Sốt đất và hiệu ứng ngược

(ĐTTCO) - Dù không còn nóng như thời điểm hơn 1 năm về trước, song cơn sốt đất ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đến nay vẫn chưa thực sự hạ nhiệt hoàn toàn. Cuối năm 2017, đầu 2018 là thời điểm cơn sốt đất của Vân Đồn được đẩy lên đến đỉnh điểm.
Sốt đất và hiệu ứng ngược
Quảng Ninh đã ấp ủ hơn 20 năm ý tưởng xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế. Mọi tính toán, quy hoạch đều được rà soát kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội thông qua. Nhưng cơn sốt đất đã làm méo mó tầm nhìn chiến lược, những quy hoạch bị băm nhỏ, giá đất đền bù nằm ngưỡng cao.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, hàng ngàn tỷ đồng được giới đầu cơ đổ vào Vân Đồn, khiến giá đất nơi đây cao gấp chục lần, thậm chí trăm lần so với giá trị thực. Hàng loạt đất vườn, đất nông nghiệp, đất rừng… đều được phù phép biến thành đất ở. Họ chia năm, xẻ bảy những thửa đất ở vị trí đắc địa để tiện giao dịch.
Cơn sốt đất lên đến đỉnh điểm khiến chính quyền Quảng Ninh phải ra hàng loạt văn bản chỉ đạo để ngăn chặn tình trạng buôn bán đất ở Vân Đồn. Các nhà đầu cơ, nhóm lợi ích đã thổi giá đất Vân Đồn lên cao ngất ngưởng để kiếm lời, rồi âm thầm rút đi chóng vánh. Hậu quả để lại không hề nhỏ, quy hoạch bị bóp méo, manh mún, giá cả đất đai luôn sốt ảo, nguy cơ vỡ bong bóng nhà đất cũng hiển hiện ngày một rõ.
Điều đáng lo ngại, hệ lụy sốt đất gây ra đã gây hiệu ứng ngược với nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư tiềm năng có sẵn vốn và muốn đầu tư thực sự. Thay vì mở hầu bao, nhà đầu tư sẽ dè dặt hơn, thậm chí rũ áo ra đi. Trước đây, Vân Đồn từng được xem là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư BĐS ngoại, giờ đây nhiều nhà đầu tư đã không còn mặn mà. 
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng, sốt đất ở một số nơi như Vân Đồn, Đà Nẵng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn khi có ý tưởng đầu tư vào những địa điểm này. Có thể các nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn, hoặc sẽ đi tìm địa điểm khác để đầu tư, vì không ai muốn đầu tư vào thị trường có tính rủi ro cao.

Các tin khác