5 dự án đội vốn khủng

(ĐTTCO) - Tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, trong đó điển hình là các dự án đường sắt đô thị (metro). Đặc biệt, 5 dự án metro tại Hà Nội và TPHCM đội vốn thêm 132.576 tỷ đồng.

Tuyến metro số 2 Hà Nội.
Tuyến metro số 2 Hà Nội.
1. Dự án xây dựng tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư từ năm 2008. Đây là tuyến metro kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm TP.
Theo đó, giai đoạn 1 có chiều dài 11,5km, trong đó 8,5km ngầm và 3km đi trên cao, 1 depot với tổng mức đầu tư 131.023 triệu yên (tương đương 19.555 tỷ đồng). Tháng 11-2011, tư vấn chung của dự án đã hoàn thiện thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 51.750 tỷ đồng.
Với số tiền này, tính trung bình 216 triệu USD/km, trong đó tổng chi phí hệ thống cơ điện 503 triệu USD, chiếm hơn 20%. Chi phí đầu tư/km của dự án điều chỉnh cao gấp 1,7 lần so với dự án tương tự tại Malaysia và gấp khoảng 3 lần so với dự án tương tự tại Trung Quốc.
Do dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thuê tư vấn độc lập thẩm tra dự án điều chỉnh. Sau khi thẩm tra, Bộ KH-ĐT kiến nghị điều chỉnh xuống còn 41.870 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng.
Đến năm 2016, sau khi xem xét thêm nhiều yếu tố, Bộ KH-ĐT kiến nghị giảm tiếp xuống còn 33.568 tỷ đồng, giảm 18.181 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Bộ KH-ĐT lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư tối đa 30.069 tỷ đồng. Như vậy, dù đã 3 lần điều chỉnh giảm, tổng mức đầu tư dự án metro Hà Nội tuyến 2 vẫn tăng hơn 10.000 tỷ đồng.

2. Tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm, triển khai đầu tiên trong hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội. Dự án có tổng chiều dài 12,5km, với 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, bắt đầu từ Nhổn đến điểm cuối là ga Hà Nội, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm, với tổng số 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm). 
Được khởi công từ tháng 9-2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 TP Hà Nội báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án sau 2 lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng, tăng thêm 10.400 tỷ đồng.
Đến nay dự án đã giải ngân được 7.156/32.910 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt cho phần 8,5km trên cao đã cơ bản hoàn thành, phần 4km đi ngầm chưa hoàn thành, trong đó có nhiều vị trí khó khăn như ga Kim Mã (S9) còn 11/13 hộ dân, ga Cát Linh (S10) còn 8/23 hộ dân, ga Văn Miếu (S11) còn 37/61 hộ dân và 1/4 cơ quan, ga Trần Hưng Đạo (S12) còn 43/46 hộ dân và 2/7 cơ quan...

3. Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8-2012 với độ dài 19,7 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Tổng mức đầu ban đầu của dự án năm 2007 hơn 17.300 tỷ đồng, đến năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỷ đồng (tăng thêm 30.000 tỷ đồng).
Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.
Tuy nhiên, việc đội vốn chưa được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nên dự án gặp khó khăn trong việc bố trí vốn. Việc này làm ảnh hưởng đến việc thanh toán cũng như khả năng các nhà thầu giảm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020. Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND TPHCM đã tạm ứng ngân sách 3 lần với số tiền gần 2.300 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Trước mắt, việc bố trí vốn năm 2018 cho dự án chưa đủ cơ sở thực hiện do tổng mức đầu tư mới chưa được Quốc hội xem xét, thông qua. Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Song, đến nay mới thi công được 50% khối lượng nên tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành lùi đến năm 2020. 

4. Tuyến metro số 2 TPHCM tuyến Bến Thành - Tham Lương có chiều dài toàn tuyến gần 20km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một dài 11,3km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó, có 9,3km đi ngầm với độ sâu trung bình 18m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư hơn 26.110 tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ USD). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi có đủ vốn.
Ngày 24-8-2010, TPHCM đã làm lễ khởi công xây dựng dự án, dự kiến đến cuối năm 2014, tuyến metro số 2 mới được thi công đồng loạt. Và thực tế, tuyến tàu điện ngầm số 2 bắt đầu thi công vào tháng 6-2013, dự kiến tháng 2-2017 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, dự án đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng gần gấp đôi so với năm 2010, lên gần 48.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ODA Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 20.000 tỷ đồng, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hơn 11.000 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EID) hơn 5.000 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng gần 12.000 tỷ đồng.

5. Ồn ào nhất có lẽ là dự án metro Hà Nội Cát Linh - Hà Đông. Dự án này có chủ đầu tư là Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt), tổng thầu thi công dự án theo hình thức EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Toàn tuyến metro dài 13,05km trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Quốc lộ 6); bao gồm 12 nhà ga trên cao và khu depot rộng 19,6ha tại quận Hà Đông.
Dự án được khởi công tháng 10-2011, dự kiến hoàn thành tháng 6-2015, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỷ đồng), sau đó điều chỉnh lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỷ đồng).
Đến năm 2017, dự án tiếp tục vay 250 triệu USD vốn ưu đãi từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc (China EximBank) của Trung Quốc. Và với khoản vay thêm này, dự án metro Cát Linh - Hà Đông tăng lên 47.325 tỷ đồng, tức đội vốn gần 30.000 tỷ đồng so với ban đầu.
Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Nếu tiến độ của Bộ GTVT đặt ra, dự án cũng sẽ kéo dài hơn 4 năm so với thời gian thi công đặt ra ban đầu. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.

Các tin khác