Cần nhìn nhận rõ điểm yếu, mạnh

(ĐTTCO) - Năm 2017 và quý I-2018, nền kinh tế đã có bước tăng trưởng ngoạn mục. Báo cáo của Chính phủ đã phân tích, nêu rõ những điểm sáng, năng động sáng tạo trong điều hành, quyết liệt trong chấn chỉnh, tạo lập kỷ cương, tháo gỡ khó khăn để phát triển.
Cần nhìn nhận rõ điểm yếu, mạnh
 Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nêu rõ các bất cập ảnh hưởng đến tăng trưởng và đề ra nhiều giải pháp để khắc phục.
Nhìn nhận những thành tựu
Thành tựu của năm 2017 thể hiện Chính phủ đã quyết tâm rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao điều hành chỉ đạo, kiên định trước những nghi ngờ tăng trưởng khó đạt kế hoạch.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn, chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. Và đúng như báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô.
 Khi qua thời kỳ dân số vàng, thì giá cả, sức lao động tăng cùng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, lúc đó lợi thế về lao động giá rẻ sẽ mất, ngay cả gia công lắp ráp chúng ta cũng sẽ không còn chỗ đứng. Bất cập trong sản xuất nông nghiệp cũng như vậy, phần lớn xuất khẩu thô chỉ qua sơ chế, còn nông nghiệp công nghệ cao lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như nhập dầu khoảng 80%, máy móc thiết bị cũng nhập số lượng rất lớn. 
Năm 2017, công nghiệp khai khoáng thực hiện vượt kế hoạch, nhưng cũng chỉ bằng 2,93% của 2016. Tuy nhiên, 1 triệu tấn dầu thô đóng góp 0,2-0,3% tăng trưởng, nên nếu 1,29 triệu tấn dầu tăng thêm tăng trưởng chỉ đạt mức 6,4-6,6%.
Như vậy, tuy tăng trưởng vượt mục tiêu, nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế không được như kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận. 
Tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng, chỉ gần bằng mục tiêu chúng ta đặt ra cho năm 2016 khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, tức chúng ta phấn đấu 2 năm mới gần đạt quy mô GDP kỳ vọng của năm trước 2016.
Khi quy mô GDP không đạt như kỳ vọng, tích lũy của nền kinh tế cũng như động lực đà tăng trưởng cũng sẽ không được như kỳ vọng. Với một nền kinh tế đang khát khao vươn lên, quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng là khiêm tốn. Đây là vấn đề thứ hai cần phải nhìn nhận thỏa đáng.
Bên cạnh đó, nhân tố tạo nên bứt phá tăng trưởng 2017 không được duy trì một cách bền vững, chỉ tạo đà cho quý I đạt ở mức cao 7,38%, còn các quý sau dự báo sẽ giảm dần. Đây là vấn đề cần phải phân tích, đánh giá tìm ra căn nguyên. Bởi diễn biến này không theo cách thông thường là quy mô GDP quý I bình quân chỉ chiếm khoảng 1,8% GDP cả năm, và sẽ tăng dần ở các quý sau.
Đồng thời, diễn biến này giống như cách đây 10 năm - năm 2008, khi kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát phi mã lên hơn 20%, kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi năm 2018 chúng ta không có bất lợi này. Như vậy, tăng trưởng năm 2017 thành tựu là cơ bản nhưng có những khoảng lặng cần nhìn nhận để phát triển. 

Khắc phục lỗ hổng
Hiện nay, tăng trưởng nhờ vào gia công có xu hướng đậm nét hơn. Cụ thể, chế biến chế tạo là một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng năm 2017, nhưng chủ yếu do tăng trưởng mạnh của gia công lắp ráp. Lắp ráp điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tăng trưởng 32,7%, gấp 2,25 lần mức tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo; lắp ráp tivi tăng 30,5%, gấp 2,1 lần, trong khi chế biến chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước chỉ tăng bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng của ngành này. 
Gia công lắp ráp tăng, nghĩa là chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là điều đáng mừng, thể hiện trình độ công nghệ, nhân lực còn thấp nên thế giới chỉ phân công và chấp nhận Việt Nam ở khâu này. Song điều này cũng tạo ra nghịch lý là chúng ta nhiều nguyên liệu thô nhưng lại phải xuất khẩu, nhập lại hàng hóa trung gian và gia công lắp ráp. Rõ ràng gia công lắp ráp không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Đây là vấn đề phải tính toán vì tăng trưởng như thế chưa bền vững. 
Vấn đề đặt ra lúc này là tăng trưởng đang chịu sự chi phối của khu vực FDI, trong khi chúng ta vẫn chưa khai thác hết lợi thế từ khu vực này. Thu hút thành công vốn FDI là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và cần thiết trong điều kiện của Việt Nam.
Hiện nay đóng góp của FDI vào tăng trưởng xuất nhập khẩu rất lớn. Samsung, Formosa đóng góp hơn 40% và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo, không kể dầu thô; các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu và 66% kim ngạch nhập khẩu. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, giá trị gia tăng từ tăng trưởng về phân chia thường phần hơn thuộc về các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ cũng như liên kết của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước cũng chưa được như mong muốn.
Thách thức nữa là năng suất lao động được cải thiện nhiều trong những năm qua, nhưng so với mặt bằng chung của khu vực còn rất thấp, khoảng cách chênh lệch ngày càng tăng. Chúng ta thua cả Lào, chỉ bằng 87,4% của Lào. Cùng với đó, hiệu quả sử dụng vốn tuy được cải thiện rất nhiều, năm 2017 chỉ số ICO là 4, nhưng so với các nước ở cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ tương đồng còn rất cao. Dư địa chính sách tài khóa, chính sách tài chính được kích thích tăng trưởng đang hạn hẹp dần. 
Để hóa giải những thách thức trên, theo tôi thứ nhất cần hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ để giảm chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành, vì hiện nay còn quá cao so với các nước trong khu vực.
Thứ hai, thu hút dòng vốn FDI cũng cần phải lựa chọn để hướng tới chuyển giao công nghệ và liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, nâng cao năng suất lao động phải có những giải pháp thực chất để tăng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp TFP.
Thứ tư, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cần có giải pháp để phân bổ vốn hợp lý cho các ngành, vùng để có động lực tăng trưởng, kể cả vốn đầu tư xã hội cũng như vốn của ngân sách nhà nước. Thứ năm, cơ cấu lại ngân sách một cách thực chất để tăng vốn cho đầu tư, kiểm soát lạm phát và có chính sách tài chính phù hợp.

Các tin khác