2019 - Tận dụng độ mở nền kinh tế?

(ĐTTCO) - Theo báo cáo tình hình kinh tế  - xã hội Việt Nam từ Tổng cục Thống kê, năm 2018 nền kinh tế đạt tăng trưởng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, dư âm khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009, đã buộc các chuyên gia thay vì phấn khởi trở nên ngần ngại với con số tăng trưởng ấn tượng. Do vậy niềm tin tiếp đà tăng trưởng cho năm 2019 như một “phép thử”, bởi vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh được nhận định đã chạm đến phần khó nhất…

Cẩn trọng với chu kỳ
Những biến động của nền kinh tế thường được gọi là chu kỳ kinh tế, ứng với những thay đổi trong điều kiện kinh doanh. Kinh nghiệm cho thấy những con số tăng trưởng cao nhất thập niên, tăng trưởng vượt bậc… thường được xem như biểu hiện đạt đỉnh của một chu kỳ kinh tế, là tín hiệu sớm báo trước một thời kỳ suy thoái.
Cụm từ “chu kỳ” dễ dẫn tới nhận thức sai lầm rằng biến động kinh tế như một mô thức lặp đi lặp lại, có thể dự báo trước. Nhầm lẫn rằng, cũng giống như chu kỳ 4 mùa của tự nhiên xuân hạ thu đông, chu kỳ kinh tế của Việt Nam cứ tròn 10 năm lại có 1 đợt suy thoái diễn ra.
Thật ra, đà tăng trưởng kinh tế của một quốc gia sẽ được duy trì nếu nền kinh tế vẫn còn nhiều động lực hỗ trợ tăng trưởng, và khả năng quốc gia đó vận dụng các động lực đó, có những chu kỳ kinh tế kéo dài chỉ 1-2 năm (thí dụ kinh tế Mỹ giai đoạn 1980-1982), có chu kỳ tăng trưởng kéo dài gần 25 năm (kinh tế Mỹ giai đoạn 1983-2008)… 
 Đà tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục mạnh mẽ cho Việt Nam nếu chúng ta tận dụng tốt các động lực tăng trưởng và tránh được những rủi ro chung của bối cảnh toàn cầu. Câu chuyện về kinh tế thần kỳ của Nhật Bản những năm 1951-1973, sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc gần đây, là những thí dụ cho sự tăng trưởng không mệt mỏi, không ngần ngại và hoàn toàn không tuân theo chu kỳ trước đó. 
Ngay trong tuần đầu tiên năm 2019, một vài tin tức khác cũng làm lan tỏa thêm tâm lý lo ngại sẵn có. Thí dụ, động thái Ngân hàng Nhà nước hút ròng qua kênh thị trường mở (OMO) tổng cộng 21.042 tỷ đồng; lãi suất VNĐ kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng đều tăng so với tuần trước đó, lần lượt 4,64% (tăng 0,4%), 4,82% (tăng 0,4%) và 5,57% (tăng 0,6%). Giá vàng tăng cả trong và ngoài nước đã leo lên đỉnh cao mới của 6 tháng, bất chấp cả việc đồng USD tăng giá. 
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin và báo chí truyền thông, tin tức cập nhật khá nhanh, đầy đủ về tình hình thế giới đã đẩy nhanh sự lan tỏa tâm lý tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng lớn.
Nhiều chuyên gia dự báo sự chững lại của đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đổ lỗi cho tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương đang rục rịch ở nhiều quốc gia, trong nhóm đó dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), với dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào quý III-2019.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đầu năm 2019 triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ, bơm 1.500 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế, thông qua việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% xuống còn 13,5% đối với các ngân hàng lớn và 11,5% đối với các ngân hàng nhỏ. 
2019 - Tận dụng độ mở nền kinh tế? ảnh 1 Việt Nam chiếm 15.89% tỷ trọng phân bổ vốn của MSCI vào thị trường cận biên hiện nay. Nguồn: MSCI
Những động lực
Trước những sóng gió của thế giới, kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng, là những động lực giúp Việt Nam phân hóa, tách ra khỏi dòng xoáy suy thoái để tiếp đà tăng trưởng của năm 2017-2018. Theo đó, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đó là việc làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, cuộc chiến này sẽ không kéo dài, nguyên nhân từ sự tổn hại nó mang lại trực diện cho cả Mỹ và Trung Quốc.
 Năm 2019, như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá là điều khả thi. Các thành phần kinh tế, cũng như những chính sách cần tận dụng những cơ hội đang mở ra từ các cú sốc kinh tế toàn cầu, để phân hóa, để tách khỏi xu hướng chững lại của kinh tế toàn cầu, tiếp tục thời kỳ tăng tốc phát triển. 
Dù tranh chấp thương mại Mỹ Trung có kéo dài hay không, bài học mang cho những doanh nghiệp toàn cầu là cần dàn trải đầu tư, tránh khu trú quá nhiều vào Trung Quốc (công xưởng của thế giới). Và Việt Nam có thể là phương án thay thế cho các doanh nghiệp khi lựa chọn địa điểm sản xuất, do có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và môi trường kinh doanh. Chiến tranh thương mại càng kéo dài càng có động lực mạnh hơn nữa cho làn sóng dịch chuyển đầu tư, gia tăng dòng vốn vào cho Việt Nam.
Bên cạnh sự chuyển dịch của dòng vốn vào Việt Nam do hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, Việt Nam còn là thị trường được các tổ chức đánh giá, xếp hạng thị trường, như FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ cận biên lên mới nổi loại 2 trong năm 2018, hay MSCI có khả năng cũng nâng hạng cho Việt Nam trong năm 2019. Đây là điểm thay đổi lớn cho triển vọng tăng trưởng kinh tế nhờ vào nỗ lực cải thiện môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ của chính phủ. 
Khi trở thành thị trường mới nổi hạng 2, Việt Nam sẽ đón nhận nguồn vốn đầu tư ngoại rất lớn. Theo đó, khả năng các quỹ ETF sẽ phân bổ tăng tỷ trọng ở thị trường Việt Nam, với giá trị khoảng 1,6 tỷ USD. Đặc biệt, dòng vốn vào qua kênh đầu tư gián tiếp trên thị trường tài chính thường vào từ trước khi thị trường được công bố chính thức nâng hạng. Thị trường chứng khoán tăng trưởng, không những là cơ hội cho doanh nghiệp niêm yết huy động vốn, còn là cơ cấu thúc đẩy tổng cầu hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Một khía cạnh nữa cũng là tâm điểm chú ý đó là dòng vốn vào qua trực tiếp FDI, điểm sáng bền vững hơn cho tăng trưởng trong dài hạn.
Một động lực nữa giúp Việt Nam phân hóa, tách khỏi dòng xoáy suy thoái, là vốn vật chất tăng nhờ điểm sáng trong tiết kiệm tư nhân. Hiện Việt Nam xếp thứ 3 trong phân tích và xếp hạng toàn cầu về sự gia tăng nhanh chóng của nhóm cư dân siêu giàu của Wealth – X năm 2018. Theo đó, cư dân giới siêu giàu được định nghĩa là người sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Nhóm “câu lạc bộ” những người siêu giàu của Viêt Nam đang tăng lên với tốc độ 13,4%, đó cũng là điểm sáng cho trữ lượng tiết kiệm của nền kinh tế Việt Nam.
Trữ lượng tiết kiệm tư nhân tăng cũng là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế có tính chất bền vững và dài hạn. Bền vững hơn rất nhiều so với việc tăng trưởng dựa trên dòng vốn vào ròng từ đầu tư gián tiếp qua thị trường tài chính (có rủi ro cao do nguy cơ dễ dàng xảy ra hiện tượng đảo chiều của dòng vốn xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài Việt Nam, chẳng hạn như FED tăng lãi suất, hoặc hiệu ứng domino do sự sụt giảm mạnh và thốc của thị trường chứng khoán Mỹ); hoặc đầu tư trực tiếp FDI (Vốn FDI có khả năng giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp, nhưng thường phải thu hút đầu tư bằng cách đánh đổi với bảo vệ môi trường, đồng thời, phần lợi nhuận lớn sau cùng cũng được chuyển ra khỏi Việt Nam, quay về nước sở tại).
Tóm lại, kinh tế Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có sự gắn liền mật thiết giữa năng suất sản xuất và tăng trưởng. Năng xuất chính là yếu tố quyết định chủ yếu tăng trưởng mức sống, và mức sống của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ của quốc gia đó. Nôm na để dễ hình dung, vốn vật chất có tác động lớn đến năng suất sản xuất của quốc gia, đơn giản vì các công nhân sẽ có năng suất cao hơn nếu họ có công cụ tốt hơn để làm việc. Vì thế mà trữ lượng máy móc thiết bị, cấu trúc cơ sở hạ tầng sử dụng để sản xuất hàng hoá và dịch vụ, các yếu tố sản xuất tăng lên là một động lực cho tiếp tục tăng trưởng kinh tế.
2019 - Tận dụng độ mở nền kinh tế? ảnh 2 Dự báo tăng trưởng GDP 2019, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Nguồn: Economist Intelligence Unit (EIU) phân tích & đồ họa.
 FTA thế hệ mới và cơ hội cho xuất khẩu
Theo thông tin từ trung tâm WTO, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong số đó 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Đây được xem là cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 của Việt Nam.
Đầu tiên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14-1-2019, sau 60 ngày kể từ ngày ra thông báo chính thức 15-11-2018.  Theo đó, CPTPP là một lực đẩy, nếu tận dụng thành công, kinh tế Việt Nam có thể kỳ vọng bước phát triển mới. 
Cụ thể, theo CPTPP, thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho doanh nghiệp Việt xuất sang thị trường các nước tham gia CPTPP giảm từ 1,7% xuống còn 0,2%. Hàng rào phi thuế quan được áp dụng sẽ giảm bình quân khoảng 3,6%. Từ đó, dự báo về tình hình xuất nhập khẩu, CPTPP có khả năng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thêm 4,2%, nhập khẩu tăng 5,3%; kết hợp với tăng năng suất, xuất khẩu có thể đạt mức tăng 6,9% và nhập khẩu tăng 7,6%.
Về FTA Việt Nam - EU, đến nay đã được tách thành 2 hiệp định nhỏ là Hiệp định thương mại (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Cả 2 hiệp định kỳ vọng được đưa ra ký kết trong quý I này. Khi có hiệu lực, EVFTA và EVIPA cũng là một cánh cửa được mở ra cho hàng hóa Việt Nam xuất vào các thị trường 28 nước châu Âu với mức thuế điều chỉnh về 0%. Thuế suất giảm trực tiếp làm giá thành hàng hóa Việt trở nên cạnh tranh hơn về giá, là một cơ hội cho tăng trưởng kinh tế.
Khi các FTA thế hệ mới hiệu lực, đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu trước đây khó lung lay, nay sẽ là cơ hội mở ra cho hàng hóa Việt Nam.
Ngược với bối cảnh hàng hóa Trung Quốc được áp dụng mức thuế đặc biệt cao, hàng hóa Việt Nam gần như được xóa bỏ lá chắn thuế song phương và đa phương. 
Mặc dù cạnh tranh có phần khốc liệt hơn trên thị trường nội địa, nhưng các FTA mới lại mở toang cánh cửa cho hàng Việt đến hàng chục quốc gia. Đó rõ ràng là cơ hội dành cho những hàng hóa có lợi thế so sánh, lợi thế tương đối của Việt Nam được tham gia trao đổi thương mại, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 
Bối cảnh chung của kinh tế thế giới 2019 được dự báo tăng trưởng chững lại. Tuy nhiên, đối với Việt Nam vẫn có nhiều động lực riêng. Cú sốc từ chiến tranh thương mại, sự rung lắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều mắt xích sẽ mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam đáp ứng thị trường bỏ ngỏ, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt FTA được đưa vào hiệu lực và ký kết, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. 

Các tin khác