Bức thiết chỉnh trang đô thị

(ĐTTCO) - Chỉnh trang đô thị là 1 trong 7 Chương trình trọng điểm, đột phá TPHCM quyết tâm thực hiện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Dự án di dời các hộ dân sống ven và trên kênh rạch quận 8 được đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: LONG THANH
Dự án di dời các hộ dân sống ven và trên kênh rạch quận 8 được đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: LONG THANH
 Để thực hiện chương trình này, trước mắt TPHCM đang triển khai di dời hơn 20.000 nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc 2 bên bờ kênh, rạch.
Hàng loạt dự án cấp bách
 Thực hiện được chương trình chỉnh trang đô thị là giải quyết căn cơ đời sống người dân lao động ở khu vực này, giải quyết về môi trường, chống ngập. Vì thế, các đơn vị khi thực hiện các giải pháp phải đặt trong tổng thể, không chỉ đưa dân đi và khai thác tối đa tính hiệu quả của quỹ đất. 
Ông Trần Vĩnh Tuyến,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Những công việc mang đậm dấu ấn thời gian qua góp phần làm cho bộ mặt TP khang trang, nâng chất lượng cuộc sống người dân là các dự án Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các chung cư Nguyễn Kim (quận 10), 272 Trần Hưng Đạo (quận 5)… được tháo dỡ xây mới.
Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều khu vực cần phải chỉnh trang gấp và cần cơ chế để đẩy nhanh. Vì vậy, UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM, với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016-2020. TP cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TPHCM được chỉ định nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn, tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo quy định, áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.

Theo chương trình chỉnh trang đô thị, kế hoạch di dời được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu 2016-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch; giai đoạn 2 từ 2020-2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Theo đó, trong 5 năm tới TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4..., với quy mô giải tỏa, di dời khoảng 304 căn nhà. Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7 và 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TPHCM.
Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn.

Tại cuộc họp về tình hình thực hiện chương trình di dời nhà trên, ven kênh rạch thời gian qua, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết việc triển khai thực hiện được chia làm 3 nhóm: dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (6.697 căn với vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến 10.000 tỷ đồng); dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP (8.084 căn với vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến 12.000 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (331 căn).
Riêng dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh Đôi, TP đã giao 1 nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 1/2.000 và báo cáo đề xuất dự án. 

Hạn chế nguồn lực, quỹ đất đô thị

Theo Sở Xây dựng, một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai các đầu việc trên là thiếu nguồn lực, cụ thể là nguồn ngân sách hạn chế. Dự kiến vốn ngân sách phân bổ cho chương trình này 2.100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu khoảng 10.000 tỷ đồng. Mặt khác, để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị cần vốn đầu tư lớn, thời gian lâu nên không nhiều nhà đầu tư tham gia.
Về bản chất, các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh, rạch là bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư các hộ dân nơi đây, từ đó xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực. Trong khi đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án. Tính trung bình 1,5 tỷ đồng/căn, riêng dự án bờ Nam kênh Đôi 2,6 tỷ đồng/căn.
Do đó, không có nhiều nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, quỹ nhà tái định cư của TP cũng không đủ đáp ứng quy mô di dời và tái định cư 20.000 hộ dân. Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đang triển khai 100 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, TP không có nhiều quỹ đất công giá trị lớn để kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án chỉnh trang đô thị. 

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định đây là chương trình lớn của Đảng bộ TP nhằm chăm lo đời sống người dân sống ven kênh, rạch nên cần kiên trì thực hiện và yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải xác định tinh thần như vậy để làm với quyết tâm lớn nhất.
"Đây là nhiệm vụ không thể lùi. TP đã có kinh nghiệm về giải tỏa kênh rạch từ những nhiệm kỳ trước, nay càng phải kiên trì làm để lo cho dân" - ông Tuyến nhấn mạnh và cho rằng hiện nay nhà trên và ven kênh rạch nhếch nhác, làm xấu bộ mặt đô thị, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Tình hình ngập của TPHCM cũng có phần đóng góp của khu vực này. 

Hiện nay đã có 6 nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án chỉnh trang đô thị, song nhiều ý kiến cho rằng trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian. Tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tối thiểu 647 ngày đối với trường hợp đấu thầu và tối thiểu 572 ngày đối với trường hợp chỉ định thầu, trong khi nhiệm vụ chỉnh trang đô thị đang rất cấp bách.
Vì thế, TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chỉnh trang đô thị trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Nếu không được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các tuyến kênh, rạch sẽ khó di dời được 20.000 căn trong giai đoạn 2016-2020.

Các tin khác