Điều hành chính sách thuế: Chặt chẽ, minh bạch, chống thất thu

(ĐTTCO) - Năm 2017 ngành tài chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực như thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt dự toán, nợ công được kiểm soát, năm đầu tiên sau 10 năm bội chi được đảm bảo… 
Năm 2018, nền kinh tế được dự báo đối mặt với không ít thách thức trong việc điều hành chính sách tài khóa. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG, về vấn đề này.
Chặt chẽ bội chi, nợ công
PHÓNG VIÊN: - Thưa Bộ trưởng, đâu là những điểm nhấn trong điều hành chính sách tài khóa năm 2017?
Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG: - Điểm nhấn thứ nhất là điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương chú trọng khai thác nguồn thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ mã số, xuất xứ hàng hóa, giá trị tính thuế hải quan.
Trong công tác quản lý chi NSNN, Bộ Tài chính đã rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ chi; tăng cường kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đúng chế độ; đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính - NS... Qua đó từng bước tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Thứ hai, Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 946 thủ tục; rà soát 325 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 38 thủ tục hành chính và bãi bỏ 4 thủ tục không còn phù hợp.
Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính và quản lý nợ công. Năm 2017 ghi nhận thị trường chứng khoán đã có bước phát triển tốt, quy mô vốn hóa đạt khoảng 70% GDP, tăng 80,5% so cuối năm 2016. Thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, vững chắc, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 21,2%; tổng giá trị tài sản tăng 23,4%; chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng gần 15%...
 Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát chặt chẽ bội chi NS, từ năm 2018 Bộ Tài chính thực hiện xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia theo hình thức cuốn chiếu. Trong đó đã xác định lộ trình giảm dần bội chi NSNN, đảm bảo bình quân giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP theo đúng nghị quyết của Quốc hội; kiểm soát bội chi NSNN ở mức 3,7% GDP.
Thứ tư, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát, qua đó đã có tác động tích cực đến giá cả thị trường; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,41% so năm 2016.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - NS được đẩy mạnh. Toàn ngành đã thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế gần 899.800 hồ sơ; kiến nghị xử lý về tài chính gần 55.470 tỷ đồng (trong đó kiến nghị thu nộp NS 16.800 tỷ đồng, đã thực hiện thu 14.640 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.600 tỷ đồng), giảm trừ dự toán kinh phí, giảm trừ cấp phát kinh phí 72 tỷ đồng; giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 92,8 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 1.400 tỷ đồng; giảm lỗ trên 33.000 tỷ đồng... 
- Trong bối cảnh nợ công đang tăng cao và áp lực trả nợ lớn cần phải có lộ trình giảm dần bội chi, đảm bảo an toàn nợ công. Vậy ngành tài chính có các giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
- Trước những khó khăn, thách thức về cân đối NSNN và quản lý nợ công, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thu NS so với GDP thời gian qua giảm nhanh, nhu cầu chi NS không ngừng tăng, cơ cấu chi chưa bền vững, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững... 
Theo đó, định hướng, giải pháp chính sách lớn về tài chính, NS trong giai đoạn tới trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhấn mạnh yêu cầu thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi NS, sử dụng vốn vay và nợ công.
Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn... Với các định hướng, giải pháp lớn nêu trên, cùng quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện, đến cuối năm 2017 nợ công còn khoảng 61,3% GDP, giảm 2,3% so với thời điểm cuối năm 2016.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
- Năm 2017, một số ngành, lĩnh vực đã đạt mức tăng trưởng khá cao nhưng năm 2018 khó tiếp tục đạt được mức tăng này. Điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến thu, chi NSNN 2018?
- Chúng tôi cho rằng bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới 2018 có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, tác động 2 mặt tích cực và tiêu cực tới hoạt động thu chi NS. Tích cực là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hoạt động xuất nhập khẩu tăng, dẫn đến số thu NSNN tăng; làm cơ sở để Chính phủ đưa ra mức phấn đấu vượt thu NSNN 3%, là nền tảng để đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt.
Các yếu tố tiêu cực là cắt giảm thuế quan theo các cam kết, giá dầu thế giới diễn biến khó lường; dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn...
 Cải thiện tính hiệu quả và tiết kiệm trong chi NS. Có những nội dung chi tiêu không hiệu quả phải được cắt giảm, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Dự toán NSNN 2018 đã tính đến các yếu tố nêu trên, đồng thời chúng tôi đã chủ động đề ra các giải pháp, phương án quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ NSNN được giao. Theo đó, điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu NS; quản lý chi NS chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là thuế, hải quan, kho bạc nhà nước. Ngoài ra, tăng cường quản lý giá, thị trường; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp…
- Tại một số phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, nhiều ý kiến băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 là 6,5-6,7%, lạm phát 4%, nhưng dự toán thu NSNN chỉ tăng 6,4% so với ước thực hiện 2017? Bộ trưởng lý giải sao về điều này?
- Dự toán thu NSNN hiện nay gồm thu nội địa, dầu thô, cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và viện trợ. Có những khoản thu sẽ được tổ chức thu từ sự phát triển của nền kinh tế, theo chính sách thu đã quy định; có khoản thu phát sinh từ hoạt động thương mại quốc tế, tuân thủ các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập; có khoản thu thực hiện theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và phụ thuộc vào giá cả thế giới (dầu thô). Vì vậy, nói đến dự toán thu phải nói đến tổng hợp các yếu tố tác động, không chỉ có tăng trưởng kinh tế, lạm phát.  
Cụ thể, dự toán thu NS 2018 được xây dựng trên cơ sở dự toán thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm so với ước thực hiện năm 2017. Trong khi đó, dự toán thu nội địa xây dựng ở mức rất tích cực, tăng 8,6% so với ước thực hiện năm 2017; không kể số dự toán thu từ các hoạt động không trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (như tiền sử dụng đất, hoạt động xổ số kiến thiết, cổ phần hóa), thu nội địa còn lại tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2017, cao hơn mức dự kiến tăng trưởng kinh tế (6,5-6,7%) cộng với tỷ lệ lạm phát dự kiến (4%). Tóm lại, dự toán thu NSNN tăng 6,4% so với ước thực hiện 2017 phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế. 
Điều hành chính sách thuế: Chặt chẽ, minh bạch, chống thất thu ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (bên trái) tại Hội nghị trực tuyến công tác tổng kết ngành thuế năm 2017  và triển khai nhiệm vụ 2018. Ảnh: Quang Hiếu
Nhất quán, rõ ràng từng sắc thuế
- Điều khiến dư luận quan tâm thời gian qua là một số đề xuất điều chỉnh tăng thuế. Bởi lẽ, dư địa thu NSNN còn lớn, nếu quản lý tốt, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời chưa nhất thiết phải tăng thuế?
- Qua công tác chống thất thu và chấn chỉnh công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh, Bộ Tài chính thấy rằng việc chống thất thu, đảm bảo công bằng thuế có trọng điểm, đúng người và đúng lúc là cần thiết. Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế ở nhiều lĩnh vực còn phải hoàn thiện, xây dựng chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch.
Theo đó, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở đó định hướng sửa đổi một số nội dung, qua đó mở rộng cơ sở thu; cải cách chính sách thuế để đáp ứng và tương thích với các luật mới được Quốc hội ban hành...
Việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; chống thất thu NSNN và lận thương mại, chuyển giá...
Với những nỗ lực nêu trên, tổng thu cân đối NSNN 2017 ước đạt 1.283.200 tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán Quốc hội quyết định; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán, xử lý nhiệm vụ cấp thiết. Bội chi NSNN năm 2017 giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán, cân đối NS trung ương và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Các tin khác