Sự bất nhất của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương?

(ĐTTCO)-Trong vòng 40 ngày, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương đã tư vấn cho UBND tỉnh ban hành các quyết định có nội dung trái ngược, khiến doanh nghiệp liên quan bất ngờ, còn dư luận hoài nghi về tính khách quan đối với các quyết định trên.
Toàn cảnh dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 nhìn từ trên cao.
Đề xuất giao đất rồi lại đề nghị thu hồi!
Tại Bình Dương thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm tới vụ thửa đất công có diện tích 7.551,1 m2 nằm trong quy hoạch dự án Khu dân cư (KDC) Mỹ Phước 4, Thị xã Bến Cát, do CTCP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) làm chủ đầu tư. Chỉ trong vòng 40 ngày, từ 14-6 đến 24-7, Sở TN-MT Bình Dương đã đề xuất UBND tỉnh ban hành những quyết định với nội dung trái ngược. 
Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương giao khu đất trên cho Công ty Thuận Lợi thực hiện dự án KCD Mỹ Phước 4 bằng Văn bản 2941/STNMT – CCQLĐĐ ngày 14-6-2019. Đây là cơ sở để UBND tỉnh ban hành Văn bản 3457/UBND – KTN ngày 16-7-2019, với nội dung chấp thuận chủ trương giao đất cho Công ty Thuận Lợi thực hiện dự án. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT Bình Dương hướng dẫn Công ty Thuận Lợi thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chỉ sau 8 ngày kể từ khi UBND tỉnh ban hành Văn bản 3457/UBND-KTN, ngày 24-7-2019, Sở TN-MT Bình Dương lại có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi Văn bản 3457/UBND – KTN, với lý do: Tỉnh chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất có dính đến đất công, nhưng Công ty Thuận Lợi đã tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng và đang xây dựng 2 lô nhà…
Doanh nghiệp làm đúng thủ tục
Về dự án KDC Mỹ Phước 4, đây là dự án được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) làm chủ đầu tư từ giữa năm 2002, đến năm 2006 được quy hoạch chi tiết điều chỉnh và mở rộng, trong đó có phần diện tích đất công do Nhà nước quản lý nêu trên.
Năm 2015, dự án được Công ty Thiên Phú chuyển nhượng lại cho Công ty Thuận Lợi (thông qua buổi đấu giá quyền sử dụng đất do ngân hàng tổ chức), và hiện tại Công ty Thuận Lợi đang tiến hành một loạt thủ tục liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ đối với việc phát triển dự án trên, trong đó có cả phần đất công 7.551,1 m2.
Theo ông Nguyễn Thuận, Giám đốc Công ty Thuận Lợi, khi mua trúng đấu giá dự án, khu vực đất công đã được chủ đầu tư cũ (Công ty Thiên Phú) san lấp rạch Chùm Chũm và nắn tuyến thẳng cho song song với Quốc lộ 13 theo quy hoạch. Đến khi thi công hạ tầng cho toàn KDC, Công ty Thuận Lợi đã hoàn chỉnh tuyến đường này với lộ giới 20m và hiện đang được đưa vào sử dụng.
Về việc xử lý giao thửa đất công này cho Công ty Thuận Lợi, chính quyền địa phương đã có 2 phương án: Công ty Thuận Lợi bồi thường lại cho UBND phường Mỹ Phước thửa đất khác có diện tích, giá trị ngang bằng với thửa đất trên để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi. Hoặc Công ty Thuận Lợi nộp tiền vào ngân sách địa phương (trên cơ sở các ngành chức năng thẩm định, xác định giá trị thửa đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt), để UBND Thị xã Bến Cát đầu tư xây dựng công trình công cộng, phúc lợi cho phường Mỹ Phước.
“Công ty Thuận Lợi cũng đã có văn bản gửi UBND Thị xã Bến Cát về việc bồi thường, hỗ trợ diện tích đất công thu hồi 7.551,1m2 bằng diện tích đất 5.123,9m2 đất mặt tiền đường D3 rộng 20m (phường Mỹ Phước), đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (diện tích còn lại 2.427,2m2 do trừ hành lang bảo vệ rạch Chùm Chũm đi qua dự án và để xây bờ kè công viên của rạch). Bên cạnh đó, Công ty Thuận Lợi cũng sẵn sàng ủng hộ số tiền 5 tỷ đồng cho để xây trường học trên diện tích đất này” – ông Nguyễn Thuận khẳng định.
Sở TN-MT tỉnh Bình Dương gây khó?
Theo Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng (Văn phòng Luật sư Long Cường), việc Sở TN-MT lấy lý do thu hồi chủ trương giao đất vì Công ty Thuận Lợi xây dựng hạ tầng trước khi được giao đất là không phù hợp với quy định tại Điều 63, 64 Luật Đất đai 2013 về thu hồi đất, bởi hành vi xây dựng trước khi giao đất không phải là căn cứ thu hồi lại chủ trương của tỉnh về hoán đổi đất.
Khi vận dụng lý do này, Sở TN-MT đã bỏ qua tính lịch sử của dự án: Chủ đầu tư cũ được chấp thuận quy hoạch xây dựng từ ngày 30-5-2002 nhưng đã không thể triển khai dự án, và cuối cùng ngân hàng phải đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất của dự án vào năm 2015... Sở này cũng bỏ qua chi tiết quan trọng là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng phải có quá trình, nên không thể không biết việc đầu tư hạ tầng toàn khu của Công ty Thuận Lợi…
Sở TN-MT Bình Dương căn cứ rất nhiều văn bản để kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giao đất và cũng chính Sở này chỉ nêu một lý do khá chung chung, không phải là căn cứ thu hồi đất, để kiến nghị UBND tỉnh rút lại chủ trương, tức thay đổi lập trường trong một thời gian ngắn, sẽ dẫn đến sự hoài nghi về tính khách quan và gây hoang mang cho chủ đầu tư” - Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng nhận định.

Các tin khác