Nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn thấp

(ĐTTCO) - Diện mạo ngành nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây đang có sự chuyển biến tích cực, khi nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là sân chơi thuộc về các DN lớn, trong khi DN nhỏ, DN khởi nghiệp vẫn thiếu sự trợ lực từ các cơ quan chức năng về vốn, đất đai và kỹ thuật. 
Sân chơi của đại gia
Hồi cuối năm ngoái, một sự kiện thu hút khá nhiều sự quan tâm là cái bắt tay giữa 3 DN lớn của Việt Nam: thủy sản Minh Phú, nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và ống thép Hòa Phát. Đây được coi là bước khởi đầu thuận lợi cho Minh Phú trong đầu tư nuôi tôm theo công nghệ mới. Theo đó, thay vì nuôi trong ao theo lối truyền thống, cách mới tôm nuôi trong ao nổi, thiết kế khung thép ống chịu lực, đáy lót bạt, hệ thống dẫn và thoát nước bằng ống nhựa, sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn.
 Khởi nghiệp nông nghiệp CNC rất tiềm năng, càng bám sát và giải quyết tốt nhu cầu bức xúc của xã hội càng khởi nghiệp bền vững. Nhưng khởi nghiệp nông nghiệp CNC khó nhất, đắt nhất và phức tạp nhất. Chuỗi giá trị của nông nghiệp từ nghiên cứu, thử nghiệm, cho ra sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng cũng mất 4-5 năm. Nếu đầu tư căn cơ chỉ tập đoàn lớn mới làm được. 
Ông TRẦN BẰNG VIỆT,  chuyên gia tư vấn chiến lược và quản trị DN
Tôm sẽ được nuôi theo công nghệ 234 do Minh Phú nghiên cứu. Mỗi ao nuôi sẽ được lắp đặt công cụ cảm biến giám sát tự động hoàn toàn, giảm được nhiều lao động giản đơn. Tuy nhiên, suất đầu tư cho mỗi ao nuôi không hề nhỏ. Theo tính toán ban đầu của Minh Phú, với ao nuôi 1.000m3, suất đầu tư tổng thể lên tới 600 triệu đồng, nhưng bù lại lợi nhuận sẽ đạt 50%/vụ. Dự kiến trong năm 2019, Minh Phú sẽ đầu tư thêm 2 vùng nuôi theo công nghệ mới với hàng trăm ao nuôi. 
Trong khi đó, cuộc đua nông nghiệp CNC ở mảng nông sản nổi lên cái tên đáng chú ý là Vingroup. Sau 3 năm tham gia nông nghiệp, VinEco (thành viên của Vingroup) đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường, tổng diện tích sản xuất gần 3.000ha với nhiều phương pháp canh tác CNC. Hiện mỗi tháng đơn vị này cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn nông sản với đa dạng chủng loại, như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây. Được biết, số vốn Vingroup đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp CNC lên tới hàng ngàn tỷ đồng. 
Cùng với Vingroup, FLC cũng là DN đầu tư lớn khi rót 1,5 tỷ USD cho nông nghiệp CNC giai đoạn 2018-2020. Ở mảng chăn nuôi gia súc gia cầm không thể không nhắc đến những cái tên như Vinamilk hay Hùng Nhơn... Công ty Hùng Nhơn là đơn vị xuất khẩu lô thịt gà chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường khó tính Nhật Bản.
Để có được kết quả này, Hùng Nhơn đã mạnh tay đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại CNC theo tiêu chuẩn GlobalGap tại tỉnh Bình Phước, với việc áp dụng hệ thống công nghệ của các tập đoàn lâu đời châu Âu. Những thí dụ trên cho thấy nông nghiệp CNC thực sự là cuộc chơi đắt đỏ chỉ dành cho những tập đoàn, DN giàu tiềm lực.
Những DN này không chỉ đầu tư bài bản từ đầu, hoàn thiện hệ thống công nghệ cho sản xuất, nuôi trồng mà còn tìm kiếm được đầu ra rất tốt cho sản phẩm của mình. Song số lượng những DN này vẫn còn rất ít, trong khi nông nghiệp CNC là yêu cầu tất yếu do Việt Nam đang đứng trước những thách thức như dân số tăng cao, nhu cầu lương thực thực phẩm đang thay đổi cả về lượng và chất. 
Trước những đòi hỏi này, chúng ta cần có một nền nông nghiệp bền vững, an toàn phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu ngày một tăng cao. Vấn đề là những DN nhỏ, DN khởi nghiệp đang ở đâu trong sân chơi tiền tỷ này?
DN nhỏ vẫn gặp khó
 Để phát triển nông nghiệp CNC phải giải quyết bài toán liên kết chuỗi giá trị, Nhà nước cần khuyến khích DN lớn, hợp tác xã đi đầu tổ chức sản xuất để đưa các DN nhỏ, các hộ nông dân vào chuỗi sản xuất, đảm bảo phát triển nông nghiệp CNC toàn diện, DN nhỏ và hộ nông dân cũng không gặp khó khăn khi nông nghiệp CNC phát triển.
TS. TRẦN DU LỊCH,
Chuyên gia kinh tế
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp CNC TPHCM, chia sẻ đang có những tín hiệu tốt cho DN nhỏ và DN khởi nghiệp khi tham gia lĩnh vực này. Đó là việc nhiều ngân hàng có những động thái quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp CNC, dành nhiều thời gian hơn cùng DN để lắng nghe, tìm giải pháp giải ngân.
Hay vấn đề đầu ra cho sản phẩm thời gian qua cũng khả quan hơn, giúp giảm áp lực cạnh tranh đầu ra cho DN nhỏ. Bởi đầu tư lớn, ứng dụng CNC để sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn, nên giá thành sản phẩm có thể cao hơn sản phẩm sản xuất thông thường, đồng nghĩa phải đối mặt với thị trường có tính minh bạch thấp về chất lượng sản phẩm cùng chủng loại.
Song điều đáng mừng là người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm và chấp nhận chi trả nhiều hơn cho sản phẩm sạch, nhiều phiên chợ nông sản sạch đã được tổ chức thường xuyên để các hợp tác xã, những đơn vị nhỏ quảng bá sản phẩm của mình. 
Nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn thấp ảnh 1 Ứng dụng CNC trong việc trồng dưa lưới. 
Tuy nhiên, để đi sâu vào từng vấn đề vẫn còn rất nhiều khó khăn cho DN nhỏ, DN khởi nghiệp trong hành trình làm nông nghiệp CNC. Dù ngân hàng quan tâm hơn trong việc cho vay, nhưng mấu chốt vẫn là phải có tài sản thế chấp. Bởi tỷ suất đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC rất lớn, trong khi ngân hàng không chấp nhận thế chấp bằng tài sản đầu tư trên đất. Nhiều gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp CNC của các địa phương, cũng như trung ương đã được triển khai như gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ các DN lớn mới tiếp cận được. 
Cùng với đó là khó khăn vế quỹ đất. Làm nông nghiệp nông nghiệp CNC đòi hỏi quỹ đất lớn để triển khai trên diện rộng, trong khi DN nhỏ không thể có quỹ đất như vậy. Rồi những khó khăn về kỹ thuật, lao động và cả thị trường tiêu thụ… đều đang làm khó DN nhỏ. Bởi thế nhiều DN khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp vườn ươm đã không thể tiếp tục tồn tại trên thị trường. Ngay tại Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp CNC của TPHCM cũng mới quy tụ được hơn 40 dự án khởi nghiệp. Và từ vườn ươm này mới có 11 dự án tốt nghiệp phát triển được. 
Hiện nhiều DN nhỏ, hợp tác xã đang cải tiến theo dạng triển khai những kỹ thuật theo mô hình CNC đơn giản nhất, từ đó hướng dẫn nông dân áp dụng cho năng suất, chất lượng tăng lên. Cách làm này không thể gọi là nông nghiệp CNC, mà chỉ là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cũng chính vì điều này nhiều nông hộ, hợp tác xã, DN nhỏ đang từng bước làm theo nông nghiệp CNC, nhưng chưa có được chứng nhận do còn manh mún, nhỏ lẻ. Như tại Lâm Đồng, địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp CNC, nhưng cũng mới có 8 DN được công nhận là DN nông nghiệp CNC. 

Thiếu hỗ trợ và liên kết
Nhiều số liệu khảo sát cho thấy nông nghiệp CNC nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung vẫn còn rất ít sự tham gia của DN. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Trong đó, DN trực tiếp sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN với số lượng 7.600 DN. Khoảng 90% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là DN tư nhân, còn lại là các DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Xét theo quy mô lao động, 96% các DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận định phát triển nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu, nhưng đồng thời cũng có những thuận lợi và khó khăn. Một trong những khó khăn là DN nhỏ tiếp cận nguồn vốn không dễ trong khi đầu tư vào lĩnh vực này cần nguồn vốn lớn, thời hạn dài và các điều kiện thế chấp cũng rất gay gắt.
Chính vì thế để phát triển nông nghiệp CNC, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ DN tham gia nhiều hơn lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp CNC nói riêng. Tại hội nghị thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp diễn ra cách đây chưa lâu, vấn đề DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững...  cũng được đặt ra.
Theo đó, nông nghiệp CNC đang trở thành xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để có thể chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thức sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhằm phát huy tối đa ưu thế của một nước nông nghiệp. 
Đến nay có 40 DN nông nghiệp CNC được cấp giấy chứng nhận, gồm 12 DN trồng trọt, 19 DN thủy sản, 9 DN chăn nuôi. Hiện cả nước có 35 khu nông nghiệp CNC. Trong đó có 3 khu ở Bình Dương, TPHCM và  Khánh Hòa đã đi vào hoạt động khá hiệu quả. Và đến nay cũng đã có 5 vùng nông nghiệp CNC thâm canh tôm, hoa, lúa tại Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên và An Giang.

Các tin khác