Gỡ thủ tục, tăng chất lượng

(ĐTTCO) - Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vừa đưa ra danh sách 20 quốc gia phát triển du lịch nhanh nhất thế giới năm 2016.
Gỡ thủ tục, tăng chất lượng
Trong đó Việt Nam đứng thứ 7 nhờ tăng trưởng du lịch mạnh mẽ, tăng 24,6% lượng du khách nước ngoài đến thăm so với năm 2015. Việc xếp hạng này liệu có đánh giá tính bền vững ngành du lịch nước ta?
Chưa khai thác hết tiềm năng

 Chủ đề trọng tâm của các doanh nghiệp trong lần đối thoại chính sách với Chính phủ sắp tới sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn: Quảng bá du lịch, cơ sở hạ tầng và chính sách về thị thực. Đó là 3 điểm nghẽn đã được các chuyên gia quốc tế chỉ ra, nếu giải quyết được du lịch Việt Nam sẽ phát triển.
Ông Hoàng Nhân Chính
Tổng thư ký Nhóm công tác du lịch VPSF
Trở về từ chuyến du lịch Đài Loan, anh Nguyễn Hòa (quận 3, TPHCM) khá thất vọng so với những gì được nghe trước khi đến đất nước này. Theo anh, về phong cảnh thiên nhiên Đài Loan thua xa Việt Nam, bù lại cách làm du lịch của họ rất chuyên nghiệp, hạ tầng đầu tư hiện đại và bài bản.
Thực ra nhận xét của anh Hòa cũng không mới, không chỉ Đài Loan mà nhiều quốc gia khác nếu xét về thiên nhiên, phong cảnh không bằng Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng năm lại khá ấn tượng. 

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2015. Điểm mạnh nhất của Việt Nam là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), sức cạnh tranh về giá (hạng 35), nhân lực và thị trường lao động (hạng 37). Nhưng rất nhiều chỉ số của Việt Nam bị xếp hạng thấp, như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 76). 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng với mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với những con số rất ấn tượng: thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp… ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, hiện nay Việt Nam chưa có văn phòng đại diện tại nước ngoài nào. Tháng 11-2016, Tổng cục Du lịch mới giới thiệu website mới với 5 thứ tiếng. 

Riêng vấn đề visa, một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút khách du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Thí dụ, trong khi Campuchia đã bỏ visa cho 112 nước, Việt Nam mới bỏ cho 22 nước và 5 nước công nghiệp phát triển lại gia hạn visa hàng năm, đã khiến khách du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành các nước này khó chủ động, bởi họ thường lên kế hoạch đi du lịch trước 1-2 năm...
Những ràng buộc trong cấp thị thực, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cùng với đó là chất lượng du lịch chưa đồng đều, đã khiến Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch. 

Xin nêu một so sánh: Năm 2011 Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế, Nhật Bản đón 6,2 triệu khách. Đến năm 2016 Việt Nam vui mừng đón được 10 triệu khách quốc tế, trong khi hơn 24 triệu lượt khách đến Nhật Bản.
“Làm được điều này do Nhật Bản đã có sự thay đổi lớn về hạ tầng và chính sách du lịch. Hiện nay việc xin visa vào Nhật Bản khá đơn giản, thậm chí nhiều công ty du lịch của Việt Nam được ủy quyền xét visa trước visa điện tử. Mỗi tháng chúng tôi còn đón 1-2 đoàn từ các tỉnh của Nhật Bản tới mời gọi mình đưa khách du lịch đến với họ...” - ông Kỳ cho biết.

Khoảng trống lợi thế từ internet bị bỏ qua

Tháng 6 vừa qua, Luật Du lịch sửa đổi đã chính thức được thông qua, nhưng đã không nhận được nhiều sự đồng thuận. Một số đánh giá chỉ ra luật có nhiều điểm đã lạc hậu so với sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Cụ thể, thế giới đã chuyển từ thế giới phẳng sang trực tuyến, nhưng dự thảo không đề cập đến nội dung phát triển du lịch trực tuyến, tức áp dụng công nghệ vào du lịch. Khách du lịch trong nước gần như đã quen với những trang bán phòng trực tuyến như booking.com, agoda.com và cũng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ngành du lịch chọn đi theo con đường thương mại điện tử. 

Trong “Ngày du lịch trực tuyến” lần đầu được tổ chức tại TPHCM mới đây, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết hiện nay số lượng người dùng internet tăng cao và tỷ lệ người mua sắm qua mạng rất lớn. Có đến 45% người dùng internet tại Việt Nam đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay... trực tuyến, tốc độ tăng khoảng 11%/năm.
Dự kiến trong vòng 3 năm tới, thị trường du lịch trực tuyến Đông Nam Á sẽ đạt gần 90 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 10% doanh số của thị trường. Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, dịch vụ du lịch là sản phẩm đứng hàng thứ 3 trong tốp đầu các nhóm sản phẩm được người Việt chi tiêu nhiều nhất trên thương mại điện tử (sau thời trang, sách - nhạc - văn phòng phẩm). Trong đó, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng du lịch trong nước đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 (VPSF - sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này), du lịch là một trong những chủ đề đối thoại. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch và thân thiện, diễn đàn lần này thể hiện vai trò và quyết tâm của Chính phủ và các địa phương trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục và chất lượng, môi trường cho du lịch. Theo đó, những giải pháp được đưa ra tại diễn đàn là du lịch Việt Nam cần có một nhạc trưởng để kết nối giữa du lịch với các ngành có liên quan. 

Du lịch cần phải được gắn vào quy hoạch giao thông, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng về vận chuyển gồm đường không, đường bộ và đường thủy kết nối du lịch. Bên cạnh đó, cần xem xét các chính sách miễn giảm phí visa cho du khách quốc tế. Đặc biệt hiện nay vấn đề xúc tiến, quảng bá là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta mới đầu tư chưa đến 2 triệu USD/năm để xúc tiến du lịch, con số này rất nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các tin khác