Khởi động xây dựng thành phố thông minh

(ĐTTCO) - Với khát vọng đưa TPHCM trở thành một trong những trung tâm của khu vực châu Á, từ năm 2015 chính quyền TP đã tập trung nguồn lực xây dựng TP thông minh (TPTM).
Trong đó, lấy nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện 7 chương trình đột phá của TP
Lấy chính quyền điện tử làm trung tâm

Từ đầu năm 2016, UBND TPHCM đã xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành TPTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Dự thảo đề án đã được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X cơ bản thống nhất, và dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn chỉnh để UBND TP duyệt và công bố.
Đề án TPTM được xây dựng trên 3 trụ cột chính, gồm chính phủ điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp thông minh. Từ đó TP đặt mục tiêu cụ thể, gồm xây dựng thành công chính quyền điện tử các cấp tại TP; quản lý đô thị thông minh hơn để sử dụng tốt hạ tầng, tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cung cấp các tiện ích cho người dân trong vấn đề giao thông, giáo dục, sức khỏe, môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mở để dùng chung cho toàn xã hội, không như trước đây dữ liệu chỉ phục vụ cho hoạt động của cơ quan công quyền, quản lý nhà nước.

 Đến năm 2025, TPHCM cơ bản trở thành TPTM. Trong đó, phải chỉ rõ lộ trình cụ thể từng giai đoạn từ nay đến năm 2018 làm gì, đến năm 2020 đạt được những gì. Mục tiêu là hướng đến công khai minh bạch để người dân tham gia quản lý, giám sát chính quyền. Từng bước xây dựng TPHCM thực sự là TP đáng sống.
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
Thực tế, TPHCM đang chạy đua nhằm hiện thực hóa các mục tiêu để xây dựng thành công TPTM. Trước đó, để giảm bớt thời gian làm các thủ tục, các cơ quan hành chính cấp TP không ngừng nâng cấp ứng dụng CNTT để cung ứng các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức ở các lĩnh vực giao dịch đất đai, nhà ở; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Đồng thời, ban hành các chính sách để khuyến khích việc sử dụng chữ ký số và thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi sử dụng dịch vụ hành chính công, tạo môi trường phát triển ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể lộ trình từ nay đến 15-10 sẽ tiến hành khảo sát lãnh đạo về định hướng phát triển TPTM với 3 câu hỏi về đánh giá hiện trạng các lĩnh vực của đô thị thông minh đáng chú trọng của TP; đánh giá về độ ưu tiên các mục tiêu TPTM cần đạt được; đánh giá về các nguyên tắc thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Một trong những trọng tâm xây dựng TPTM là lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Mục tiêu của TP trong lĩnh vực này đến năm 2020 phải ứng dụng CNTT phục vụ quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, đạt tỷ lệ 80% văn bản trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Cấp quận/huyện phải đạt 100% và sở/ban/ngành với tỷ lệ 80% có hệ thống tác nghiệp, ứng dụng ISO điện tử và quản lý chuyên ngành. Cuối cùng toàn TP phải đưa vào vận hành toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.

Đặt hàng doanh nghiệp Việt

Để đề án nhanh chóng đi vào thực tế, TPHCM đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trong việc xây dựng và triển khai đô thị thông minh.
Theo đó, VNPT tư vấn xây dựng khung kiến trúc tổng thể đô thị thông minh cho TP; tư vấn xây dựng tiêu chuẩn theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở, xây dựng lộ trình triển khai theo nhu cầu thực tiễn, thực hiện triển khai tích hợp các dịch vụ, hệ thống thông minh vào khung TPTM để từng bước xây dựng đô thị thông minh theo mô hình phát huy sáng tạo của đầy đủ các thành phần tham gia ở TPHCM. 

 TPHCM là trung tâm KHCN của cả nước với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. TP đã triển khai và tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, nên rất mong muốn các doanh nghiệp công nghệ Việt giới thiệu các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng thiết thực trong lĩnh vực này đến chính quyền các cấp phường/xã, quận/huyện và các sở/ngành là để đẩy mạnh cải cách hành chính.
Ông Lê Quốc Cường,
Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM
Ông Hoàng Quốc Trường, Phó Giám đốc VNPT TPHCM, cho biết hiện doanh nghiệp đang có rất nhiều sản phẩm như cổng thông tin điện tử (VNPT-vnPortal), quản lý văn bản và điều hành công việc điện tử (VNPT-iOffice), hệ thống một cửa điện tử (VNPT-iGate)… sẵn sàng phục vụ cho TPTM.
Các sản phẩm này hiện được thị trường đón nhận rất tốt và đã hỗ trợ rất nhiều cho các sở, ban, ngành trên địa bàn TP, tạo thành quy trình khép kín trong giao dịch điện tử, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích và chất lượng dịch vụ tối đa.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Trọng, Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) TPHCM, Viettel đang đề xuất với TP những giải pháp về các trung tâm điều hành an ninh, trung tâm điều hành giao thông, cũng như các giải pháp về vé điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh của TP. Các sản phẩm này cơ bản đã được thử nghiệm ở hầu khắp các sở, ngành như: y tế, giáo dục, giao thông; các trung tâm của một số quận theo chủ trương của TP và đã cho kết quả rất tốt.
“Tất cả sản phẩm của Viettel trị giá đầu tư không lớn, vì đó là các giải pháp dựa trên các nền tảng do chúng tôi phát triển và cho TP thuê, không phải là bán trọn gói một sản phẩm. Về an ninh bảo mật, Viettel là đơn vị quân đội, nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn được đặt lên hàng đầu, vì thế mọi sản phẩm của Viettel chắc chắn được bảo mật tốt” - ông Trọng khẳng định.

Không chỉ có các tập đoàn lớn mới có các sản phẩm, giải pháp tốt cho TPTM, Công ty Điện tử Cây Tre Việt (VENR) cũng sở hữu các sản phẩm cả phần cứng lẫn phần mềm mang thương hiệu VENR, do chính các kỹ sư của VENR nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Các sản phẩm phần cứng là các máy tính, tivi; màn hình tương tác thông minh từ các thiết bị máy tính, tivi… đến các phần mềm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hành chính của cấp chính quyền.
Các sản phẩm phần mềm nổi bật phải kể đến như giải pháp an ninh trật tự và giao thông trong TPTM (ITS); phần mềm họp trực tuyến (V-Meeting); nền tảng mở (iCloud Open Platform) hỗ trợ tích hợp, hướng đến nền công nghiệp 4.0; phần mềm số hóa hồ sơ trong xây dựng chính phủ điện tử (E-Office); phần mềm quản trị bệnh viện và phòng khám (G-HMS)…

Ảnh minh họa: LONG THANH 


2018 xây dựng trung tâm dữ liệu

Nói về quyết tâm xây dựng thành công TPTM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết với một đô thị có quy mô lớn, dân số đông, TPHCM phải đối mặt rất nhiều khó khăn thách thức trải dài trên nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, môi trường, cho đến các vấn đề xã hội mà mọi thứ đều liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, việc sử dụng các giải pháp về công nghệ của đô thị thông minh sẽ giúp lãnh đạo chính quyền TP ra các quyết định đúng, hiệu quả và kịp thời để đáp ứng các nhu cầu người dân và doanh nghiệp, chủ động đối phó với các tình huống cấp bách một cách khoa học.
Theo đó, TP xác định việc xây dựng TPTM sẽ không có điểm giới hạn, vì công nghệ luôn luôn phát triển, cần phải thay đổi kịp thời nên sẽ liên tục cập nhật bổ sung thêm các mục tiêu để tạo ra một TP có chất lượng sống ngày càng tốt hơn. Trước mắt, năm 2018 TP sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung với nền tảng mở để doanh nghiệp phát triển các giải pháp, ứng dụng cho TPTM và người dân có thể truy cập vào đây để khai thác các dữ liệu phục vụ cho công việc. 

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng TP đang tập trung xây dựng TPTM, đây là một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia, vì vậy TP mong muốn đón nhận các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng do chính người Việt Nam chế tạo, sản xuất.
“Chúng tôi xin khẳng định, TP rất cần doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này tham gia để giúp có những giải pháp lựa chọn xây dựng TPTM, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP. Do đó, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trong quá trình hợp tác, chính quyền TP luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp về chính sách của doanh nghiệp và sẵn sàng đặt hàng các sản phẩm ứng dụng thiết thực của doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu này” - ông Tuyến khẳng định.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã chính thức đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ như FPT Software, CMC SI Saigon, MISA, Global CyberSoft, HPT… tìm giải pháp thông minh giải quyết ô nhiễm, ngập nước, nông sản sạch, quản lý hệ thống bằng CNTT… nhằm cải tạo 3 chợ đầu mối (Bình Ðiền, Thủ Ðức, Hóc Môn) trở thành điểm đến cho các tour du lịch.

Các tin khác