Cơ chế, chính sách phát triển TPHCM: Giải pháp huy động nguồn lực XH

(ĐTTCO) - Sau bài viết trên mục Chủ điểm ĐTTC số ra ngày  2-11-2017: “Cơ chế, chính sách phát triển TPHCM - Tạo cú hích đầu tàu kinh tế”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng ngoài cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính là một thách thức rất lớn TP phải đối mặt.

 ĐTTC xin trích đăng ý kiến của PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, về những giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở hạ tầng TPHCM. 

Chiếc áo đã quá chật
Sài Gòn hòn ngọc viễn đông - một danh hiệu đã từng được khoác lên cho TPHCM đủ để thấy vị thế về địa lý, kinh tế và chính trị vượt trội không chỉ trong nước mà còn của cả khu vực Đông Nam Á. Để tạo động lực cho TPHCM lấy lại những ánh hào quang đã mất cũng như để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại, TP xứng đáng được trao một cơ chế, chính sách để khai phá tiềm lực mạnh mẽ mà đô thị miền Nam này đang nắm giữ. 
 Theo ước tính của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), nhu cầu vốn cần thiết để đủ đồng bộ cơ sở hạ tầng của TPHCM trong giai đoạn 2016-2021 vào khoảng 500.000 tỷ đồng, tương đương 23,5 tỷ USD. Đây được xem một thách thức lớn về tài chính mà các nhà hoạch định chính sách của TP phải đối mặt.
Mặc dù được xem như trung tâm kinh tế - tài chính của cả nước, nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư một cách tương xứng khi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh ở TPHCM. Bởi lẽ do những lợi thế vượt trội về việc làm và thu nhập, TPHCM trở thành đầu mối thu hút dân cư của cả nước.
Hệ quả là mức độ tăng dân số cơ học của TP rất cao, bình quân 3,5% mỗi năm và hiện có khoảng trên 10 triệu dân với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm TP tăng 208.000 người, gần bằng số dân một quận trung bình. Dân số tăng nhanh đã gây ra tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Do vậy, nhu cầu về ngân sách để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo tăng trưởng bền vững là rất bức bách. 
Trong khi đó, nguồn lực được phân cấp để TPHCM chi cho đầu tư phát triển chưa tương xứng với khả năng tạo nguồn thu cũng như yêu cầu phát triển. Trong khoảng 2 thập niên qua, dù đã tạo ra gần 20% tổng thu nhập quốc dân và hơn 30% ngân sách quốc gia, nhưng TP chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu (nay chỉ còn giữ lại 18%).
Con số này chưa đến 7% GDP, chỉ khoảng 30% so với Hồng Công và chỉ bằng một nửa Singapore, trong khi chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam trong cùng giai đoạn lên đến 29% GDP, gấp 2 lần Singapore, 1,5 lần Hồng Công. Đặc biệt, chi đầu tư phát triển của TP giai đoạn 2006-2011 chỉ chiếm một tỷ trọng khiêm tốn là 5,85% tổng chi đầu tư phát triển của cả nước. 
Những bất cập này đang ngày càng trở nên “chật chội” so với với tốc độ chuyển mình ngày càng nhanh chóng của TP và các đòi hỏi bức bách của thời đại. Không thể chấp nhận một đô thị trung tâm như TPHCM ngày càng tụt hậu dần không chỉ với các TP lớn trong khu vực, mà ngay cả đối với các tỉnh thành khác trong nước. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, nguồn nước và môi sinh bị đe dọa, y tế giáo dục quá tải… đang gióng lên hồi chuông báo động tình trạng quá tải, trong khi TPHCM gánh vác trên vai sứ mạng to lớn phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tiềm năng các nguồn lực xã hội rất lớn
Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đặt nhiều chương trình cải thiện và xây dựng hạ tầng phát triển TP như chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, chỉnh trang và phát triển đô thị, giảm ngập nước... Song để thực hiện các chương trình này TP cần nguồn lực tài chính rất lớn.  
Các nguồn lực xã hội đóng một vai trò to lớn trong việc tài trợ cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các TP, nhất là tại các quốc gia có hệ thống tài chính chưa phát triển mà đặc biệt là tài chính vi mô, hay nói cách khác tập quán và kiến thức để tiếp cận thị trường tài chính và dịch vụ tài chính của người dân còn khá hạn chế. TPHCM nói riêng và nước ta nói chung là một thí dụ điển hình, bởi phần lớn công chúng chọn các hình thức tiết kiệm cá nhân tại ngân hàng (NH) hoặc tích trữ tiền tiết kiệm tại nhà dưới dạng vàng nữ trang hay ngoại tệ mà USD phổ biến.
Với vàng, nếu sử dụng giá trị vàng phi tiền tệ để phản ánh lượng vàng tích trữ ở Việt Nam, dễ dàng nhận thấy xu hướng này tăng rất nhanh từ năm 2005 (năm bắt đầu có số liệu thống kê). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), chênh lệch giữa vàng phi tiền tệ nhập khẩu và xuất khẩu, mức tích lũy ở khoảng 8,9 tỷ USD. Còn theo số liệu thống kê không chính thức từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng tích trữ trong khu vực dân cư có thể ở mức 400-500 tấn, tương đương 17-21 tỷ USD. 
Với ngoại tệ rất khó ước đoán chính xác khối lượng tích trữ trong dân chúng. Vì vậy, dựa trên cách phổ biến để ước lượng lượng ngoại hối tích lũy là sử dụng số liệu kiều hối hoặc sai số thống kê từ bảng cán cân thanh toán (BOP). Khi quan sát dữ liệu kiều hối chuyển về Việt Nam dễ nhận ra mức kiều hối năm 2015 ở mức 13 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2000 khoảng trên 1,3 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng kiều hối trung bình 16%/năm, với tốc độ này đến năm 2020 lượng kiều hối có thể lên đến hơn 28 tỷ USD. Theo khảo sát của các chuyên gia, kiều hối chuyển về nước được sử dụng cho nhiều mục tiêu như gửi tiết kiệm, đầu tư vào vàng, bất động sản và sản xuất kinh doanh chiếm tỷ trọng khoảng 90%, 10% còn lại có thể vẫn còn ở dạng cất trữ tại nhà, có nghĩa là nằm ngoài hệ thống tài chính. Nếu áp dụng mức tích trữ 10% kiều hối nhận được từ năm 2000-2015, lượng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư hiện nay vào khoảng 9,7 tỷ USD. Còn theo số liệu của NHNN, lượng ngoại tệ ký gửi tại NH đến cuối năm 2015 đang ở mức 29,5 tỷ USD.
Cơ chế, chính sách phát triển TPHCM: Giải pháp huy động nguồn lực XH ảnh 1 Trong kế hoạch đột phá chỉnh trang đô thị TPHCM cần phải di dời 20.000 căn nhà ven kênh, nhưng đến nay bị tắc lại do thiếu vốn, thiếu đất... 
Một cách khác để xác định khối lượng ngoại tệ trong dân là sử dụng sai số thống kê trên BOP (ghi nhận các dòng ngoại tệ đi vào và ra khỏi quốc gia). Theo đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước cơ cấu lại danh mục tài sản sở hữu bằng cách chuyển sang nắm giữ các loại tài sản bằng ngoại tệ, đó là một trong các nguyên nhân của vấn đề sai số trong cán cân thanh toán.
Điều này hàm ý nếu doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, trong khi người dân thì cất giữ USD ở nhà sẽ làm phát sinh sai số trong thống kê. Trong khi theo số liệu công bố của WB, sai số thống kê trong BOP của Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm gần đây, và trong năm 2014 giá trị sai số ở mức 6,7 tỷ USD. Nếu áp dụng mức tích lũy 10% như kiều hối từ năm 2000-2015, khối lượng ngoại tệ đang có trong dân cư ít nhất vào khoảng 4,2 tỷ USD. 
Theo GSO, tỷ lệ tiết kiệm trung bình của người dân vào khoảng 25% thu nhập. Còn theo Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015), thu nhập bình quân trên đầu người ở TPHCM đạt 5.538USD/năm. Như vậy, mỗi năm khối lượng tiền tiết kiệm của người dân TP lên đến 9,97 tỷ USD.
Theo khảo sát của Asia Plus (Nhật Bản), có đến 26% tiền tiết kiệm được thực hiện dưới hình thức tiền mặt. Như vậy lượng tiền mặt nhàn rỗi mỗi năm của cư dân TP lên đến 2,6 tỷ USD (tương đương 13 tỷ USD tích lũy trong giai đoạn 2016-2020). Đây là số tiền nhàn rỗi rất lớn, nếu được huy động sẽ là một nguồn lực quan trọng trong việc đầu tư xây dựng TPHCM. 

Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
Nhiều TP lớn trên thế giới đã được bồi đắp bằng trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP). Thậm chí chỉ vài thập niên gần đây, hàng loạt TP lớn tại các nước mới nổi đã được kiến thiết bằng nguồn vốn này. Bởi những dự án như xây dựng cầu đường, sân bay, cảng biển… thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ trong nhiều năm, thời gian hoàn vốn cũng phải kéo dài từ 20-30 năm với lợi tức thấp. Do đó, nguồn tài trợ ngắn hạn sẽ không phải là giải pháp tốt, mà phải là những nguồn tài trợ dài hạn và ổn định nên TPCQĐP là ưu tiên hàng đầu. 
Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt và quá trình tái cơ cấu, cắt giảm nợ công vẫn chưa thực sự có hiệu lực rõ nét, việc khai thác nguồn lực nhàn rỗi trong dân hứa hẹn là đáp án cho bài toán phát triển mà TPHCM đang theo đuổi. Như đã phân tích ở phần trên, tiềm lực của các nguồn tài trợ từ vốn nhàn rỗi của cư dân khu vực TPHCM còn rất lớn và dư địa huy động là không giới hạn. Do đó, bài toán trở nên tiệm cận hơn với thách thức làm sao huy động được tiền trong dân thông qua TPCQĐP.
Thực tế TPCQĐP của TPHCM đã được phát hành thường niên nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể trở thành nguồn quỹ cơ bản tài trợ cho quá trình cải tạo cơ sở hạ tầng của TP. Bởi lẽ với quan điểm và cách làm như hiện nay, cái mà chúng ta gọi là TPCDĐP chưa thực sự thể hiện đúng bản chất của công cụ tài chính này.

 TPHCM được thí điểm cơ chế phân cấp, phân quyền

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10-2017,  Chính phủ đã thảo luận Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM. Theo đó, thống nhất thí điểm phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn cho TPHCM, có những việc để TP quyết định mà không cần báo cáo Trung ương, tạo sự linh hoạt, chủ động để TPHCM phát triển thực sự hiệu quả. Hiện TPHCM đã làm việc với các bộ ngành, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM và dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp này.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết “TPHCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp 27-28% GDP cả nước, đóng góp 25-26% ngân sách chung cả nước. Với đầu tàu đó, cần thí điểm cho TPHCM các vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, đất đai, đầu tư, tài chính và ngân sách; ủy quyền thu nhập của cán bộ công nhân viên chức thuộc TPHCM quản lý. Theo đó, có những nội dung đã có trong luật, pháp lệnh, nhưng trong thực tiễn vẫn còn điều chưa phù hợp chúng ta sẽ có cơ chế thí điểm đột phá đổi mới để tạo hiệu quả cao hơn. Rồi trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, có những điều rất cần nhưng chưa có quy định điều chỉnh cũng cần thí điểm...”.

Các tin khác