VICEM gánh nợ cho xi măng Sông Thao

(ĐTTCO) - Cuối cùng phương án trả nợ vay nước ngoài hàng triệu USD tại dự án Xi măng Sông Thao (XMST) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để lại đã được các bên liên quan thống nhất.

 Sau 5 tháng tiếp nhận cục nợ XMST từ HUD, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã đề xuất Bộ Tài chính lộ trình trả nợ các ngân hàng nước ngoài theo 3 kỳ hạn, số nợ gốc, lãi vay của XMST được xác định lên tới hơn 2,1 triệu EUR và hơn 3,1 triệu USD.

Lỗ hàng trăm tỷ đồng
XMST được đầu tư từ năm 2004 với tên gọi dự án Xi măng Hùng Vương, do HUD làm chủ đầu tư. HUD cũng là cổ đông chính đầu tư vào XMST, được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh Chính phủ cho 3 khoản vay từ Ngân hàng BNP-Paribas để thực hiện dự án. 
XMST khi mới thành lập có vốn điều lệ 639,4 tỷ đồng, từ khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh luôn rơi vào tình trạng thua lỗ. Lỗ lũy kế của XMST tại thời điểm cuối năm 2014 lên tới 486 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tụt xuống còn 153 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2015 XMST bắt đầu làm ăn có lãi, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, bù đắp được một phần lỗ lũy kế, nhưng tình hình tài chính vẫn rất khó khăn. Đến thời điểm cuối năm 2016, XMST vẫn rơi vào tình trạng mất cân đối về tài chính, lỗ lũy kế tại thời điểm này lên tới 430 tỷ đồng. Để bù đắp dòng tiền thiếu hụt này, XMST phải vay ngắn hạn của ngân hàng trong nước nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, để huy động nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từ năm 2010 XMST đã phải sử dụng một phần tài sản tại dự án hình thành từ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ để thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn tại VietinBank Đền Hùng, và BIDV Phú Thọ.
Riêng trong các năm 2013 và 2014, dự án gặp khó khăn HUD đã phải vay Quỹ tích lũy trả nợ (Bộ Tài chính) theo 5 hợp đồng vay ứng vốn để trả nợ 3 kỳ cho Ngân hàng BNP-Paribas, với tổng số tiền hơn 1,92 triệu EUR và 2,92 triệu USD. Các khoản vay từ Quỹ tích lũy trả nợ đến hạn vào các năm 2015 và 2016 nhưng HUD đã không trả nợ đúng hạn. Vì vậy đến tháng 7-2016, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh lịch trả nợ đối với phần nợ quá hạn này.
VICEM gánh nợ cho xi măng Sông Thao ảnh 1 Nhà máy Xi măng Sông Thao. 
Chuyển nợ sang VICEM
Trước tình trạng bết bát của XMST, tháng 3-2016 Thủ tướng đã đồng ý việc chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước tại XMST từ HUD về VICEM. Biên bản chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước giữa HUD và VICEM được ký kết sau đó 3 tháng. Và như vậy, VICEM đã trở thành cổ đông chi phối XMST, có nghĩa vụ trả nợ Quỹ tích lũy trả nợ thay cho HUD.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với tiềm lực hiện tại, VICEM đủ sức gánh nợ tại dự án XMST thay cho HUD. Trong trường hợp XMST không tự trả được nợ Quỹ tích lũy trả nợ, VICEM đủ khả năng trả nợ thay. Báo cáo tài chính năm 2016 của VICEM ghi nhận, năm 2016 tổng tài sản ước tính của tổng công ty này khoảng 14.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 13.622 tỷ đồng, doanh thu đạt 1.361 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của VICEM chỉ 478 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn 3,14 lần.
Trong một văn bản gửi tới Bộ Tài chính mới đây, VICEM cam kết kế thừa mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của HUD liên quan đến các hợp đồng ứng vốn ký giữa HUD và Bộ Tài chính cho dự án XMST, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về cấp bảo lãnh chính phủ, thực hiện các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
Đến nay, phương án trả nợ gốc khoản vay Quỹ tích lũy trả nợ trong 3 kỳ vào các ngày 30-12-2017, 30-6-2018, và 30-12-2018 theo hướng ưu tiên trả các khoản vay ngoại tệ có lãi suất cao, áp dụng theo quy định của các hợp đồng vay vốn. Trong đó VICEM cam kết, kỳ tháng 12-2017 trả nợ gốc số tiền gốc 1,92 triệu EUR kèm lãi vay 198.600EUR; kỳ tháng 6-2018 trả nợ gốc số tiền 1,94 triệu USD kèm lãi vay 195.800USD; kỳ tháng 12-2018 sẽ trả nợ gốc 975.100USD, lãi vay 34.000USD. Tổng số nợ VICEM phải trả cho Quỹ tích lũy trả nợ lên tới 2,12 triệu EUR, và khoảng 3,14 triệu USD.

Các tin khác