“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân

(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua, các phiên hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách cấp cao có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những thông điệp chỉ đạo điều hành phát triển nhất quán của Chính phủ Việt Nam, trong đó nổi bật là vấn đề phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) được các chuyên gia trong và ngoài nước đều quan tâm.
KTTN cần được đối xử bình đẳng
Với chuỗi 3 hội thảo quan trọng và một phiên đối thoại chính sách cấp cao, chủ yếu bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới, song đều đề cập đến vai trò của KTTN. Bởi lẽ trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ, khu vực KTTN trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. 
 Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực, nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển, và nêu rõ phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh. Phát triển nhanh và bền vững đã thực sự là những từ khóa quan trọng hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam ngay từ khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 
Đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet cho rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng đánh giá Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực KTTN và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả sẽ tiếp nối những thành công, kéo theo đó là sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Mỗi năm KTTN của Việt Nam đang tạo ra 1,2 triệu việc làm, hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đóng góp tới 43% GDP. Riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP. Chính phủ cũng đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, trong sạch, một chính phủ hành động với những động thái "cởi trói" về cơ chế, thể chế cho KTTN phát triển. 
Cũng theo bà Thảo, riêng trong ngành hàng không, hàng không tư nhân đóng góp tới 70% trong kết quả tăng trưởng chung của ngành hàng không. Do vậy chính phủ cần có cơ chế, chính sách, biện pháp để khai thác tốt nguồn lực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng trên toàn xã hội.
Dẫn sự cố đáp nhầm máy bay mà 2 hãng hàng không bị đối xử khác nhau, CEO VietJet Air  cho rằng cần có sự công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Với tiếng nói của một doanh nghiệp tư nhân, mong muốn được đưa tin, tuyên truyền một cách khách quan, bình đẳng, không để hình ảnh của doanh nghiệp tư nhân xấu xí, không ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội.
“Những gì tư nhân có thể làm tốt thì để tư nhân làm. Việt Nam trong thời gian qua đã chứng kiến sự đóng góp của những đầu tàu KTTN, đây cũng là khu vực tích cực, năng động trong một quốc gia khởi nghiệp.Tinh thần đổi mới sáng tạo của khu vực KTTN sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp cơ hội và xu hướng tích cực trong giai đoạn có nhiều biến động của kinh tế thế giới. Do đó, cần phát huy nguồn lực tư nhân thành đầu tàu kinh tế”- bà Nguyễn Thị Phương Thảo nêu quan điểm và đề xuất xây dựng những tập đoàn tư nhân Việt mang thương hiệu quốc gia như Samsung, Toyota…
“Cởi trói” cho kinh tế tư nhân ảnh 1 Doanh nghiệp tư nhân hàng không Vietjet cho rằng, dù chiếm gần một nửa thị phần hàng không nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng tại sân bay phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nhà nước. 
Tạo động lực từ PPP
Nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế quốc đều nhấn mạnh, hầu hết các quốc gia châu Á đều đẩy mạnh thực hiện hình thức đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư (PPP) trong 15 năm qua. Bởi khi dư địa tài khóa hạn hẹp, cơ chế này mở ra cơ hội phát triển hạ tầng. 
 Chúng tôi có gần một nửa thị phần hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng tại sân bay như khu bảo dưỡng máy bay, nhà ga, suất ăn, cơ sở mặt đất… vẫn phụ thuộc vào một doanh nghiệp độc quyền của Nhà nước. Chúng tôi cứ nói vui là doanh nghiệp mình không có đến một tấc đất cắm dùi tại các sân bay lớn, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực. Chúng tôi có thể đầu tư khẩn trương, chất lượng, không dùng nguồn vốn ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air
Nhưng trong những năm qua, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những tồn tại, hạn chế nhất định trong việc huy động vốn, khuyến khích sự tham gia của khu vực KTTN. Ông Kunio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận xét, cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng đối với phát triển, Việt Nam cần tìm thêm nhiều phương án tài chính khác để có thể tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, như huy động vốn qua PPP. Nếu thành công trong mô hình PPP sẽ rất tốt cho phát triển kinh tế của Việt Nam. 
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cân bằng giữa việc phát triển theo chiều rộng với những vấn đề chiều sâu như bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, tạo động lực cho phát triển. Đặc biệt, cần bảo đảm sự tham gia mạnh mẽ của tư nhân. Tại Việt Nam, huy động vốn cho hạ tầng từ trước đến nay vẫn dựa vào ngân sách của chính phủ và vay nợ từ các cơ quan song phương và ngân hàng đa phương.  Để có thêm vốn để làm hạ tầng, ông Eric Sidgwick đề nghị Việt Nam cần tìm cách để thu hút các nguồn vốn cho phát triển.  
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) nhấn mạnh, phát triển khu vực KTTN trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được xác định, bao gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về hạ tầng, Việt Nam xác định 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, cấp thiết nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi - ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng cung cấp điện và hạ tầng đô thị lớn. Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh sử dụng vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ cũng đã thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư PPP. Hiện Bộ KH-ĐT đang làm việc khẩn trương để có thể sửa đổi cũng như xây dựng khung pháp lý liên quan đến đầu tư thông qua mô hình PPP để có thể huy động thêm nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Kiến tạo sức bật cho KTTN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm và đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động tăng dần và hệ số ICOR giảm dần so với các năm trước. Trong sự phát triển ấn tượng đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh: “Chưa có thời điểm nào Việt Nam được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm “vươn ra biển lớn” của khu vực KTTN như hai năm vừa qua. Riêng trong năm 2018, trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại”. 
Trong số các trọng tâm đề ra trong năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực. Trong đó Thủ tướng đặc biệt lưu ý vấn đề tạo cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho KTTN phát triển. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy KTTN phát triển thực sự. 
 Tôi rất ấn tượng với sự tham gia của KTTN ở nhiều lĩnh vực quan trọng, song rất tiếc vì Việt Nam chưa mở cửa cho tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Việt Nam nên có cơ chế để tư nhân thực thi các dự án năng lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của quốc gia về năng lượng. Lúc đó giá điện sẽ để thị trường tự điều tiết, điện sạch, giá rẻ sẽ được lựa chọn. 
Ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ 

Các tin khác