Vẫn nhiêu khê thủ tục xây dựng

(ĐTTCO) - Hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án nhà ở, cụ thể xây dựng chung cư buộc phải có đất sạch. Để có được điều này, doanh nghiệp phải thương lượng đền bù, hỗ trợ người dân. Công đoạn này rất gian nan vì có những dự án công tác đền bù giải tỏa mất hàng chục năm. 
Sau khi có đất sạch, doanh nghiệp tiếp tục trải qua hàng loạt thủ tục để đủ điều kiện khởi công xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư nộp đơn tại UBND quận, huyện xin chỉ tiêu quy hoạch; UBND quận huyện làm việc với các phòng ban và đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) để xem xét chỉ tiêu quy hoạch như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, số dân và số tầng cao. Sau đó UBND quận, huyện có văn bản báo cáo Sở QH-KT và chờ sở này có văn bản đồng ý các chỉ tiêu trên. Trên cơ sở này, quận huyện ra giấy thỏa thuận quy hoạch 1/500 và giấy phép quy hoạch. 
Chưa hết, chủ đầu tư còn phải thực hiện những thủ tục -giống như xin những giấy phép con - như thỏa thuận với các cơ quan chức năng về PCCC, môi trường, đấu nối giao thông, chiều cao công trình. Sau đó doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) để xác định diện tích giao đất và cùng với Sở Tài chính, Cục thuế xác định tiền sử dụng đất của dự án. Khi đủ các điều kiện trên, doanh nghiệp mang hồ sơ qua Sở Xây dựng để sở này xem xét và trình UBND TP ra các quyết định chấp thuận chủ trương chủ đầu tư, công nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư.
Cùng đó, Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở (hình khối và mặt bằng phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn và quy hoạch…); thiết kế  kỹ thuật (kết cấu, cấu tạo... ); giấy phép xây dựng. Khi tất cả đảm bảo yêu cầu, dự án mới đủ điều kiện để khởi công xây dựng. 
Mỗi công đoạn các thủ tục trên mất 5-6 tháng, nếu trục trặc phải làm lại từ đầu. Vì thế có những dự án thời gian để lo thủ tục mất 5-7 năm. Trong khi đó, cơ quan chức năng có thể rút ngắn hoặc loại bỏ những thủ tục không cần thiết.
Thí dụ, sau buổi họp với các phòng ban và đại diện Sở QH-KT để xác định chỉ tiêu quy hoạch, UBND quận, huyện có thể ban hành quyết định về chỉ tiêu quy hoạch của dự án, không cần chuyển lại sở này. Hoặc UBND TP có thể ủy quyền cho Sở Xây dựng ký quyết định chấp thuận đầu tư, đồng thời bỏ chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư.
Thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật cũng không cần thiết vì  đây là trách nhiệm chủ đầu tư và họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn của dự án. Nếu được như vậy sẽ giảm 1 năm làm thủ tục, tiết giảm được chi phí như lãi vay, các chi phí gián tiếp và trực tiếp khác, giúp chủ đầu tư có thể giảm giá bán sản phẩm 5%.

Các tin khác