Để du lịch TPHCM thành mũi nhọn: Thay đổi tư duy, phát huy lợi thế

(ĐTTCO) - TPHCM đang nỗ lực đưa ngành du lịch trở thành 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của TP vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 11% trở lên trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), với chất lượng dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
Để du lịch TPHCM thành mũi nhọn: Thay đổi tư duy, phát huy lợi thế
Ngành du lịch phấn đấu tăng trưởng doanh thu mỗi năm 15-16% và đến năm 2020 đạt con số 165.000-170.000 tỷ đồng. Song để đạt được mục tiêu này đòi hỏi TP phải có những giải pháp mang tính đột phá, khắc phục những yếu kém và phát huy tối đa lợi thế sẵn có.
Có sản phẩm đặc trưng nhưng làm chưa tới
 Việc hình thành các phố chuyên doanh là tiếp cận đúng của các quận và ngành du lịch, nhưng để nó trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn phục vụ du lịch cần làm nhiều việc nữa. Từ việc tổ chức sắp xếp nâng cao chất lượng phục vụ của các cửa hàng trong tuyến phố đến huấn luyện đội ngũ bổ trợ, các dịch vụ bãi đậu xe, nhà vệ sinh, nâng cao trình độ ngoại ngữ rồi quảng bá…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM
Một trong những giải pháp góp phần hoàn thiện mục tiêu đưa du lịch TPHCM thành ngành kinh tế mũi nhọn là tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng. Chính vì vậy thời gian gần đây chính quyền TP đã đưa ra thêm nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với nông nghiệp, phố đông y, phố đi bộ, con đường âm nhạc, chợ phiên cuối tuần, cùng với đó đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch. TPHCM cũng lên kế hoạch phát triển nhiều tuyến du lịch đường thủy trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh rạch nội đô, với mục tiêu trước mắt trong năm 2017 và năm 2018 khách du lịch qua đường thủy đến TP đạt 450.000 lượt khách/năm và tăng 15% trong những năm tiếp theo.
TPHCM sẽ đầu tư nâng chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến đi Bình Quới (Bình Thạnh), tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Song song đó, TP tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới như tuyến đi quận 7, quận 5, quận 6, quận 8 thông qua các tuyến sông Sài Gòn, Rạch Bến Nghé, Kênh Tẻ, Tàu Hủ - Lò Gốm.  Tuy nhiên, hiệu quả của các sản phẩm du lịch mới này chưa thực sự gây ấn tượng để thu hút khách du lịch. Thí dụ, tại tuyến phố Nhiêu Tâm (quận 5) hồi cuối tháng 4 vừa qua đã chính thức ra mắt với tên gọi phố vàng bạc, đá, trang sức, nhưng những cửa hàng nhỏ lẻ vẫn hoạt động buôn bán bình thường, chẳng thấy gì là đặc trưng nên hầu như không có đoàn khách du lịch nào ghé thăm. Cuối con phố là khu chợ nên dường như vẫn chưa định hình thành con phố chuyên doanh dành cho khách du lịch.  Cách đó không xa là phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông. Ấn tượng khi đến con phố này chính là mùi thơm đặc trưng của rất nhiều vị thuốc bắc. Những cửa hàng thuốc bắc san sát nhau nhưng khá vắng khách, cũng khó để tìm ra một đoàn khách du lịch nhất là khách du lịch quốc tế tham quan mua sắm ở đây. Có thể thấy những con phố chuyên doanh là ý tưởng hay nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự thu hút khách du lịch. Đây là thực tế khiến những người làm sản phẩm du lịch của TPHCM đang rất trăn trở.  Nhận định về mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch TP trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo TPHCM. Song để thành công phải có những chương trình cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực. TPHCM còn rất nhiều tiềm năng nhưng vấn đề làm sao phải làm cho tới”. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Ngoài phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nên tận dụng phát triển sản phẩm du lịch quận/huyện sẵn có. Cụ thể, TP đặt chỉ tiêu cho mỗi quận huyện xây dựng 1-2 sản phẩm du lịch mới và có giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách du lịch đường thủy. UBND TP sẽ có giao ban hàng tháng theo dõi hoạt động phát triển ngành du lịch để tìm các giải pháp khắc phục cũng như phát huy lợi thế. Phải làm sao để ngành du lịch TP trong tương lai cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia du lịch láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia…
Ông Trần Vĩnh Tuyến,  
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, nhìn nhận đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ là kế hoạch riêng của TPHCM, mà còn là kế hoạch chung của du lịch Việt Nam. Để hiện thực hóa kỳ vọng này cần nhìn 2 vấn đề chất lượng dịch vụ đã tốt chưa, con người làm trong ngành du lịch đã chuyên nghiệp chưa, trong đó con người là chính yếu.
Còn nhớ trong buổi gặp giữa lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp trong ngành du lịch, yếu tố nhân lực cũng được các chủ doanh nghiệp nhắc đến khá nhiều, với 2 nhược điểm lớn là thiếu và yếu, hầu hết sinh viên mới ra trường khi được nhận về làm việc doanh nghiệp phải đào tạo lại. Trong khi chỉ tính riêng trong mảng lữ hành, hướng dẫn viên được đánh giá đóng góp 70-80% thành công của một tour du lịch. 

Hiện TPHCM có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đông nhất cả nước, với khoảng 5.010 người được cấp thẻ. Trong đó, hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 52,67% với 2.639 người, hướng dẫn viên nội địa 2.371 người. Đội ngũ đông nhưng theo đánh giá còn yếu về nghiệp vụ, đã vậy số lượng hướng dẫn viên ở những thị trường tiếng hiếm vẫn còn rất khan hiếm. Vì vậy, một số doanh nghiệp lữ hành vẫn phải thuê hướng dẫn viên không có thẻ nhưng có kinh nghiệm hoặc sử dụng hướng dẫn viên là người nước ngoài, nhất là các thị trường tiếng hiếm. “Ngành du lịch cần có chương trình hướng nghiệp cho các em học sinh ngay từ phổ thông, để các em có những hiểu biết nhất định khi lựa chọn. Khi đã đam mê các em sẽ tâm huyết và gắn bó với ngành. Bên cạnh đó nên có những chương trình học bổng cho những sinh viên giỏi theo ngành này. Đã đầu tư vào con người phải kiên trì như vậy mới giải quyết căn cơ bài toán nhân lực” - bà Nguyễn Thị Khánh chia sẻ. 

Trên thực tế ngành du lịch TP đã có nhiều nỗ lực trong việc đào tạo nhân lực, như thời gian qua tổ chức hội thảo khoa học về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Bởi lẽ nguồn nhân lực tại TPHCM tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch có khoảng 94.000 người, trong đó 30% chưa thông qua đào tạo bài bản.
Do vậy để thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành du lịch khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có kế hoạch phối hợp cùng 54 cơ sở đào tạo chuyên ngành về du lịch trên địa bàn TP.  Riêng Sở Du lịch đã phối hợp với tổ chức nước ngoài huấn luyện cán bộ cấp quận huyện quản lý về du lịch. Hiện tại sở đang có 2 lớp trung cấp và cao cấp dành cho cán bộ quản lý ở cơ sở cấp quận huyện và sở ngành.  Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo nhân lực ngành du lịch xoay quanh chuẩn nghề của ASEAN, đặc biệt làm sao đi tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cũng chính là yếu tố cần được chú trọng, vì nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, bài toán nhân lực đào tạo xong vào doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu phải đào tạo lại sẽ còn quẩn quanh chưa thể tìm được câu trả lời. 
Để du lịch TPHCM thành mũi nhọn: Thay đổi tư duy, phát huy lợi thế ảnh 1 Một tour du lịch bằng mô tô cổ tại TPHCM. Ảnh: LONG THANH 
Cần vào cuộc đồng bộ
Có thể thấy du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, không thể tự mình phát triển. Chính vì thế để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngoài nỗ lực của ngành, của doanh nghiệp trong ngành, của các cơ sở đào tạo, rất cần sự chung tay của các sở ngành khác. Dễ thấy hạ tầng giao thông thuận lợi du lịch mới có nhiều cơ hội phát triển, nhưng ngành du lịch không thể lo phần này.
Hay như thực phẩm an toàn du khách mới an tâm thưởng thức, từ đó mới có thể phát triển ẩm thực thành một nét văn ho1a đặc trưng của TPHCM, nhưng đây cũng không thuộc quản lý của ngành du lịch. Hoặc như làm sao hạn chế nạn chèo kéo, cướp giật để du khách thảnh thơi, an tâm du lịch cũng là việc ngành du lịch không thể bao quát tới… 

Thực tế này đặt ra cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Theo đó, công an phải lo an toàn ra sao; ngành tài chính, thuế động viên chính sách ra sao; ngành văn hóa, thể thao, y tế vào cuộc thế nào? Tất cả ngành đều phải có trách nhiệm. Bên cạnh đó, lãnh đạo từng quận, huyện, sở ngành phải đổi mới tư duy, không nên coi phát triển du lịch là công việc của Sở Du lịch.
Thật ra UBND TP cũng đã có chỉ đạo tổng thể, phân công, phân cấp cho nhiều ngành cùng tham gia, trong đó Sở Du lịch đóng vai trò là cơ quan thường trực, nhận công tác phối hợp đồng thời tham mưu cho ban chỉ đạo phát triển du lịch TP về các công việc cụ thể. Hy vọng trong thời gian tới sự phối hợp này sẽ ngày càng nhịp nhàng hơn để mang lại một diện mạo mới, an toàn, thân thiện và thực sự ấn tượng cho khách du lịch trong và ngoài nước khi tới TPHCM. 

Ngoài sự chung tay của các sở, ngành, quận huyện trên địa bàn TP,  để du lịch TPHCM phát triển mạnh hơn, thu hút đông khách du lịch hơn rất cần đẩy mạnh liên kết vùng, chuỗi du lịch theo hướng đến một nơi mà đi được nhiều điểm. Bởi thực tế khi khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến một TP, tỉnh đều có nhu cầu đến những địa phương lân cận để mở rộng địa điểm du lịch cho một chuyến đi của mình. Hiện TPHCM được đánh giá có thể kết nối mạnh mẽ hơn với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây nguyên và ĐBSCL.

Có thể thấy TPHCM còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch, gia tăng lượng khách trong nước và quốc tế. Chính vì thế mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này ngoài chiến lược và quy hoạch tổng thể, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội đầu tư vào du lịch, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp lữ hành để tạo được điểm nhấn đặc sắc, riêng biệt cho du lịch TPHCM cũng là điều rất cấp thiết. 

Các tin khác