Nông dân phải nắm bắt 4.0

(ĐTTCO) - Sự hội tụ của nhiều công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tiêu dùng. Sự thay đổi này có thể mang tính đột phá và trở thành thách thức thực sự trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thiếu hoạch định cũng như giải pháp thị trường, nông dân phải đầu tư tự phát, nên lâu nay cứ vào vòng luẩn quẩn chặt-trồng-chặt.
Thiếu hoạch định cũng như giải pháp thị trường, nông dân phải đầu tư tự phát, nên lâu nay cứ vào vòng luẩn quẩn chặt-trồng-chặt.
Vận hành Chính phủ phải theo công nghệ
Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đang hỗ trợ sáng kiến cho phép người nông dân sử dụng điện thoại thông minh, kết hợp với một thiết bị cảm biến tự động trên thửa ruộng của mình, để theo dõi mực nước trên đồng lúa. Tức khi mực nước xuống thấp, nông dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để kích hoạt máy bơm.
Nông dân cũng có thể đồng thời theo dõi từ xa nhiều thửa ruộng và trạm cảm biến. Công nghệ này giúp tăng năng suất nông nghiệp, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính và góp phần phát triển nông thôn ở Việt Nam.
 Thúc đẩy công nghệ tài chính hay còn gọi là fintech, cũng có thể là công cụ để cải thiện các mối quan hệ G2B và G2C tại Việt Nam, nơi mà một phần lớn người dân ở độ tuổi trưởng thành vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Thông qua fintech, các cộng đồng yếu thế và các nhóm dân tộc thiểu số có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính từ xa, với chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn.
Trên thị trường lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, có nguy cơ cao sẽ bị thay thế bằng công nghệ trong vòng 1 hoặc 2 thập niên tới. Trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, trong những năm tới, các công nghệ đột phá sẽ mang đến cả những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam để tiếp bước trên con đường thành công này.
Về mặt áp dụng kỹ thuật số, Việt Nam có điểm mạnh nhưng cũng còn nhiều thách thức. Báo cáo phát triển của WB năm 2016 về lợi ích số xếp hạng Chỉ số Áp dụng kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 0,46 trên thang điểm 1. Mặc dù xếp cao hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên toàn cầu, nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực.
Tỷ lệ thâm nhập internet của Việt Nam 54%, và có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Những con số này rất ấn tượng. Mặc dù vậy, xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực theo các thước đo về kỹ thuật số khác dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Alphabeta.
Để tiến lên phía trước, hoặc thậm chí có bước tiến nhảy vọt, Việt Nam phải nâng cấp cách thức Chính phủ vận hành. Có 3 mối quan hệ với Chính phủ mang ý nghĩa quan trọng, đó là giữa các cơ quan của Chính phủ (G2G), giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B), và giữa Chính phủ với người dân (G2C). Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề.
Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng, sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0.

Công nghệ, thể chế và con người
Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp kỹ thuật số tích hợp. Chính phủ cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện về các công nghệ có thể hỗ trợ cải cách, nhằm tác động và chuyển đổi những kết quả phát triển. Cơ sở hạ tầng có khả năng tương tác làm nền tảng sẽ tăng cường các mối quan hệ G2G, G2B và G2C, tối ưu hóa các khoản đầu tư của Chính phủ và kết nối các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền tại trung ương và địa phương.
Tôi xin lấy Estonia làm thí dụ. Quốc gia này đã khởi đầu như vậy khi bắt đầu hành trình kỹ thuật số của mình được gọi là e-Estonia, và kết quả đạt được là tăng GDP thêm 2%. Hệ thống này cho phép người Estonia thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 18 phút. Với hơn 99% các dịch vụ công thực hiện trực tuyến, Estonia tự hào tiết kiệm được 800 giờ làm việc mỗi năm nhờ có e-Estonia. Một hiệu quả phụ đáng khâm phục khác là số sinh viên theo học nghề công nghệ thông tin ở Estonia tăng gấp đôi, cao hơn mức trung bình ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) khác.
Về công nghệ, nếu áp dụng vào sáng kiến thành phố thông minh cho thấy sự công khai dữ liệu ở mức độ lớn hơn, có thể nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ trong việc tạo ra và duy trì cung cấp dịch vụ công. Lấy đơn cử nếu muốn áp dụng tại Hà Nội, dữ liệu thời gian thực về giao thông công cộng và tình hình giao thông sẽ giúp tháo gỡ nhiều vấn đề về đi lại của người dân; hay dữ liệu không gian địa lý ở ĐBSCL có thể dùng để cảnh báo sớm về lũ lụt hoặc nắng nóng. 
Về thể chế, chính phủ cần đưa các thể chế vào hoạt động và tinh giản quy trình hoạt động của mình để tạo điều kiện đổi mới. Tất cả các chức năng của điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác chỉ có thể hoạt động khi có nền tảng tổ chức và quy trình phù hợp. Các điều kiện này bao gồm khung tương tác số hóa, quy trình quản lý tài sản kỹ thuật số và bảo vệ quyền riêng tư…
Về con người, Việt Nam phải đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động trong tương lai. Bởi lẽ nguồn nhân lực Việt Nam có vị thế rất tốt khi đã đạt được kết quả tốt về giáo dục phổ thông, phản ánh qua những kết quả cao trong đánh giá quốc tế; Việt Nam cũng có một thế hệ trẻ năng động, có thể nắm bắt và thích nghi với thay đổi. Nhưng dân số của Việt Nam đang già đi, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đạt mức cao nhất vào năm 2017 và hiện đang giảm xuống. Đến năm 2050, dự kiến cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người ở độ tuổi trên 65.
Tuy nhiên, một thách thức quan trọng đối với Việt Nam là chỉ có 8% lực lượng lao động có giáo dục đại học. Tỷ lệ này không đủ để thực hiện bước nhảy vọt trong công nghiệp 4.0. Do vậy người lao động cần được trang bị đúng các kỹ năng cần thiết để vượt lên trên làn sóng công nghệ này. Rõ ràng để hiện thực hóa tương lai, buộc phải thúc đẩy công nghệ (Technologies) để tận dụng đổi mới sáng tạo; đưa vào hoạt động và củng cố nền tảng thể chế (Institutions); đầu tư vào con người (People) của ngày hôm nay và tương lai.

Các tin khác