Thận trọng lập kế hoạch kinh doanh

(ĐTTCO) - Năm 2019, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và xây dựng được dự báo gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc nhìn nhận diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) đang hết sức khó lường, nguồn cung hàng mới ra chậm do ách tắc hồ sơ pháp lý, ngân hàng siết chặt cho vay mua đầu tư BĐS… Những áp lực này khiến doanh nghiệp địa ốc tỏ ra thiếu lạc quan và thận trọng hơn khi lên kế hoạch kinh doanh. 

Thận trọng lập kế hoạch kinh doanh
Đơn cử, CTCP Đầu tư LDG (LDG Group - mã LDG) đặt mục tiêu năm 2019 đạt 3.289 tỷ đồng doanh thu (tăng 91% so với 2018) và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng (giảm 4 tỷ đồng). Ông Phạm Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT, cho biết nếu quá tự tin đặt mức cao không thực hiện được sẽ dẫn đến rủi ro.
Động thái các ông lớn trong ngành xây dựng cho thấy cũng không còn “vung tay quá trán” như trước. Năm nay, Công ty xây dựng Coteccons (CTD) chủ động hạ chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng (năm 2018 là 28.561 tỷ đồng), lợi nhuận hợp nhất 1.300 tỷ đồng (năm 2018 là 1.510 tỷ đồng).
Tương tự, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một trong những đơn vị xây dựng lớn, trong năm 2018 doanh thu thuần chỉ đạt 88% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 630 tỷ đồng, giảm 26,7% so với 2017 và chỉ đạt 59% so với kế hoạch. Năm 2019, Hòa Bình xây dựng kế hoạch với doanh thu dự kiến đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 1,6%; lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long, cho rằng thời gian qua nhiều dự án bị đưa vào diện thanh tra, kiểm toán nhưng 2-3 năm chưa xong, điều này tạo bất an và chưa rõ ràng. Các dự án ngưng trệ đã làm thiếu nguồn cung, khiến nhiều nhà đầu tư đã rời TPHCM đi các tỉnh khác, kể cả đi nước ngoài.
TS. Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kinh tế - Luật), nhận định việc các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng đồng loạt giảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019 xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở bình dân chiếm tỷ lệ áp đảo khoảng 70-80%. Đây là đối tượng nguồn tiền không đủ để mua buộc họ phải tiếp cận thị trường tín dụng. Năm 2019, dự báo lãi suất tiếp tục ở mức cao, lãi suất huy động hiện trên 8%, cộng thêm biên độ tối thiểu 3%, lãi suất cho vay có thể lên đến 11-15%. Đây là mức lãi suất khá cao, buộc người mua nhà cần xem xét khả năng tài chính, làm giảm nhu cầu.
Thứ hai, tín dụng BĐS đã tăng trưởng khá cao ở các năm trước, trong năm 2019 Chính phủ sẽ siết lại làm giảm dòng vốn đầu tư vào BĐS, nguồn cung và cầu cùng bị thu hẹp. Thứ ba, lượng tồn kho các năm trước vẫn còn khá lớn.
Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị tồn kho BĐS trên 22.825 tỷ đồng. Thứ tư, trong năm 2019 thị trường BĐS nói chung và các doanh nghiệp địa ốc nói riêng cũng đứng trước những khó khăn để phát triển và triển khai dự án. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, các thủ tục phê duyệt và cấp dự án khắt khe hơn…
Trong đó vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp là chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn.  

Các tin khác