VICEM đầu tư nhiều, hiệu quả thấp

(ĐTTCO) - Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
 Tính đến hết tháng 6-2017, VICEM đã đầu tư 15 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 14.642 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, 8 dự án chậm tiến độ 1-6 năm và 6 dự án phải dừng thực hiện, thoái vốn gần 1.400 tỷ đồng.
Chậm tiến độ làm tăng mức đầu tư
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án của VICEM tăng là do chậm tiến độ, dẫn đến đơn giá nhân công, vật tư thiết bị trượt giá, bổ sung khối lượng và chi phí thuê đất tăng. Cụ thể, tại dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.951 tỷ đồng lên 2.743 tỷ đồng, tăng 792,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.
Dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 điều chỉnh từ 3.040 tỷ đồng lên 3.686 tỷ đồng, tăng 646 tỷ đồng, tương ứng tăng 21%. Dự án khai thác mỏ đá vôi Áng Rong (thuộc Xi măng Hoàng Thạch) điều chỉnh tăng thêm 55,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 194%.
  Trong số báo ra ngày 20-11-2017, ĐTTC đã có bài “VICEM gánh nợ cho xi măng Sông Thao”, phản ánh việc tổng công ty này đang phải trả nợ các ngân hàng nước ngoài số nợ gốc và lãi vay của xi măng Sông Thao hơn 2,1 triệu EUR và hơn 3,1 triệu USD. Như vậy, cùng với việc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng không hiệu quả, VICEM đang lâm vào khó khăn hơn bao giờ hết.
Tình trạng chậm tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại VICEM những năm qua khá phổ biến, trong đó có 3 dự án quy mô nhóm A chậm tiến độ 1-3 năm. Đó là dự án xây dựng Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM chậm trên 3 năm; dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy chậm hơn 1 năm; dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 chậm 2 năm.
Bên cạnh đó, có 3 dự án nhóm B chậm tiến độ 2-5 năm, gồm dự án nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung chậm 5 năm; dự án khai thác mỏ đá vôi Núi Han, Xi măng Hoàng Thạch chậm 3,5 năm; dự án khai thác mỏ đá vôi Áng Rong, Xi măng Hoàng Thạch chậm 2 năm. Ngoài ra 2 dự án nhóm C triển khai chậm tiến độ 2-6 năm, gồm dự án khai thác mỏ sét Cúc Tiên chậm 6 năm, dự án xây dựng đường đi vào kho mìn chậm 2 năm.

6 dự án có nguy cơ thua lỗ
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được đầu tư với mục đích xây dựng trung tâm điều hành hoạt động kết hợp với cho thuê văn phòng thương mại, tính đến hết tháng 6-2017 giá trị nghiệm thu đạt 1.196 tỷ đồng, nhưng giá trị thanh toán lên tới 1.224 tỷ đồng.
Một dự án BĐS khác được VICEM đầu tư cũng rơi vào tình trạng khó khăn là Khu tổng hợp Vĩnh Tuy. Mục đích ban đầu của VICEM là xây dựng khu nghiên cứu phát triển, văn phòng làm việc, cơ sở nghiên cứu đào tạo, kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại, khu lưu trú. Dự án được xây dựng trên quy mô diện tích đất 4ha, tổng mức đầu tư được phê duyệt khoàng 6.501 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay do dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, giá thuê văn phòng ngày càng giảm, khối lượng thực hiện chỉ đạt giá trị khoảng 67 tỷ đồng, và VICEM buộc phải xem xét chủ trương dừng thực hiện dự án.
VICEM đầu tư nhiều, hiệu quả thấp ảnh 1 Dự án xi măng Hoàng Thạch chậm tiến độ 2 năm làm tăng mức đầu tư. 
Tại phía khu vực Nam, VICEM cũng bỏ tiền đầu tư dự án Khu đô thị Xi măng Bình Phước để phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, công nhân nhà máy Xi măng Bình Phước. Nhưng đến nay sau hơn 10 năm đầu tư dự án vẫn nằm trên giấy, trong khi VICEM đã đầu tư vào dự án hơn 200 tỷ đồng. Khoản tiền này rất khó thu hồi bởi đến nay VICEM đã dừng triển khai dự án và tỉnh Bình Phước vẫn chưa phê duyệt dự án.
Không chỉ những dự án đầu tư ngoài ngành, một số dự án đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính của VICEM cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Trong đó, dự án nhà máy kết cấu bê tông, vật liệu không nung, với dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp AAC0 công suất 400.000 m3/năm, vốn đầu tư 819 tỷ đồng đang tạm dừng đầu tư. Trong bối cảnh thị trường vật liệu không nung gặp nhiều khó khăn, để thu hồi vốn đã đầu tư vào dự án, VICEM đang tiến hành chuyển nhượng lại dự án cho VICEM Hoàng Mai.
Một dự án cảng khác được VICEM quyết định đầu tư vào giữa năm 2016, có tổng mức đầu tư 1.977,9 tỷ đồng cũng sắp được tổng công ty này chuyển nhượng lại cho công ty con VICEM Hoàng Mai, đó là Cảng VICEM Đông Hồi. Lý do chuyển nhượng dự án cảng biển có công suất thông cảng 3-3,5 triệu tấn/năm này là để VICEM Hoàng Mai tiếp tục đầu tư đồng bộ với dự án Nhà máy Xi măng Hoàng Mai 2. Cũng trong lĩnh vực cảng biển, từ năm 2012 VICEM đã buộc phải dừng đầu tư xây dựng Cảng Lò Rèn vì lý do dự án không phát huy hiệu quả.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy hàng loạt yếu kém trong hoạt động quản lý vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Kết thúc năm 2016, vốn chủ sở hữu của VICEM khoảng19.467 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà nước 13.005 tỷ đồng.
Nhiều công ty con tại VICEM đang kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu vào thời điểm cuối năm 2016, như: VICEM Tam Điệp lỗ lũy kế 1.120 tỷ đồng, VICEM Hải Phòng lỗ lũy kế 285 tỷ đồng, CTCP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế 3.491 tỷ đồng, CTCP Đô thị xi măng Hải Phòng lỗ lũy kế 1tỷ đồng… Nợ phải trả của VICEM lên tới 25.162 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 16.015 tỷ đồng, nợ dài hạn 9.147 tỷ đồng.

Các tin khác