữu là trường hợp “nhà ở tạo lập trước khi Quyết định 33 có hiệu lực thi hành (trước ngày 15-10-2014) và phải được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hoặc đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận” là chưa rõ về cơ sở pháp lý, bởi Luật Đất đai không quy định nội dung này.
Sở Tư pháp đề nghị bỏ nội dung này, đồng thời điều chỉnh theo hướng chỉ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở, không phân thành 2 trường hợp đất có nhà ở và đất trống như dự thảo. 
Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TPHCM đề xuất diện tích tối thiểu khi tách thửa tại khu vực 1 là 36m2 và 45m2 (tùy thuộc lộ giới đường nhỏ hay lớn hơn 20m); tại khu vực 2 là 50m2, không phân biệt đất trống hay đất có nhà. Còn Sở TN-MT lại lựa chọn diện tích tách thửa theo trường hợp tách thửa đất trống.
Cụ thể, tại khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) diện tích tối thiểu 50m2 (chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m). Tại khu vực 2 gồm các quận/huyện còn lại, diện tích thửa đất tách ra và còn lại phải tối thiểu 80m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.

Nhiều ý kiến đối chọi
 Trong lúc dự thảo thay thế Quyết định 33 vẫn chưa được ban hành, các quận huyện vẫn áp dụng quy định cũ, không dừng lại chờ đợi quyết định mới. Thế nhưng trên thực tế nhiều quận, huyện vẫn “án binh bất động”.
Anh N. một người dân tại Hóc Môn, cho biết gần 1 năm qua anh nộp hồ sơ xin tách thửa nhưng không được giải quyết, mọi việc dậm chân tại chỗ. Thực ra việc thay đổi một số nội dung tại Quyết định 33 hiện hành là nhằm hạn chế nhiều doanh nghiệp “núp bóng” tách thửa để phân lô bán nền. Chính vì vậy thời gian qua nhiều địa phương cứng nhắc áp dụng, “đóng cửa” chờ đợi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. 
Trước đó, dự thảo cũ (lần 1) quy định tách thửa từ 2000m2 trở lên phải lập dự án, sau đó Sở Tư pháp cho hay quy định này chưa rõ cơ sở pháp lý để bắt buộc người sử dụng đất thực hiện. Do đó, dự thảo mới nhất (lần 2), Sở TN-MT không đưa quy định trên vào, nhưng dự thảo lại quy định giới hạn diện tích được tách thửa “dưới 2.000m2”.
Ngay sau đó ý kiến của Sở Tư pháp chưa có cơ sở để giới hạn diện tích thửa đất tách thửa dưới 2.000m2, quy định này cũng không thuộc thẩm quyền của UBND TP, chỉ được quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa. Sở Tư pháp đề nghị bỏ nội dung trên. 
“Để hạn chế tình trạng lợi dụng việc tách thửa để chuyển nhượng thu gom đất để lập phương án tách thửa nhỏ, kinh doanh BĐS hình thành các khu dân cư chưa đảm bảo hạ tầng, đề nghị UBND TP giao Sở TN-MT có văn bản đề xuất Bộ TN-MT sửa đổi, bổ sung các văn bản ở trung ương, để TP có cơ sở thực hiện” - Sở Tư pháp kiến nghị. 
Tuy nhiên, theo lý giải của Sở TN-MT, Luật Đất đai cho phép UBND TP quy định diện tích tối thiểu được tách thửa phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương. Qua rà soát thực tế, sở dự thảo theo hướng chỉ giải quyết tách thửa đất ở có diện tích dưới 2.000m2 là phù hợp với điều kiện, tập quán và yêu cầu đặt ra cần phải quản lý của TP. 
Sở Tư pháp còn đề nghị đất “xây dựng mới” được tách thửa. Theo đó, với trường hợp đất ở thuộc quy hoạch “dân cư xây dựng mới” đang gây nhiều ách tắc, Sở Tư pháp đề nghị giải quyết cho tách thửa để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Theo Sở Tư pháp, về bản chất đất ở thuộc các quy hoạch này vẫn là đất ở.
Nếu không cho phép người dân tách thửa thì chưa đảm bảo về cơ sở pháp lý và hạn chế quyền lợi của người dân. Về nội dung này tại cuộc họp với lãnh đạo TP, đã có nhiều ý kiến trái chiều, nơi bảo cho tách thửa sẽ phá vỡ quy hoạch, chỗ nói cấm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Các tin khác