NNCNC: Hướng đi phù hợp thời đại

(ĐTTCO) - Là nước nông nghiệp nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt ra với Việt Nam. Quy mô canh tác nhỏ lẻ khiến việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất luôn là bài toán khó. Điều này dẫn đến việc khó thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới đã bắt đầu.

(ĐTTCO) - Là nước nông nghiệp nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt ra với Việt Nam. Quy mô canh tác nhỏ lẻ khiến việc đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất luôn là bài toán khó. Điều này dẫn đến việc khó thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới đã bắt đầu.

Cơ hội và xu thế mới 

Mô hình NNCNC sẽ mang lại lợi nhuận cao, hiệu quả kinh tế thiết thực cho các DN đầu tư, đang dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp Việt Nam. Vì thế hiện nay cuộc cách mạng ứng dụng NNCNC trong sản xuất nông sản, thực phẩm là sự bức thiết thế giới đang yêu cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch CLB NNCNC

Đầu tư vào lĩnh vực NNCNC thông qua Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp (VinEco) từ tháng 3-2015, Tập đoàn Vingroup là một trong số nhiều DN lớn của Việt Nam chuyển hướng đầu tư của mình vào nông nghiệp. Đến nay VinEco đầu tư tổng số vốn lên tới 4.000 tỷ đồng vào lĩnh vực này và quy mô 1.000 nhân sự. Đầu tháng này, khu nhà kính số 1 của dự án nông nghiệp ứng dụng CNC VinEco Hà Nam do Vingroup làm chủ đầu tư đã được khởi động.

Dự án này là 1 trong 14 nông trường của VinEco đang triển khai trong cả nước, có diện tích 180ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 128ha, khu nhà kính Israel CNC 5ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở, triển khai sản xuất trên tất cả phần diện tích.

Trong đó, nhà kính số 1 có diện tích 8.300m2, được hoàn thiện trong thời gian 2 tháng. Nhà kính sử dụng công nghệ nhà màng, tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động Israel; công nghệ cơ khí, cơ giới hóa, tự động hóa. Các hệ thống giám sát các thông số môi trường đất, nước, không khí và sinh trưởng cây trồng cũng theo công nghệ của Israel. Khi đi vào hoạt động, nhà kính số 1 VinEco Hà Nam sẽ đạt năng suất trung bình khoảng 150 tấn/năm cho nhóm rau ăn lá.

 Một DN đi ngang từ lĩnh vực đầu tư tài chính sang nông nghiệp gây chú ý khác là CTCP Tập đoàn PAN (PAN). Nhiều DN nông nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã xác lập được vị thế, thương hiệu vững chắc được công ty này rót vốn đầu tư, như CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT)… Đến nay, cơ cấu danh mục sản phẩm nông nghiệp của PAN gồm giống lúa, giống ngô, rau quả, gạo mang thương hiệu PAN và hoa cúc Nhật Bản… được đầu tư dựa trên các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Trong đó có những sản phẩm được nhiều người sử dụng đánh giá cao như thương hiệu gạo Ban Mai hay Hoa Cúc được người tiêu dùng Nhật Bản ghi nhận. Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi lớn khác như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, TH True Milk… cũng tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cho thấy cơ hội trong lĩnh vực này vẫn hấp dẫn nhà đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra tại TPHCM vừa qua, nhiều nhiều DN lớn như CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco); Công ty Ô tô Trường Hải đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô đầu tư lớn, bài bản, chuyên nghiệp và ứng dụng CNC.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), NNCNC được xác định là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Những tiêu chí để xác định DN CNC nói chung được xác định cụ thể như tổng chi bình quân của DN trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu; doanh thu bình quân của DN trong 3 năm liền từ sản phẩm CNC phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 70% trở lên; áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam…

Vốn và cơ chế ưu đãi 

Để hỗ trợ vốn cho DN đầu tư NNCNC, Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Cụ thể, Nhà nước công bố công khai các thông tin về nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có thể dành cho phát triển nông nghiệp, danh mục các lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Từ đó, DN có thể chủ động nắm bắt thông tin và tiếp cận 2 nguồn vốn này.

TS. Hoàng Thanh Tùng, Trường Đại học Lao động - Xã hội

Tại kết luận về xây dựng nền NNCNC của Việt Nam được ban hành tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu NNCNC ở tất cả địa phương trên cả nước, không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan trình Chính phủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để áp dụng cho khu tổ hợp NNCNC; xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, danh mục CNC trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích…

Tại buổi lễ nhấn nút khởi động sản xuất NNCNC tại tỉnh Hà Nam đầu tháng 2 vừa qua, nhấn mạnh việc phải có vốn cho NNCNC, Thủ tướng yêu cầu phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư NNCNC từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vận động các NH có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để triển khai chương trình này.

 Thực tế, gói tín dụng cho NNCNC là điều DN và hộ nông dân đang chờ đợi. Tuy nhiên để triển khai được gói tín dụng này có rất nhiều vấn đề cần giải quyết quyết như nguồn ở đâu để giải ngân, tiêu chuẩn đối tượng tham gia nhận hỗ trợ như thế nào. Do đó, cần có thêm giải pháp khác phù hợp hơn. Đó là đưa ra các chính sách để định hướng nguồn lực, không tập trung huy động nguồn lực sau đó mới phân bổ nguồn lực.

Thí dụ, có thể triển khai ngay việc miễn giảm thuế cho các thành phần đầu tư vào nông nghiệp. Nếu thực hiện, trước mắt sẽ không tốn nguồn lực để hỗ trợ khi chưa biết chắc tính khả thi của dự án. Và khi các thành phần tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được miễn giảm thuế, các phương án kinh doanh sẽ hiệu quả hơn, qua đó sẽ dễ dàng tiếp xúc với các tổ chức tín dụng để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc vay vốn.

Ngoài ra cần tạo sự công bằng cho mọi đối tượng tham gia vào lĩnh vực này. Theo đó, các đối tượng muốn được hưởng lợi cần nỗ lực kinh doanh hiệu quả, thay vì phải phụ thuộc vào sự phê chuẩn cấp phát của một cơ quan theo cơ chế xin-cho.

Hiện nay dù có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước trong thu hút đầu tư nông nghiệp, nhưng thực tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Nhiều DN không được tiếp cận vốn vay nếu không có tài sản thế chấp và dù có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo để tiếp cận vốn NH, trong khi lãi suất theo thị trường khiến nhiều DN e ngại khi tiếp cận và vay vốn.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tìm hiểu hoạt động sản xuất của DN tại Khu NNCNC. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tìm hiểu hoạt động
sản xuất của DN tại Khu NNCNC. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giải bài toán hạn điền

Vai trò của DN trong phát triển nền NNCNC rất quan trọng. Nhưng để áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp phải xử lý được vấn đề hạn điền để tạo thuận lợi cho người dân, DN tích tụ ruộng đất. Bởi, chỉ có tích tụ ruộng đất DN mới có điều kiện để đầu tư máy móc, khoa học công nghệ trong sản xuất. Tuy nhiên, theo Điều 129, 130 Luật Đất đai năm 2013 quy định giới hạn hạn điền, đối với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2ha; đối với toàn bộ các vùng, trừ Đông Nam bộ 3ha.

Theo các chuyên gia, Khoản 1, Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất. Như vậy chỉ thấp hơn hoặc bằng 20ha. Trong khi, ở những nơi như Hải Phòng, có nông dân tích tụ đến 40ha đất nông nghiệp, hay có DN đầu tư sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng trăm ha. Hạn mức giao đất nông nghiệp quá thấp so với thực tiễn khiến người dân, DN không thể áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tạo ra sản lượng sản phẩm đủ lớn cung cấp ổn định cho thị trường.

TS. Nguyễn Quốc Ngữ, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp cần đổi mới chính sách để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Đó là bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và kèm theo đó là bỏ thuế sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức giao đất; tạo điều kiện cho DN nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn và thuê đất sản xuất kinh doanh nông nghiệp, thông qua việc cho phép DN tư nhân trong và ngoài nước được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, xây dựng hướng dẫn việc góp vốn bằng đất của hộ nông dân với DN nhằm đảm bảo lợi ích 2 bên…

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương; yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền; tạo điều kiện hỗ trợ như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng… Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ đồng hành với DN, tạo điều kiện cho DN cũng như hợp tác xã làm NNCNC và bảo vệ quyền lợi chính đáng các thương hiệu nông sản Việt Nam.

Các tin khác