Cải cách hành chính bằng công nghệ

(ĐTTCO) - Ứng dụng công nghệ thông tin tại TPHCM đã từng bước đem lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, với nhiều tính năng tiện lợi giúp phục vụ nhu cầu người dân.
Hệ thống CTTGT giao thông TPHCM sẽ giúp người dân chủ động hơn khi tham gia giao thông. Ảnh: LAN ANH
Hệ thống CTTGT giao thông TPHCM sẽ giúp người dân chủ động hơn khi tham gia giao thông. Ảnh: LAN ANH
 Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin dịch vụ công giúp công khai, minh bạch thủ tục, hạn chế tiêu cực.
Xin cấp phép xây dựng qua mạng

UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến, thuộc thẩm quyền của sở và UBND các quận huyện, để chính thức áp dụng từ tháng 10. Khi đó, người dân chỉ cần ngồi nhà mở máy vi tính để xin phép xây dựng mà không cần phải đến trực tiếp UBND phường hoặc quận bốc số thứ tự ngồi chờ, có khi mất cả ngày. 

 Hơn 300 camera và 48 bảng thông tin điện tử lắp đặt trên các tuyến đường được kết nối về trung tâm để xử lý kịp thời các tình huống. Các hệ thống đèn giao thông còn trang bị camera tự giám sát, đo đếm được lượng phương tiện và tự phân tích tại nút giao đó lượng phương tiện trên tuyến đường nào nhiều hơn, sẽ tự động bật thời gian đèn xanh dài hơn để ưu tiên hướng đó, không cần sự can thiệp của con người, đã tỏ rõ hiệu quả cao. 
Đại diện lãnh đạo UBND quận 8, địa phương thí điểm cấp phép xây dựng trực tuyến đầu tiên của TP, cho biết người dân chỉ cần vào website của quận, trên đó có mục nộp hồ sơ xin phép xây dựng trực tuyến. Sau khi nộp xong, bộ hồ sơ sẽ được cán bộ chuyên môn kiểm tra, tiếp nhận và trả lời đầy đủ, hợp lệ vào email hoặc điện thoại của người nộp hồ sơ trong vòng 24 giờ.
Thời gian thực hiện thụ lý tính từ thời điểm trả lời hồ sơ nộp trực tuyến hợp lệ và đầy đủ giấy tờ đi kèm. Người dân muốn kiểm tra tình trạng hồ sơ có thể vào mục “tra cứu hồ sơ”. Trong trường hợp hồ sơ vướng vấn đề pháp lý, người nộp hồ sơ sẽ nhận được thông báo email, tin nhắn hoặc điện thoại từ cơ quan chức năng. Khi đó, người nộp hồ sơ thực hiện nộp bổ sung hoặc hiệu chỉnh hồ sơ tại mục “tra cứu hồ sơ”. Khi hồ sơ đã chuẩn, người dân có thể nhận giấy phép qua bưu điện hoặc tới bộ phận một cửa của đơn vị tiếp nhận để nhận kết quả.

UBND TPHCM cho biết, người dân vẫn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng: ngồi nhà xin cấp phép mạng, hoặc đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND quận để nộp như lâu nay. Theo quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày cấp biên nhận trực tuyến, UBND quận huyện phải giải quyết, cấp giấy phép xây dựng qua mạng cho chủ đầu tư. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng qua mạng đối với nhà ở riêng lẻ 50.000 đồng/giấy phép.
Theo quy trình thí điểm, Sở Xây dựng sẽ gom 3 quy trình: thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng thành một, thực hiện chế độ một cửa liên thông. Quy trình được rút ngắn này sẽ giảm thời gian cấp phép xây dựng cho những dự án thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng từ 133 ngày xuống chỉ còn 42 ngày.

Trước đó, nhằm khắc phục tình trạng người dân mất nhiều thời gian vì phải chuẩn bị nhiều giấy tờ, chờ đợi nhiều ngày khi xin giấy phép xây dựng, quận 7 cũng đã thí điểm xây dựng hệ thống cấp phép xây dựng qua internet. Theo đó, quận 7 đã tiến hành tích hợp, đồng bộ dữ liệu khu vực hiện hữu; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch ở từng tuyến đường. Từ đó, ứng dụng internet sẽ cung cấp thông tin về diện tích tối thiểu cho phép xây dựng, mật độ xây dựng, tầng cao, diện tích đất…
Người dân muốn xin giấy phép chỉ cần hoàn thiện bản vẽ, gửi tất cả giấy tờ qua mạng, quận sẽ tiếp nhận và chuẩn bị sẵn giấy phép. Sau đó, người dân mang bản chính giấy tờ lên quận đối chiếu và nhận giấy phép. Cách làm trên giúp thời gian cấp phép rút ngắn xuống 5 ngày, thậm chí còn 2-3 ngày. Trong năm 2017, quận 7 đã thí điểm ở các tuyến đường Mai Văn Vĩnh, Bùi Văn Ba.

Quản lý giao thông, đô thị trực tuyến

Tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, qua màn hình camera ghi nhận nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ, lượng phương tiện lưu thông từ hướng Xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái nối đuôi nhau rất dài, trong khi phương tiện hướng cắt từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành về khá thưa. Cán bộ quản lý tại đây lập tức điều chỉnh hệ thống đèn giao thông cho đèn xanh trên đường Mai Chí Thọ dài hơn, đèn đỏ ngắn lại để ưu tiên phương tiện đi vào cảng Cát Lái. Sau vài phút, tình trạng ùn tắc trên đường Mai Chí Thọ đã được giải quyết mà không cần CSGT phải trực tiếp ra điều tiết. 

Được biết, Trung tâm Quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông-Vận tải) là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành cổng thông tin trên cũng như quản lý toàn bộ hệ thống camera giao thông trên địa bàn TP. Từ năm 2011, tất cả các hệ thống đèn giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, đường Mai Chí Thọ đã được kết nối với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.
Việc điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường này được thực hiện hoàn toàn tự động. Vì vậy, rất ít khi trên đường Võ Văn Kiệt xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hay kẹt xe. Khi tai nạn giao thông xảy ra, lực lượng CSGT cũng được thông báo và điều động đến hiện trường nhanh chóng.

Sở Giao thông-Vận tải cho biết, thời gian tới TPHCM sẽ đưa vào khai thác cổng thông tin giao thông trực tuyến trên phần mềm bản đồ số để cung cấp tình trạng giao thông cho người dân; triển khai hệ thống vé điện tử cho hành khách đi xe buýt; đầu tư hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT để đến năm 2020 thu phí tự động hoàn toàn nhằm giảm ùn tắc giao thông; sử dụng các trạm cân tự động để kiểm soát tải trọng phương tiện…

UBND quận Bình Thạnh vừa qua đã triển khai hệ thống quản lý vi phạm đô thị trên thiết bị di động. Người dân cài đặt miễn phí ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” trên điện thoại. Khi phát hiện vi phạm, người dân truy cập ứng dụng, vào mục “Báo cáo vi phạm” rồi làm theo hướng dẫn. Thực hiện từng bước: chụp ảnh hoặc quay phim vi phạm, nhập hoặc chọn địa điểm, số nhà, phường, tên đường; chọn vi phạm (xả rác, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép), nhập số điện thoại (nếu có); bấm vào “gửi tin”. 

Sau khi nhận thông tin, trong vòng 60 phút, Đội Trật tự đô thị quận và UBND phường sẽ xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản hoặc chụp hình, quay phim ghi nhận vụ việc đã xử lý để báo cáo. Lập tức, hệ thống gửi thông tin đến bộ phận soạn thảo quyết định xử phạt. Những người liên quan (người dân, phường, lãnh đạo quận…) nhận quyết định xử phạt ngay sau đó. Lãnh đạo theo dõi, giám sát trực tuyến toàn bộ vụ việc, trao đổi với cán bộ ngay trên ứng dụng.
Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết ứng dụng nói trên giúp người dân phản ánh tức thì không cần gọi điện hay phải đến cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ứng dụng giúp các bộ phận liên quan trong bộ máy quản lý nắm bắt thông tin thông suốt, nhanh chóng, không cần chờ báo cáo, văn bản. Hệ thống phần mềm quản lý đô thị của quận Bình Thạnh có các chức năng cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép sửa chữa tại phường, cấp số nhà, cấp phép đào đường, sử dụng vỉa hè, quản lý vi phạm trong xây dựng… 

Các tin khác