Tràn lan sổ đỏ giả để lừa đảo

(ĐTTCO)-Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để giao dịch, chuyển nhượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Vấn nạn này càng đáng báo động khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng, chưa thể kiểm soát được.
Đối tượng Nguyễn Văn Công tại cơ quan điều tra.
Đối tượng Nguyễn Văn Công tại cơ quan điều tra.
Những cú lừa ngoạn mục
Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, vừa tạm giữ Nguyễn Văn Công (sinh năm 1987, ngụ đường Nguyễn Công Trứ, phường 2, TP Bảo Lộc) để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 26 tỷ đồng. Công bị bắt giữ vì có hành vi làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà C.K.P (quận Thủ Đức, TPHCM). 
Nguyễn Văn Công khai nhận có liên hệ mua của ông Đ.H.A. 1 lô đất diện tích 5.700m2. Từ các thông tin về thửa đất, trên giấy chứng nhận photo Công đã thuê một người làm giả sổ đỏ mang tên mình, rồi liên hệ với người tên Đ.T.L. để bán khu đất.
Qua kiểm tra giấy tờ đất và thông tin quy hoạch, ông L. đồng ý mua toàn bộ diện tích 5.700m2 đất trên với giá 30 tỷ đồng và đặt cọc trước cho Công 300 triệu đồng. Do không đủ tiền để mua, ông L. giới thiệu bà C.K.P để mua lại. Bà C.K.P đã đồng ý mua với giá 30 tỷ đồng với điều kiện phải chuyển 5.000m2 sang đất xây dựng và Công đồng ý thỏa thuận trên. 
Ngày 11-3-2019, Công nhận được số tiền đặt cọc 1 tỷ đồng và liên hệ người đã làm giả sổ đỏ trước đó để làm giả lại sổ đỏ là đất xây dựng. Ngày 19-4-2019, các bên đã đến Văn phòng Công chứng (VPCC) Đỗ Hữu Sâm (đường Hà Giang, phường 1, TP Bảo Lộc) làm hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên.
Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bà C.K.P chuyển vào tài khoản cá nhân của Công tại Ngân hàng ACB chi nhánh TP Bảo Lộc 25 tỷ đồng (tổng cộng đã thanh toán 26 tỷ đồng). Số tiền còn lại 4 tỷ đồng, 2 bên cam kết sau khi Công xây dựng xong bờ kè và san mặt bằng khu đất sẽ thanh toán hết. Ngày 26-4, khi ông L. đến UBND TP Đà Lạt nộp hồ sơ chuyển tên sang cho bà C.K.P, đã phát hiện sổ đỏ khu đất trên là giả.
Cuối năm 2018, TAND tỉnh Bình Dương xét xử vụ án làm giả 32 sổ đỏ, chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương, trong thời gian 2008-2014, bà Trần Thị Lệ Thu (58 tuổi, trú tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) cùng đồng phạm đã làm giả 32 sổ đỏ, hợp đồng công chứng xác nhận tình trạng BĐS để thế chấp vay và chiếm đoạt 9,5 tỷ đồng của Agribank chi nhánh Sở Sao Bình Dương; vay và chiếm đoạt của Ngân hàng An Bình ở Bình Dương số tiền 63,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Thu còn vay và chiếm đoạt của các cá nhân khác số tiền 7,4 tỷ đồng. Tổng số tiền bà Thu và đồng phạm chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng.

Tinh vi, khó phát hiện
Theo thống kê, tại TPHCM trong vòng 3 năm trở lại đây có trên 300 vụ lừa đảo bị phát hiện liên quan đến việc sử dụng sổ đỏ giả. LS. Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM), cho biết việc giao dịch thực hiện qua công chứng  sau đó mới phát hiện giấy tờ là giả, do những giấy tờ này với kỹ thuật làm giả ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
Nội dung làm giống như bản thật (lấy thông tin trên giấy thật của người dân rồi về làm nội dung trên giấy giả). Hay làm giả từ chính những người làm trong cơ quan cấp giấy, việc làm giả trên phôi giấy chứng nhận thật, làm giả trên phôi thật và đóng dấu thật của cơ quan cấp giấy chứng nhận nên rất khó phát hiện.
Mặt khác, để xảy ra các vụ lừa đảo là có sự tắc trách của công chứng viên (CCV). Có những vụ CCV còn là đồng phạm với những kẻ làm giấy tờ giả, chỉ sau đó người mua không đăng bộ được mới phát hiện ra giấy tờ giả.
Có những trường hợp giả giấy tờ cá nhân để đóng giả người trong giao dịch. Có những trường hợp, người mua còn giao luôn việc kê khai thuế và đăng bộ cho người làm dịch vụ đăng bộ để nhận lại giấy chứng nhận bị giả lần nữa cũng không phát hiện. Ở những vụ việc này thường xảy ra mức độ nghiêm trọng vì nhiều người cùng là nạn nhân với số tiền lớn.
Theo LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, dấu hiệu của loại tội phạm thực hiện hành vi làm giả các loại giấy tờ, trong đó có sổ đổ, sổ hồng ngày càng nhiều, hoạt động có tổ chức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và sử dụng công nghệ hiện đại. Mục đích của việc làm giả các loại giấy tờ nhà, đất là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác và thực tế nhiều cá nhân, tổ chức là nạn nhân của loại tội phạm này, kể cả các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp với nhiều kinh nghiệm.
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” để điều tra băng nhóm đã thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thủ Đức 14 tỷ đồng vừa qua, là thí dụ cụ thể về loại tội phạm này.

Lỗ hổng công chứng
Lỗ hổng hiện nay trong lĩnh vực công chứng, theo phân tích của LS. Trần Đức Phượng là CCV chỉ chứng nhận giao dịch dựa vào giấy tờ của các bên, không có hoạt động kiểm tra thực địa đối với nhà đất là đối tượng giao dịch. Bên cạnh đó, thói quen của người giao dịch là công chứng xong thanh toán gần như hết số tiền mua nhà đất.
Do đó, chỉ cần trót lọt dẫn người mua qua công chứng với bản hợp đồng mua bán nhà hay hợp đồng chuyển nhượng đất, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền của bên mua.
Luật Công chứng 2014 quy định, công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản; quy định nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng; người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó. 
Với quy định này, người yêu cầu công chứng (chẳng hạn bên bán) đưa ra các giấy tờ giả là thuộc trách nhiệm của chính họ, công chứng không chịu trách nhiệm. Với trường hợp dùng giấy tờ giả là CMND hay thẻ căn cước nhằm đóng giả người để tham gia giao dịch, công chứng phải chịu trách nhiệm liên đới do không kiểm tra phát hiện về chủ thể không đúng. 
Khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng 2014 quy định về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng như sau: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. 
Quy định là vậy, nhưng theo LS.Thái Văn Chung, trách nhiệm của VPCC và CCV khi các đối tượng sử dụng các giấy tờ làm giả như CMND, hộ khẩu, sổ đỏ… để thực hiện các giao dịch tại VPCC chưa được xác định cụ thể. Trừ trường hợp có căn cứ để khẳng định CCV biết các giấy tờ, tài liệu các đối tượng đưa ra giao dịch là giả nhưng vẫn thực hiện mới phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc dân sự.  
Vì vậy, cần có cơ chế phù hợp và khoa học hỗ trợ VPCC và CCV phát hiện các dấu hiệu bất thường, khả nghi của các giấy tờ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch. Bên cạnh đó, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nhân thân của cá nhân đang được Bộ Công an  quản lý để các VPCC có căn cứ để kiểm tra, đối chiếu khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến BĐS.
Đồng thời cần quy rõ trách nhiệm về bồi thường thiệt hại khi CCV thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện công chứng giao dịch, hợp đồng.
Những lưu ý khi mua nhà đất:
- Kiểm tra các giấy tờ và nội dung trước khi giao dịch, về nguồn gốc nhà đất từ phía bên mua.
- Trực tiếp xuống kiểm tra thực địa nhà đất, hỏi thông tin những người đang quản lý nhà đất và người xung quanh, người liên quan về nguồn gốc đất, có thể đến UBND phường để hỏi những thông tin cơ bản.
- Tự mình kiểm tra giấy tờ gốc và kiểm tra các giấy tờ liên quan từ nguồn gốc đất (hợp đồng mua của bên bán, nộp thuế, nộp lệ phí….) , có thể nhờ văn phòng luật sư hỗ trợ.
- Đàm phán thanh toán qua ngân hàng, tiền bên mua chuyển vào tài khoản phong tỏa, khi đăng bộ xong bên bán mới được nhận tiền.

Các tin khác