Năng suất lao động dần cải thiện

(ĐTTCO) - Tháng 2-2013, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. 
Năng suất lao động dần cải thiện
Mục tiêu chính của đề án là phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả theo cơ chế thị trường; ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; từ đó dần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả, tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam dần được cải thiện và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đặc biệt giai đoạn 2014-2016 đạt bình quân 5,5%/năm.
NSLĐ giữa các thành phần kinh tế
Giữa các thành phần kinh tế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn có NSLĐ cao nhất so với khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Yếu tố chính dẫn tới kết quả chênh lệch này do khu vực FDI tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, trong khi khu vực nội địa lao động vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức, những ngành có NSLĐ rất thấp. 
 Dù vẫn đóng góp khoảng 1/3 vào tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, nhưng phần đóng góp này của khu vực FDI chủ yếu đến từ thu hút lao động (theo số lượng), phần đóng góp từ tăng trưởng của chính khu vực này hiện vẫn rất nhỏ và đóng góp không đáng kể vào tốc độ tăng trưởng NSLĐ xã hội chung của nền kinh tế.
Sự khác biệt về lĩnh vực đầu tư, quy mô vốn đầu tư, quy mô lao động dẫn tới NSLĐ bình quân của khu vực FDI cao hơn gấp nhiều lần so với lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối giữa khu vực FDI và ngoài nhà nước dần được thu hẹp, từ mức 10,2 lần năm 2005 xuống 7,8 lần năm 2015.
Tương tự, khoảng cách giữa khu vực FDI và khu vực nhà nước giảm từ 1,9 lần xuống còn 1,4 lần trong giai đoạn này. Điều đó cho thấy khu vực kinh tế trong nước cũng có những bước tiến đáng kể về NSLĐ tuyệt đối. Sự gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động và sự dịch chuyển mạnh mẽ của lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp có đóng góp quan trọng tới kết quả này.
Khu vực kinh tế trong nước dù có NSLĐ thấp hơn nhiều so với khu vực FDI nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao hơn rất nhiều (hơn 2 lần). Điều đó cho thấy khu vực FDI đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng NSLĐ chung của nền kinh tế. Hay nói cách khác, khu vực FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu gia tăng đóng góp về mặt số lượng, nhưng đóng góp về mặt chất lượng hiện vẫn còn thấp.
Việc chủ yếu tập trung vào gia công lắp ráp, ít sử dụng kỹ năng và sáng tạo trong hoạt động sản xuất có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng NSLĐ của khu vực FDI tăng thấp.

NSLĐ của FDI chủ yếu từ thu hút lao động
Kết quả tính toán số liệu giai đoạn 2006-2016, cho thấy đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ bình quân hàng năm của khu vực ngoài nhà nước cao nhất (46,6%), khu vực FDI đứng thứ 2 (29,3%) và thấp nhất là khu vực nhà nước (24%). Dù tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực FDI chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động cả nước, nhưng kết quả đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng NSLĐ khá cao.
Trước giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu (2008) và Việt Nam gia nhập WTO (2007), vai trò của khu vực FDI đối với tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế giữ vai trò cao nhất (đóng góp 42,1% năm 2006 và 38,4% năm 2007) trong khi khu vực ngoài nhà nước chỉ chiếm 29,2% và 36,2%; khu vực nhà nước đóng góp 28,7% và 25,4% giai đoạn này.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vai trò của khu vực FDI đối với tăng trưởng NSLĐ có sự sụt giảm mạnh và chỉ giữ vai trò thứ yếu (thậm chí năm 2009 chỉ đóng góp 13,6%). Khi nền kinh tế thế giới phục hồi, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng NSLĐ dần cải thiện và đạt 31% năm 2016. Xu hướng này đóng góp vào NSLĐ cũng tương tự đối với khu vực nhà nước giai đoạn này.
Trong giai đoạn trên, khu vực ngoài nhà nước lại có vai trò quan trọng nhất đối với tăng trưởng NSLĐ (đóng góp tới 70,3% năm 2009). Tuy nhiên, kết quả này lại cho thấy năng lực hội nhập của khu vực ngoài nhà nước với thị trường thế giới còn chậm, năng lực liên kết của khu vực này với khu vực FDI còn nhiều yếu kém và hạn chế.
Liên kết giữa khu vực nội địa và khu vực FDI giai đoạn 2009-2013 trong ngành công nghiệp chế biến vẫn rất thấp, bình quân chỉ 15-20% được cung cấp từ các doanh nghiệp nội địa và ngược lại. Trong khi đó, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI của Indonesia ngay từ giai đoạn 2000-2008 đã cao hơn rất nhiều (35-42%) .
Phân tích đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ từ dịch chuyển lao động và năng lực của từng khu vực, cho thấy đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ của khu vực FDI phần lớn do đóng góp từ dịch chuyển lao động (chiếm tới 64% bình quân năm, giai đoạn 2006-2016), còn đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ do năng lực của chính khu vực này chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều (36%).
Hay nói cách khác, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng NSLĐ chủ yếu do thu hút lao động từ những khu vực có mức lao động tuyệt đối thấp sang làm việc hơn là đóng góp từ việc cải thiện năng lực sản xuất của chính khu vực FDI.
Tóm lại, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách tái cơ cầu nền kinh tế. Kết quả, tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam sau tái cơ cấu có nhiều cải thiện và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. So sánh NSLĐ giữa các thành phần kinh tế, khu vực FDI luôn có mức NSLĐ tuyệt đối cao nhất so với khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, dù xu hướng này đang dần bị thu hẹp và dấu hiệu cải thiện ngày càng tích cực nhưng khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối vẫn rất lớn.
So sánh về tốc độ tăng trưởng NSLĐ, khu vực FDI lại là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất so với các khu vực kinh tế trong nước. Điều đó cho thấy khu vực FDI đang làm chậm tốc độ tăng trưởng NSLĐ chung của toàn nền kinh tế.
Về đóng góp của các thành phần kinh tế đối với tăng trưởng NSLĐ, vai trò của doanh nghiệp FDI là lớn nhất giai đoạn trước khủng hoảng nhưng đóng góp của khu vực này trong giai đoạn khủng hoảng là thấp nhất, trong khi khu vực ngoài nhà nước giữ vị trí quan trọng nhất, kể cả giai đoạn hậu khủng hoảng cho tới hiện nay. Do thực hiện cổ phần hóa, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước đối với tăng trưởng NSLĐ có xu hưởng giảm nhẹ.

Các tin khác