Cơ hội cho tất cả doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Trước câu hỏi liệu CMCN 4.0 có phải là cuộc chơi của các DN lớn hay không, theo tôi cơ hội dành cho tất cả các DN, thậm chí nhiều DN nhỏ, DN khởi nghiệp nắm được cơ hội nhiều hơn.
Cơ hội cho tất cả doanh nghiệp
 Bằng chứng là với những mô hình kinh doanh mới, linh hoạt thời gian qua, nhiều DN mới hình thành thành vài năm đã vượt mặt, đẩy các DN có tuổi đời hàng chục năm vào thế bị động một góc của thị trường. 
 Lớp doanh nhân ngày nay đang có nhiều cơ hội hơn so với các thế hệ trước. Nhất là trong làn sóng công nghệ 4.0, doanh nhân, DN có cơ hội lướt sóng nhiều hơn để đi nhanh hơn, xa hơn, mất ít thời gian hơn. Nhưng cái thách thức chính là làm sao biết cách chơi, cách lướt sóng thích hợp nhất, nhất là với các doanh nhân trẻ. 
Trong thời đại CMCN 4.0, tốc độ rất quan trọng, nó khác với thời 2.0 hay 3.0, khi ấy chúng ta dựa vào cơ giới hóa, tính kinh tế và quy mô. Lẽ dĩ nhiên 4.0 cũng vẫn dựa vào những yếu tố này, nhưng không phải ai có lợi thế thì mãi duy trì lợi thế ấy. Bản chất vấn đề đang thay đổi, cách thức vận hành DN, cạnh tranh và tương tác với khách hàng cũng đang bắt đầu ở một kỷ nguyên mới.
Điều này đòi hỏi DN phải có bước chuyển hóa chứ không chỉ thuần túy mở rộng quy mô. Vì thế bước vào kỷ nguyên 4.0, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư duy khác và cách làm khác mới có thể thích ứng với thời cuộc. 
Khi bàn về 4.0, một câu hỏi nữa thường được đặt ra đó là công nghệ có phải quan trọng nhất. Thực tế công nghệ cũng quan trọng, nhưng còn có những cái quan trọng không kém đó là văn hóa 4.0 và tư duy 4.0. Vậy 2 yếu tố này nên được hiểu như thế nào. Ở góc quan sát của mình tôi, có 2 điểm khác biệt cần được nhắc tới. Thứ nhất là tính linh hoạt. Chính những mô hình kinh doanh linh hoạt đã thay thế những mô hình kinh doanh truyền thống có tuổi đời hàng chục năm.
Thứ hai là tốc độ. Một mô hình kinh doanh hiện nay tốc độ không chỉ giúp một DN thành công nhanh hơn mà thất bại cũng rất nhanh, để rồi sau đó họ có thể đứng lên, sửa sai và làm lại, giúp cho DN có nhiều cơ hội thử nghiệm với những cái mới. 
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà CMCN 4.0 đã và sẽ mang tới cho DN, nó cũng đặt DN, doanh nhân vào thách thức. Đó chính là nếu chúng ta nghe quá nhiều, dễ dẫn tới khả năng ảo tưởng, cái gì cũng nghĩ tới 4.0 mà bỏ qua 2.0 hay 3.0, điều này thực sự rất nguy hiểm.
Trên thực tế, có những ứng dụng của thời đại 2.0 hay 3.0 còn rất hữu ích và nhiều DN Việt Nam nên tận dụng. Ngay tại PNJ chúng tôi cũng bắt đầu nhìn nhận thấy những tác động của kỷ nguyên mới và đang từng bước có những chuyển động cho phù hợp, nhưng không thể bỏ qua công đoạn 2.0 hay 3.0.
Theo thông lệ suốt 30 năm qua, mỗi 5 năm PNJ sẽ có một bước chuyển hóa, tái sinh mình một lần thông qua những kế hoạch chiến lược. Nhưng ở bối cảnh hiện nay, thời gian không thể kéo dài như vậy.
Cụ thể, vào đầu năm 2017 chúng tôi đưa ra kế hoạch 5 năm 2017-2022, nhưng từ cuối năm 2017 đến nay những thông tin về 4.0 xuất hiện nhiều hơn, môi trường kinh doanh cũng đang có nhiều thay đổi. Điều này buộc chúng tôi phải tiến hành cập nhật cho kế hoạch sớm hơn và thời gian tới mỗi năm sẽ có cập nhật lại. Tất nhiên định hướng không thay đổi, nhưng công cụ, bước đi, tốc độ đi sẽ khác so với kế hoạch ban đầu. 
Cụ thể, chúng tôi đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong các hoạt động của công ty nhiều hơn. Trong quá trình mở rộng hệ thống, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ dữ liệu để tối ưu hóa lượng hàng tồn kho. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng công nghệ quản lý trong tương tác với khách hàng, PNJ không còn chia ra những kênh bán hàng online hay offline, mà sử dụng phương thức đa kênh ommichannel.
Tại các cửa hàng, camera không chỉ còn là camera an ninh, mà còn giúp phân tích hành vi khách hàng, giúp chúng tôi biết thay đổi thiết kế sao cho phù hợp và thu hút khách hàng hơn. Nắm rõ điểm bán nào hiệu quả, điểm bán nào chưa hiệu quả để thay đổi mình… 
 Sự quyết tâm, tính năng động, khả năng sáng tạo của người Việt, của DN Việt là cơ sở quan trọng để chúng ta không bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0, đồng hành cùng nhân loại. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của Hiệp hội DNNVV qua hơn 10 năm hình thành và phát triển. Với số lượng chiếm trên 97% tổng số DN cả nước, các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động cả nước.
Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững. Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo. 
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
(Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10-2018)

Các tin khác