Liên kết để bám trụ, phát triển

(ĐTTCO) -Chuyên gia kinh tế VŨ VINH PHÚ, cho rằng các DN cần đẩy mạnh cả liên kết ngang (giữa các thương hiệu trong nước) và liên kết dọc (giữa các DN bán lẻ với khâu cung ứng, sản xuất) để tăng sức cạnh tranh.
 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhìn vào hệ thống bán lẻ hiện đại, nhà đầu tư nước ngoài đang lấn át DN bán lẻ trong nước thế nào?

DN bán lẻ trong nước cần liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chụp giật, kinh doanh phải vì lợi ích của xã hội và người tiêu dùng. Cần chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của DN bán lẻ nước ngoài để tự hoàn thiện mình.
Ông VŨ VINH PHÚ: - Theo số liệu của Bộ Công Thương, 60-70% cửa hàng tự chọn là của nước ngoài, còn hệ thống siêu thị các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 30%. Nhưng theo tôi hệ thống siêu thị và các TTTM họ đã chiếm tới 50%.
Đến nay các nhà đầu tư Thái Lan đã sở hữu hệ thống siêu thị Big C, Metro, Nguyễn Kim. Hơn nữa 1 siêu thị của nhà đầu tư ngoại có doanh số bán hàng gấp 10 lần 1 siêu thị nội địa. Tuy trong 700 điểm siêu thị hiện nay, chỉ có 100 điểm của nước ngoài nhưng doanh số họ bán gấp nhiều lần một siêu thị trong nước. 

Sự xâm lấn này thể hiện sự vượt trội về quản trị bán hàng, chất lượng phục vụ, về giá bán… Các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh chuỗi thu mua, phân phối toàn cầu. Thí dụ, 7-Eleven, K-Mart, Circle K… không chỉ có ở Việt Nam, nên họ có thể lãi ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nhưng lỗ ở Việt Nam là bình thường.
Có thể nói sức ép nhà đầu tư ngoại tạo ra rất lớn nhưng sự chuyển biến DN trong nước lại quá chậm. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường bán lẻ cũng kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm của nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

- Vậy DN bán lẻ trong nước cần làm gì để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài có sự vượt trội về kênh phân phối, về vốn, về kỹ năng quản trị bán hàng?

- Để DN bán lẻ trong nước cạnh tranh được với các nhà bán lẻ nước ngoài cần đề cập đến 3 lĩnh vực. Thứ nhất, ở góc độ vĩ mô phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phải xây dựng các luật liên quan đến bán lẻ, rồi vấn đề tạo nền sản xuất tốt phục vụ cho bán lẻ.
Bản thân DN bán lẻ trong nước phải vươn lên, phải xây dựng thương hiệu, làm ăn tử tế, phải phát triển chuỗi và chia sẻ với nhà cung ứng sản phẩm. Với người tiêu dùng cần công bằng trong mua bán, ngay cả khi phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt. Những sản phẩm Việt Nam tốt ta phải ủng hộ, ưu tiên dùng, sản phẩm không tốt cần được loại bỏ.

Hiện nay lĩnh vực thực phẩm có dư địa thị trường lớn, và dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước đều muốn nhảy vào. Nhưng việc kinh doanh thực phẩm cần gắn với chuỗi sản xuất cung ứng. Những ngày gần đây rộ lên việc dùng điện thoại để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Điều này cần nhưng chưa đủ, truy xuất nguồn gốc là cần thiết nhưng với điều kiện quy trình sản xuất, chăn nuôi phải tạo ra thực phẩm sạch. Ở đây cần bàn tay Nhà nước trong việc tổ chức sản xuất sạch, vì sản xuất là cái gốc. Còn nếu chỉ tập trung vào khâu bán lẻ thì chưa đúng, vì nó chỉ là khâu bảo quản.

- Ông vừa đề cập đến chuỗi sản xuất, cung ứng, và phân phối để nâng cao sự cạnh tranh các DN bán lẻ. Vậy phải xây dựng chuỗi này thế nào cho phù hợp với điều kiện Việt Nam?

- Chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối cũng phải được định hình phù hợp, bởi các siêu thị hiện nay đang bán khoảng 40.000 mặt hàng, nếu mỗi mặt hàng cần 1 chuỗi sẽ không biết bao nhiêu cho đủ. Cần hình thành các chuỗi tổng hợp như chuỗi các mặt hàng thịt gồm nhiều loại thịt.
Ở các nước đầu mối cung cấp hàng hóa cho bán lẻ rất ít, chẳng hạn thịt bò tại Pháp chỉ có 4 nhà cung ứng trên cả nước. Muốn hình thành chuỗi phải tổ chức sản xuất lại theo quy mô lớn. Với bối cảnh hiện nay chỉ nên tổ chức sản xuất vài chuỗi như chuỗi sản xuất cung ứng thịt lợn phục vụ số đông người tiêu dùng, chuỗi rau, chuỗi hoa quả, chuỗi gạo và chuỗi sữa.
Trong thời gian tới cần tập trung làm được 5 chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối này. Hơn nữa, các chuỗi này phải có kho dự trữ giúp bảo quản sản phẩm cho người nông dân, như vậy mới bảo quản hàng hóa được.

Bên cạnh đó phải có luật về phân phối bán lẻ. Ở Thái Lan có luật về mía đường, theo đó người trồng mía, người sản xuất đường được hưởng 70% lợi nhuận, còn lại kênh phân phối chỉ 30%. Nhưng với nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam hiện nay lại ngược lại, nhà bán lẻ hưởng 70% lợi nhuận, người sản xuất chỉ được hưởng 30%, như vậy nhà sản xuất rất khó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay phân phối quyết định sản xuất, trong khi chúng ta không làm quy hoạch tốt, người dân không được cung cấp thông tin thị trường, sẽ lặp lại điệp khúc trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng. Vấn đề tổ chức thị trường là của các bộ, ngành. Sinh ra bộ, ngành không phải để tăng cái này, giảm cái kia, mà phải tổ chức thị trường, qua đó tổ chức sản xuất cho phù hợp.

- Ông đánh giá thế nào về sự liên kết giữa các nhà phân phối trong nước hiện nay?

- Hiện nay liên kết giữa các nhà bán lẻ Việt Nam rất rời rạc. Có hình ảnh 10 siêu thị Việt Nam cử 10 cán bộ đi mua dầu ăn của hãng Neptune về phân phối, bán lẻ. Vậy tại sao họ không liên kết lại để mua cả lô lớn để đàm phán với nhà sản xuất nhập dầu ăn về với giá rẻ hơn để cùng phân phối.
Hệ thống siêu thị của ta là việc của ai người ấy biết, mạnh ai nấy làm nên không tạo ra sức mạnh cùng chiều. Thực tế này dẫn đến việc các siêu thị khác nhau cùng bán 1 can dầu ăn 5 lít của 1 hãng nhưng giá lại chênh nhau cả mấy chục ngàn đồng.
Cũng cần nêu thực trạng là các hóa đơn bán hàng ở siêu thị trong nước (ngoại trừ Metro) không có giá trị pháp lý, vì vậy hệ thống siêu thị cũng dễ dàng lách luật, lách thuế. Vì thế các siêu thị không muốn cộng tác với nhau do chính các hoạt động kinh tế ngầm của họ. 

Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài là những chuỗi thu mua, phân phối toàn cầu nên Big C và Metro không cộng tác với nhau, nhưng họ vẫn có một mạng lưới rất lớn về sản xuất, phân phối. Hay hệ thống siêu thị Metro cũng lập ra các trung tâm thu mua nông thủy sản Việt Nam tại các vùng để xuất khẩu, không đơn thuần chỉ là bán buôn, bán lẻ. Đã đến lúc cần đánh giá đúng mức vai trò của ngành bán lẻ trong nước, vì đây là ngành chi phối sản xuất. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác