Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn

(ĐTTCO) - Phải thừa nhận rằng vai trò, tác động của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đối với nền kinh tế là tạo ra phần lớn việc làm, đóng góp chủ yếu vào ngân sách nhà nước, đảm nhận các gánh nặng về an sinh xã hội. Một nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2013, cho thấy KTTN tạo ra 90% việc làm tại các quốc gia đang phát triển.
Từng không được thừa nhận, hoạt động khó khăn một thời gian dài với những thay đổi thăng trầm, đến nay khu vực KTTN Việt Nam những năm qua đã có những thay đổi lớn. Đó là vai trò KTTN đã được ghi nhận trong chính sách và khẳng định trên thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua một số khó khăn đang cản trở sự lớn mạnh của KTTN Việt Nam.
Sức khỏe KTTN bị che lấp
Lần đầu tiên trong lịch sử có Nghị quyết Trung ương riêng về phát triển KTTN. Đó là Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 ngày 3-6-2017, khẳng định “KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”, và “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP.
Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng”. Nghị quyết 10 hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN); đến năm 2025 hơn 1,5 triệu và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. 
 Cần có giải pháp tháo gỡ những rào cản, cũng như chiến lược phù hợp để thúc đẩy khu vực KTTN phát triển. Bởi nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới có phát triển, cạnh tranh hay không, phụ thuộc phần lớn vào khu vực tư nhân trong nước.
Năm 2017 Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV với 7 nhóm chính sách hỗ trợ chung. Trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2019 là Nghị quyết 02 với hàng loạt nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cấp môi trường kinh doanh nhằm so sánh được với 4 nước hàng đầu khu vực ASEAN.
Hiện cả nước có hơn 700.000 DN đăng ký theo Luật DN đang hoạt động; gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Cả khu vực DN chính thức (DN hoạt động theo Luật DN) và hộ kinh doanh chiếm xấp xỉ 40% GDP. Có trên 130.000 DN đăng ký thành lập hàng năm. Khu vực DNTN chính thức đang tạo ra nửa triệu việc làm hàng năm.
Khu vực KTTN phát triển là tín hiệu quan trọng của nền kinh tế khỏe mạnh. Hiện nay ở Việt Nam chưa có thước đo riêng về sức khỏe và sự lớn mạnh của khu vực tư nhân trong nước. Chúng ta vẫn thường chỉ nghe nói đến số lượng DN thành lập mới, nhưng quy mô ra sao, hiệu quả như thế nào, sự tồn tại và phát triển của DN có bền vững không, vẫn là những câu hỏi lớn. 
Dường như các báo cáo thành tích kinh tế và DN của Việt Nam hàng năm đang bị những con số màu hồng từ kết quả sản xuất, xuất khẩu của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, Canon… che khuất. Vì thế, dù được kỳ vọng nhiều nhưng khu vực KTTN chính thức vẫn có vai trò rất khiêm tốn. Đóng góp của khu vực này chưa bao giờ vượt quá 11%, thường chỉ ở mức 8-9% GDP.
Trong khi đó, GDP của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) 10 năm nay tăng 5%, lên mức 20,7% GDP năm 2016. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng như điều tra của Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy mô của DNTN Việt Nam hiện nay chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ so với tiêu chuẩn các nước. Đáng lo ngại, quy mô bình quân của các DNTN chính thức có xu hướng giảm. 

Đã yếu còn gồng và gánh… đủ thứ
Báo cáo Việt Nam 2035 của Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Ngân hàng Thế giới chỉ ra các DNTN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và phi chính thức, cản trở việc tăng năng suất thông qua tính hiệu quả về kinh tế theo quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo. Hiện Việt Nam có quá ít DNTN có quy mô vừa và lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tác, sản xuất.
Trên thực tế, tỷ trọng của các DN này trong tổng số DN tiếp tục giảm. Chẳng hạn trong năm 2013, chỉ 3% trong tổng số DN có đăng ký sử dụng hơn 100 lao động so với 6% năm 2001. Trong khi đó, 24% DNNN và 52% DN FDI sử dụng 50 hoặc dưới 50 lao động trong năm 2013. 
Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn ảnh 1 Những hộ kinh doanh như thế này trong chợ Bến Thành (TPHCM) với giá trị mỗi sạp lên đến tiền tỷ,
nhưng không muốn lên DN vì ngại thủ tục, pháp lý và trình độ quản lý. Ảnh: L.THANH
Cũng theo Báo cáo Việt Nam 2035, hàng triệu hộ kinh doanh hiện không có nhiều động lực chuyển lên hoạt động thành DN vì những lo ngại về thủ tục phiền hà, rủi ro pháp lý và trình độ quản trị chưa theo kịp. Còn theo điều tra khảo sát nhiều năm của VCCI, khi được hỏi khó khăn lớn nhất là gì, các DNTN đều cho biết đó là việc tiếp cận các nguồn lực vốn, đất đai và nguồn lực kinh doanh khác.
Trong khi đó, lãi suất vay vốn cao, vốn kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư… còn rất hạn chế. Thực trạng yếu kém và thiếu kỹ năng lập hồ sơ tài chính để thuyết phục ngân hàng cho vay vốn. Hầu hết khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo, trong khi hệ thống ghi nhận quyền tài sản trong đó có quyền sử dụng đất đai ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.
 Hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, kết nối giữa khu vực FDI và DNTN trong nước chưa thành công, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến DN trong nước còn rất hạn chế. 
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp (KCN) hiện nay thường ưu tiên và phù hợp với DN lớn và DN nước ngoài. Những diện tích đất sử dụng tối thiểu trong các cụm, KCN, khoản tiền sử dụng đất phải nộp trước nhiều năm…, là những tiêu chuẩn không phù hợp với DNTN quy mô vừa và nhỏ.
Công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó và giá đất đối với nhiều DN còn cao. Tính ổn định của quy hoạch sử dụng đất và sự phiền hà của thủ tục hành chính liên quan đến đất đai cũng khiến nhiều DN lo ngại. Dù đã có Luật Hỗ trợ DNNVV, nhưng khối DN này của Việt Nam chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ hiệu quả và thiết thực.
Trong khi đó mức độ đóng thuế, nộp ngân sách của khu vực tư nhân trong nước lại cao hơn và tăng nhanh hơn khu vực FDI. Theo một tính toán từ số liệu điều tra DN 2016 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng thuế thu nhập DN của khu vực tư nhân ngoài nhà nước 37,5% tổng thu ngân sách, trong khi khu vực FDI chỉ đóng khoảng 19,28%; tăng trưởng mức nộp thuế thu nhập DNTN trong nước giai đoạn 2011-2016 bình quân 20,86% so với chỉ 7,5% khu vực FDI.

Trình độ quản trị thấp, kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu yếu
Thực tế, nhiều DNTN đi lên từ quy mô hộ gia đình nên tổ chức kinh doanh và hoạt động quản trị chưa bài bản, dựa nhiều vào sự thuận tiện và kinh nghiệm tích lũy, ít có doanh nhân qua trường lớp đào tạo bài bản, thậm chí trình độ ngoại ngữ của nhiều doanh nhân còn kém.
Theo nghiên cứu của VCCI sử dụng thước đo về chất lượng quản lý của Nicholas Bloom, trình độ quản trị của DNTN Việt Nam có điểm trung bình 2,93 theo thang điểm 5, thấp hơn so với DN FDI (3,15 điểm). Xếp hạng trình độ quản lý của các DN dân doanh Việt Nam dưới DN Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì thế, việc nâng cao chất lượng quản trị tại các DN trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là giải pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động, gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh, cũng như tạo cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn nền kinh tế toàn cầu, từ đó góp phần quan trọng vào việc hình thành một đội ngũ DN trong nước lớn mạnh, thành công trên trường quốc tế.
Vấn đề hiện nay, DNTN kết nối chưa thành công với DN FDI và chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, cho thấy tỷ lệ DNTN trong nước đang cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI tương đối hạn chế. Theo kết quả điều tra PCI 2018, chỉ khoảng 14% DNTN có khách hàng là DN FDI. Tín hiệu tích cực là con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, dù rất chậm chạp. 
Từ phía DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể mua lại từ DN FDI khác. Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình, và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. 

Các tin khác