Kỳ vọng đội ngũ tham mưu kiến tạo

(ĐTTCO) - Ngày 28-7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định  thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. 
Tổ tư vấn gồm 15 thành viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế, các chuyên gia đầu ngành... với nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ kiến tạo phát triển… ĐTTC ghi nhận một số ý kiến về việc này.



Kỳ vọng đội ngũ tham mưu kiến tạo ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các chuyên gia tại Hội nghị Bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam”.  
Ông VŨ VIẾT NGOẠN, Tổ trưởng Tổ tư vấn:

Tư vấn dựa trên thực chứng

Khác với các cơ quan có chức năng tham mưu chính sách theo luật định, tất cả đề xuất, kiến giải của Tổ tư vấn, bao gồm nhận diện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đều phải dựa trên thực chứng, có hàm lượng khoa học. Thí dụ hiện nay doanh nghiệp (DN) đang khó khăn, tổ phải kiến nghị rõ khó khăn gì, nguyên nhân ở đâu, còn tư vấn chung chung phải tháo gỡ khó khăn cho DN thì vô nghĩa.

Về những vấn đề dài hạn, tổ sẽ có chương trình để các chuyên gia chủ động nghiên cứu, từ đó hình thành các báo cáo chuyên đề. Các kiến nghị phải dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm quốc tế, đặc điểm văn hóa và ứng xử của thị trường tại Việt Nam…
Thí dụ, một chủ đề tổ dự kiến nghiên cứu là làm thế nào để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác. Chúng tôi cũng dự kiến tập trung vào các nội dung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương đã có nhưng tổ phải nghiên cứu sâu, cụ thể và chi tiết hơn, như làm thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau. Ngoài các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, tổ cũng sẽ quan tâm nội dung ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các điểm nghẽn để đảm bảo ổn định tài chính.

Theo đó, chúng tôi dự kiến tập trung vào 4 lĩnh vực gồm kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, hội nhập và kinh tế tài chính. Tổ có các chuyên gia đã từng tham gia hoạch định chính sách, kể cả lập pháp và hành pháp, như ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Một số thành viên khác có kinh nghiệm từ DN hay quản lý DN. Như vậy các đề xuất chính sách của tổ không chỉ thuần túy dựa trên cơ sở khoa học mà còn được xem xét trên cơ sở thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, tổ có các chuyên gia đang công tác ở nước ngoài, cho nước ngoài như GS.TS Trần Văn Thọ, PGS.TS Vũ Minh Khương, PGS.TS Trần Ngọc Anh, TS. Vũ Thành Tự Anh… Thông qua các chuyên gia này, tổ có điều kiện kết nối thêm các nhà khoa học quốc tế, tranh thủ thêm kiến thức, kinh nghiệm, sự hỗ trợ của các viện, trung tâm, nghiên cứu quốc tế. 
 Ông NGUYỄN TRÍ HIẾUchuyên gia tài chính - ngân hàng:

Tính phản biện cao, thuyết phục

 Tổ tư vấn của Thủ tướng có nhiều nhà nghiên cứu, còn lại là người đã từng làm chính sách. Những nhà nghiên cứu có cái nhìn khoa học hơn, còn những người từng làm chính sách mạnh về mặt thực tiễn. Sự kết hợp này cũng được coi rất tốt. Có lẽ điều nhiều người dân mong đợi là tổ tư vấn phải có tính phản biện cao, thuyết phục đối với các chính sách của Chính phủ.
Là người quan tâm đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, điều tôi mong muốn là chính sách tài khóa và tiền tệ độc lập với nhau sẽ tương tác mạnh mẽ hơn. Mỗi quốc gia đều có 2 mục tiêu lớn nhất là tăng trưởng kinh tế và ổn định đồng tiền. Nếu Ngân hàng Nhà nước độc lập thì không cần thiết lúc nào cũng phải theo định hướng nhu cầu của chính sách tài khóa.

Với sự đa dạng trong thành phần tổ tư vấn, tôi hy vọng, các chuyên gia của tổ sẽ có những ý kiến sắc sảo đóng góp cho sự phát triển kinh tế và hy vọng họ sẽ có tiếng nói quan trọng. Điều tôi mong muốn là nền kinh tế sẽ có tăng trưởng bền vững trong dài hạn, lạm phát thấp và chi tiêu công sẽ hợp lý hơn.
 PHẠM NGỌC THỦY, Phó Tổng Thư ký VPSF:

Tầm, tâm và khoa học

 Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng với 15 chuyên gia trong và ngoài nước được đánh giá đa dạng về các lĩnh vực kinh tế, trong đó có những lĩnh vực gắn bó với các xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới, như kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) rất quan tâm, kỳ vọng vì đây là những chuyên gia giỏi được Thủ tướng trao quyền và trao cơ chế để tham mưu Thủ tướng về những chiến lược kinh tế vĩ mô, xây dựng; gợi ý cho Thủ tướng những chương trình, kế hoạch hiệu quả nhằm phát triển kinh tế đất nước; gợi ý các giải pháp lớn để tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong môi trường đầu tư, kinh doanh…

Tại VPSF lần 2 diễn ra cuối tháng 7, có đến 65% trong tổng số gần 1.000 DN có mặt chọn tiêu chí “hành động” của Chính phủ. Nghĩa là DN mong muốn Chính phủ nói đi đôi với làm. Làm là làm quyết liệt, hiệu quả. Kỳ vọng này xuất phát từ việc trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, doanh nghiệp được nghe và nắm bắt các chủ trương cải cách và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thông qua nhiều cuộc đối thoại. Tuy nhiên, trên thực tiễn sự chuyển dịch chưa như mong muốn, thậm chí vẫn còn không ít hành động của các cấp chính quyền đi ngược với chủ trương, đường lối chỉ đạo nói trên. 

Từ các tồn tại, hạn chế của nền kinh tế hiện nay, điều DN kỳ vọng với Tổ tư vấn kinh tế có thể nói gọn trong mấy chữ: Có tầm, có tâm và thực tiễn - khoa học. Trong đó, có tầm là để tư vấn chiến lược và trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên trước sau hợp lý, xác đáng cho Thủ tướng về phát triển nền kinh tế/các ngành kinh tế/các thành phần kinh tế để giải quyết các vấn đề yếu kém nội tại.
Có tâm để tư vấn cho Thủ tướng một cách khách quan nhất, vì mục tiêu chung phát triển kinh tế đất nước, phát triển doanh nghiệp Việt Nam, không bị ảnh hưởng hay chi phối vì quan niệm hẹp gắn với một lợi ích cụ thể nào.
Cuối cùng, thực tiễn - khoa học là để nói về kỳ vọng các chuyên gia sẽ gắn bó mật thiết giữa nội dung tư vấn với các vấn đề thực tiễn, tham vấn thường xuyên doanh nghiệp để hiểu thực tiễn một cách sâu sắc trước khi định hình các tham mưu, đồng thời phải vận dụng khoa học quản lý, kinh tế để chuyển đổi vấn đề cụ thể trong thực tiễn thành các cơ chế, chính sách chiến lược.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:

Cần có tiếng nói quan trọng 

 Tổ tư vấn nếu làm theo cách cũ, tham gia ý kiến vào văn bản này, văn bản kia cũng tốt nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ tổ tư vấn muốn có vai trò thực sự, có dấu ấn tương lai đất nước phải có cách làm tạo sức thuyết phục Thủ tướng, các cấp cao thay đổi nền tảng, bản chất mô hình kinh doanh bây giờ, như đất đai, kiểu như cải cách lần 2.
Còn xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý cũng chỉ là một bước đi cần thiết trong công cuộc cải cách. Thí dụ, làm luật về đặc khu kinh tế chúng ta sẽ thấy hàng loạt vấn đề vướng mắc ngay về HĐND, thuê đất tại sao chỉ 50 năm… 

Để xử lý được các vấn đề quan trọng của đất nước phải làm tận gốc, muốn vậy tiếng nói của Tổ tư vấn là rất quan trọng.

Các tin khác