Khu đô thị sáng tạo phía Đông

(ĐTTCO) - Đảng bộ TPHCM khóa X (2015-2020) xác định nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong nâng cao chất lượng, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh; phát triển nhanh dịch vụ hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao… Việc hình thành khu đô thị sáng tạo (KĐTST) Đông TP nhằm thực hiện định hướng này. 

Khu đô thị sáng tạo phía Đông
Những nền tảng ban đầu
TPHCM định hướng việc hình thành KĐTST nằm ở cửa ngõ TP  bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần. Cụ thể, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường đại học lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên, sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ở quận 2 có KĐT mới Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế. Với quận 9 có khu CNC thành công nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại khu vực này đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái… 
 Với bộ khung định hình không gian phát triển đô thị bằng các KĐT mới, TP đã đạt được ngưỡng phát triển về “lượng”. Và việc liên kết và nâng tầm một số KĐT mới thành KĐTST Đông đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới về “chất”. Vì thế, KĐTST Đông chắc chắn trở thành hạt nhân thực hiện cuộc CMCN 4.0 của TPHCM.
Ông NGUYỄN THANH NHÃ
Giám đốc Sở QH-KT TPHCM
Hình thành KĐTST Đông chính là kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng CNC, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả.
Hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp CNC, nông nghiệp CNC, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ. KĐTST Đông sẽ trở thành lõi trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo mở ta cơ hội phát triển. 
ĐTST TPHCM sẽ phát triển theo hướng mở đúng nghĩa về tư duy và mô hình thử nghiệm triển khai chú trọng các chức năng Giáo dục - Nghiên cứu - Kinh tế - Quốc tế. Là khu vực đào tạo chấn hưng nền giáo dục trong tất cả lĩnh vực tiên phong về khoa học kỹ thuật, kinh tế, y tế, được phát triển song song với quá trình nghiên cứu trình độ cao.
Phương pháp về giáo dục đào tạo nghiên cứu phải liên kết theo hướng quốc tế, tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Tiếp đó, là khu vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên sâu, chiến lược. Theo đó, sẽ có những trung tâm nghiên cứu mô hình thử nghiệm tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh thế hệ mới và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu.

5 ưu điểm nổi bật
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, khi triển khai ĐTST, TPHCM có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, là TP lớn nhất nước hiện có khoảng 10 triệu dân, mỗi năm có “TP nhỏ” được sinh ra. nếu không phát triển TP theo hướng đô thị thông minh (ĐTTM) sẽ không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.
Thứ hai, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TP gặp “vấn đề” về kinh tế cả nước bị ảnh hưởng theo.
Thứ ba, TP có lực lượng lao động chất lượng cao, tỷ lệ người lao động có bằng đại học cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước.
Thứ tư, năng suất lao động của TP cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc.
Cuối cùng, TP có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế. 
Từ những ưu điểm, thế mạnh trên, năm 2017 đề án xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM đã được TP triển khai, với 4 mục tiêu chính, là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân TP và người dân nhận được chất lượng tốt từ chính quyền. Sau khi thực hiện đề án này được 1 năm, TP có sự điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng ĐTST cần có hạt nhân bên trong TP và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho triển khai cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại TPHCM.
Điều này nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ… 
Theo nhiều chuyên gia, phạm vi nghiên cứu quy hoạch phải đặt quy hoạch phân khu 1/5.000 KĐTST Đông TP trong mối tương quan quốc tế - Việt Nam và  diện tích vùng TPHCM, xem xét đề xuất liên kết tương tác các khu vực chức năng đặc trưng vùng TPHCM lấy KĐTST Đông làm tâm bán kính phục vụ.
Là khu vực lõi trung tâm phát triển của TP và vùng TPHCM theo hướng ĐTST mở, chấn hưng nền giáo dục nghiên cứu trình độ cao, thúc đẩy mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế. Nơi đây là khu vực nghiên cứu chiến lược đặc biệt dành cho những mô hình thử nghiệm nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh, thế hệ mới và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu.
Trong quy hoạch phải xác định đây là khu vực đáng sống, đáp ứng các chức năng ĐTST, nhằm thu hút tầng lớp trí thức nghiên cứu trình độ cao, doanh nhân thành đạt, người dân ưu tú và bạn bè quốc tế. Để hình thành KĐTST Đông với quy mô và tầm vóc hàng đầu như vậy, TPHCM cần có sự học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.

Các tin khác