Ngành đường sắt: Thiếu quan tâm, tầm nhìn ngắn

(ĐTTCO) - Tai nạn tàu hỏa liên tiếp xảy ra gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hạ tầng, thực trạng đầu tư của ngành đường sắt. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng liên tục truy vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể xung quanh vấn đề này.

Hạ tầng đường sắt lạc hậu, máy móc có tuổi thọ quá cao, đã vậy còn chen vào các khu dân cư nên tai nạn đường sắt luôn rình rập.
Hạ tầng đường sắt lạc hậu, máy móc có tuổi thọ quá cao, đã vậy còn chen vào các khu dân cư nên tai nạn đường sắt luôn rình rập.
Tham mưu kém
Theo đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (Đồng Nai), được thừa kế từ năm 1936, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có được một hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở châu Á. Thực trạng ngành đường sắt hiện nay là do nhận thức không đầy đủ. Cách đây 8 năm Quốc hội đã thẩm định và không tán thành việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng vẫn khẳng định cần thiết phải sớm có một đường sắt hoàn thiện, có tốc độ cao để đáp ứng như là một phương tiện xương sống của hệ thống giao thông nước ta.
Nhưng 8 năm qua, cơ sở hạ tầng hầu như dẫm chân tại chỗ. “Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn?” - ông Quốc đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, giao thông đường sắt, đặc biệt đường sắt Bắc - Nam là tuyến đường hết sức quan trọng đối với đất nước. Nếu giải quyết giao thông đường sắt tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều và cũng không cần phải đầu tư nhiều tiền để phát triển hệ thống đường bộ Bắc - Nam như hiện nay.
Cũng theo ông Thể, “ngành giao thông vận tải tham mưu kém”, do đó trong thời gian qua chưa có những giải pháp để hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đường sắt Bắc - Nam hiện nay rất lạc hậu, có những đoạn đường sắt đã hình thành 70-80 năm nhưng vẫn chưa có giải pháp để nâng cấp. 
Không tán thành lý do tham mưu kém của ngành đường sắt, ĐB Dương Trung Quốc bình luận ngành đường sắt dường như bị bỏ rơi và phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra, nhiều hợp đồng… còn đường sắt không những cần vốn lớn mà phải làm tổng thể. Đó là lý do đường sắt ít được quan tâm vì không mang lại lợi ích cho những nhóm lợi ích.
Giải trình thêm, ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận đường sắt đầu tư rất lớn, có những dự án đến tỷ USD và dự án trước đây trình mấy chục tỷ USD, Quốc hội đã rất đắn đo vì kinh phí rất lớn, do đó đề án chưa thông qua. Nếu làm phải làm đường đôi, không thể nào chắp vá, sửa.
Bình luận về việc đường bộ nhiều dự án để chia sẻ lợi ích, theo ông Thể, trên quan điểm là người làm giao thông, bộ rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Tuy nhiên, đường sắt vừa qua phát triển quá lạc hậu, không những vậy, đường biển, đường ven bờ, đường thủy nội địa trong thời gian qua cũng đầu tư chưa đúng mức. Đã đến giai đoạn cần phải thông qua đề án đường sắt. Nếu không có đường sắt Bắc - Nam đây là hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế-xã hội. 
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã đồng ý chủ trương dùng dự phòng của trái phiếu chính phủ trong 5 năm 15.000 tỷ đồng, trong đó có 7.000 tỷ đồng dành cho đường sắt… nhưng cho tới nay việc này còn chậm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Tôi xin nhắc lại có 7.000 tỷ đồng đầu tư trung hạn 5 năm cho đường sắt, rõ ràng đường sắt chúng ta chưa quan tâm…” - bà Ngân nói.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam trình Quốc hội năm 2019
Trước tình trạng tai nạn đường sắt liên tục xảy ra, trong đó có nguyên nhân chính là hạ tầng đường sắt thấp kém, tham mưu, đề xuất còn kém song đầu tư còn hạn chế, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng mấu chốt của vấn đề là suốt thời gian qua đầu tư cho ngành đường sắt chỉ chiếm khoảng 2-3% trong tổng số vốn đầu tư cho ngành giao thông. 
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Thể  cho biết: “Hiện nay đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 2-3% và có những năm 5-7% kinh phí của ngành giao thông, một tỷ lệ rất thấp. Chúng ta đang tự mâu thuẫn mình, nâng cấp đường sắt hiện nay với mức độ nào cho hợp lý. Ngành giao thông đang cố gắng làm sao duy trì đường sắt hiện nay hoạt động đáp ứng yêu cầu và tập trung làm những đường sắt mới hiện đại để hòa nhập với thế giới, trong đó sẽ làm đường đôi để tạo nên vận tải liên tục, đảm bảo đúng yếu tố kỹ thuật.
Do đó, một phần lý do này mà chi phí cho đường sắt trong thời gian vừa qua cũng rất hạn chế. Gần đây một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng chúng ta có tăng tỷ lệ lên. Nếu chúng ta không thông qua được dự án đường sắt tốc độ cao không thể nào giải quyết được bài toán căn cơ cho hệ thống đường sắt Việt Nam”. 
Hiện đường sắt Bắc - Nam có 5.719 đường giao cắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do VRN tổ chức có gác chắn là những đường giao cắt lớn, có nhiều phương tiện tham gia giao thông qua lại. Còn lại, 4.200 đường giao cắt dân sinh, chủ yếu là đường nhỏ và đây chính là khu vực hay bị xảy ra tai nạn đường sắt.
Chính vì vậy, để hạn chế những bất cập hiện hành, trước mắt không để phát sinh thêm các đường giao cắt. Với những đường giao cắt hiện nay, sẽ tăng cường tự động hóa, hoặc đưa ra các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tốt hơn. Về lâu dài, hiện Bộ GT-VT đang chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.
Theo dự kiến của Bộ GT-VT, tháng 6 sẽ cơ bản hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, từ đó trình Chính phủ, Quốc hội vào năm sau. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần làm rõ ngay từ đầu loại tàu chở khách hay chở hàng; nghiên cứu kỹ công nghệ, tiêu chuẩn, điều kiện thiết kế; lựa chọn tốc độ chạy tàu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; phương án suất đầu tư…
 Vấn đề của đường sắt hiện nay là do tầm nhìn của lãnh đạo chỉ nhìn trong nhiệm kỳ của mình. Năm 2010, khi Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không phải Quốc hội không ủng hộ làm đường sắt cao tốc mà vì Quốc hội thấy cần một hệ thống logistics theo dọc đường sắt xuyên suốt đất nước. Vì thế, lúc đó Quốc hội muốn tập trung làm hệ thống đường sắt hiện đại phù hợp với điều kiện đầu tư.
Nhưng đến bây giờ Bộ GT-VT vẫn nói đang chuẩn bị, không biết đến bao giờ mới có được hệ thống đường sắt hiện đại.
Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC,
ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Các tin khác