Thiếu chính sách hỗ trợ, dễ rủi ro

(ĐTTCO) - Ban Kinh tế Trung ương vừa có buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp BĐS tại TPHCM về tình hình đầu tư, kinh doanh và phát triển lĩnh vực địa ốc, cũng như những chính sách tác động đến thị trường này như thế nào… để từ đó có quyết sách đúng đắn hơn.
 
Thiếu chính sách hỗ trợ, dễ rủi ro
Thị trường phát triển thiếu ổn định
 Theo Hiệp hội BĐS TPHCM, thị trường BĐS thường trải qua các giai đoạn phát triển: tăng trưởng - ổn định - nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đơn cử, cơn sốt BĐS xảy ra vào các thời điểm năm 1993, giai đoạn 2001-2002, nửa cuối năm 2010, đặc biệt cơn sốt bong bóng BĐS đã đạt đỉnh năm 2007 và kéo dài từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009. Sau đó, thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2009 đến giữa năm 2010, và giai đoạn từ năm 2013 đến nay. 

Các giai đoạn thị trường BĐS khủng hoảng hoặc đóng băng đều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng và đội ngũ công nhân, lao động. Sự phát triển thiếu ổn định của thị trường BĐS đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó tác động trực tiếp đến quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông.
Trong bối cảnh chung đó, thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2006-2015 dù trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhưng sau mỗi giai đoạn 5 năm, quy mô thị trường có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi. Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng 0,9 lần, nhưng trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 1,6 lần, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, giữ được vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Năm 2016 và 8 tháng năm 2017, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại.

Dự án bỏ hoang, người nghèo khó mua nhà
 Một số ý kiến cho rằng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị đang khó tiếp cận nhà ở. Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ, việc giá BĐS tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời. Hiện nay TPHCM xấp xỉ 13 triệu dân và có thêm khoảng 3 triệu dân nhập cư. TP đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư có giá chỉ 7,9-14 triệu/m2, nhà cho thuê 49 năm, nhưng các chủ đầu tư này không được hỗ trợ phát triển và các sản phẩm này hiện rất ít.
Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội chủ đầu tư không còn nguồn tín dụng hỗ trợ dẫn đến phải xin trả dự án. Mặt khác, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng này cũng chưa hiệu quả. Một số chủ đầu tư tại TPHCM cho rằng chưa tạo đà phát triển được nguồn cung nhà giá rẻ và nhà cho thuê, người nghèo đô thị vẫn sẽ không thể mua nhà. Trong khi đó trên địa bàn TP vẫn có nhiều dự án “hoang hóa”. Ngay cả gói 30.000 tỷ đồng cũng chỉ có người thu nhập trung bình mới có khả năng chi trả. 
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết các dự án trùm mền tại TPHCM ngoài việc để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, Nhà nước, đối tác và khách hàng, còn đang gây lãng phí quỹ đất trong khi người nghèo không có nhà ở. Hiện ở TPHCM có khoảng 500 dự án trùm mền với hàng trăm ngàn ha đất bị bỏ hoang. Bên cạnh đó, thị trường BĐS còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chính sách, như thủ tục hành chính kéo dài khiến chi phí đầu tư cao, giảm cơ hội kinh doanh… 
Nhận định về sự tác động của chính sách đến thị trường BĐS, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, cho rằng thị trường BĐS có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, nguyên vật liệu thiết bị và thị trường lao động. Thị trường đã manh nha từ năm 1987 và dần hình thành từ năm 1993 sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai đầu tiên và Pháp lệnh Nhà ở, tạo khuôn khổ pháp lý ban đầu cho thị trường quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Trong hơn 20 năm qua, hoạt động của thị trường BĐS đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Theo quy luật phổ biến, thị trường BĐS thường diễn biến theo hình sin bất đối xứng , phụ thuộc vào các quy luật giá trị,  cạnh tranh, quan hệ cung - cầu, chính sách, cơ chế điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Theo đó, hành vi đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư dưới sự tác động của chính sách, cơ chế, hoặc do yêu cầu của thị trường. 
Những ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp là tổng kết quý hiếm từ thực tiễn, những thuận lợi tiếp tục phát huy, những chính sách chưa tốt cản trở sự phát triển tổ công tác sẽ ghi nhận, tổng hợp để báo cáo với Trung ương, Chính phủ… để khắc phục kịp thời. 

Các tin khác