Sốt đất nền do tâm lý và trục lợi

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC ra ngày 25-3, có bài “Thị trường đất nền - mức giá tăng, sức mua giảm”, phản ánh giá đất vùng ven khu Đông và Tây Bắc TPHCM có dấu hiệu tăng nhiệt. Theo nhiều chuyên gia, đây là hiện tượng bình thường, bởi thường sau thời gian ngắn giá đất sẽ xác định mặt bằng mới. 
Sốt đất nền do tâm lý và trục lợi
Thực tế, tâm lý sở hữu đất còn rất nặng trong không ít người dân. Vì thế, khi đủ tiền tích lũy nhiều người sẽ đầu tư vào đất nền, từ đó tạo đà cho thị trường. Ngoài ra, người dân đã có nhìn nhận khác nhau giữa việc ở chung cư và nhà phố, thậm chí nhiều người sẵn sàng bán nhà để ở chung cư. Nhưng nếu so sánh tương quan trên thị trường, tỷ lệ người muốn sở hữu nhà đất vẫn cao hơn người mua căn hộ chung cư.
Ở khu vực ven hay các tỉnh lân cận TP lớn hiện nay, chỉ khi không đủ tài chính để sở hữu nhà đất người dân mới nghĩ đến việc mua chung cư với giá trị thấp hơn. Tuy không đánh đồng nhu cầu của đối tượng khách hàng nhắm đến căn hộ cao cấp trên thị trường, nhưng khách quan mà nói tâm lý của đa số người mua nhà hiện nay nếu có trong tay trên dưới 3 tỷ đồng họ đều nghĩ đến việc sở hữu đất (xây nhà), hoặc nhà phố xây sẵn. Nếu khi đặt ra bài toán tiện ích, một số ít sẽ dịch chuyển từ nhà phố sang chung cư. 
Chính tâm lý sở hữu tài sản lâu dài và số lượng người dồn vào nhà đất nhiều, là căn nguyên khiến đất nền luôn được chuộng ở mọi giai đoạn và giá biến động tăng. Đất nền vừa tác động đến nhu cầu ở thực, vừa tác động đến nhu cầu đầu tư. Đất nền còn đáp ứng được nhu cầu sở hữu lâu dài, của để dành. Do đó, sự tác động đến thị trường của số đông này đã tạo nên hiệu ứng tích cực.
Đây chính là căn cứ để phân khúc này dễ biến động giá và hút lượng lớn người tham gia. Khi nhiều người cùng tham gia, tự thị trường đẩy sóng. Khác căn hộ phân hạng theo cấp bậc cao cấp, trung cấp, bình dân và bán với mức giá tương ứng, việc sở hữu đất nền không phân biệt cấp bậc nên giá bán cũng không quy định rõ. Đây chính là cơ hội để bên bán tự tạo mặt bằng giá tùy vào vị trí và mức độ đầu tư hạ tầng. 
Điều lo ngại, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không chuyên nhảy vào thị trường này để bơm giá trục lợi. Một số khu vực sốt, hạ nhiệt rồi tái sốt cũng bởi do những đối tượng này. Ngoài ra, tình trạng sốt đất còn xuất phát từ yếu tố lợi nhuận.
Đây chính là lý do khiến đất nền luôn nhận được sự ủng hộ của giới đầu tư - đối tượng dễ tạo sóng để kích giá thị trường cũng như nhu cầu dồn về khu vực nào đó. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giá đất nền còn khá lớn. Hiện tượng đất sốt cục bộ hoặc tái sốt ở một số khu vực giá đất có thể tăng cao hơn nữa xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân này.
Thí dụ, cách nhau 1 cây cầu nhưng giá đất khu vực bên này cầu 50 triệu đồng/m2, trong khi bên kia cầu chỉ 15-20 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư sẽ dồn về khu vực giá mềm để gom đất. Hoạt động này diễn ra trong khoảng thời gian đủ dài, ngay lập tức đất nền nơi đó sẽ biến động mạnh, âm ỉ tạo nên nhiều đợt sốt kéo dài.

Các tin khác