Quy hoạch đô thị TPHCM: Tầm nhìn tâm thế phát triển mới

(ĐTTCO) - Hơn 40 năm qua, TPHCM đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Đến nay, TP đã trở nên chật hẹp với “chiếc áo” cũ, cần cơ chế riêng để xứng tầm là siêu đô thị, là cửa ngõ của Việt Nam trong việc chào đón nhà đầu tư nước ngoài. 
 
Sài Gòn xưa - TPHCM ngày nay
TPHCM là TP lớn nhất nước, là trung tâm kinh tế với tỷ trọng 29% GDP toàn quốc, là đầu mối giao dịch thương mại quốc tế, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa chính trị hàng đầu của cả nước. Trong tương lai gần, vai trò và vị thế của TPHCM đối với khu vực còn to lớn và quan trọng hơn rất nhiều.
Theo một số chuyên gia nước ngoài, TPHCM có tầm cỡ về tiềm năng như Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc Bombay (Ấn Độ). Bởi trong những năm tới, khi Việt Nam có nền kinh tế thị trường vững mạnh trên trường quốc tế, TPHCM với vị trí ngã tư đường phía Đông thế giới sẽ là điểm giao dịch quan trọng giữa Đông - Tây - Bắc trong bối cảnh một Đông Nam Á mang tính toàn cầu hóa cao.  
 Để giải quyết nạn kẹt xe, TPHCM cần phát triển đô thị nén gắn với phát triển hệ thống giao thông công cộng. Hồng Công với diện tích 1.100 km2 nhưng chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200km2; Seoul (Hàn Quốc) có diện tích 605km2 nhưng phần nén đô thị cũng rất nhỏ; Singapore rộng khoảng 700km2 chỉ phát triển trong phạm vi 250km2, còn Tokyo (Nhật Bản) rộng 600km2 nhưng diện tích đô thị rất nhỏ. Các TP này có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của đa số người dân.
TS. Huỳnh Thế Du, 
Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright
TP Sài Gòn trước năm 1975 từng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nơi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… nhìn về với một sự tôn trọng nhất định. Sau năm 1986, dưới tác động của chính sách đổi mới, TP phát triển mạnh về phía Tây và Tây Bắc với dòng người di cư đến từ phía Bắc vào và các tỉnh lân cận đến. Tuy nhiên, do quỹ đất của TP dần bị thu hẹp.
Theo đó tại khu trung tâm nhà cao tầng thi nhau mọc lên, trong khi không đầu tư thêm cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là hệ thống đường giao thông. Tại khu vực trung tâm quận 1, 3, 10, Tân Bình, các “trung tâm tự phát” với hàng quán kinh doanh, cao ốc văn phòng, nhà mặt tiền mọc lên bít kín các trục đường giao thông chính xuyên đô thị như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8, 3 Tháng 2, Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ…
Đường dành cho khu trung tâm dịch vụ - thương mại hay của tiểu khu nhà ở là đường cụt, như các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn, Đồng Khởi (quận 1)… 
Theo phân tích của kiến trúc sư Trần Đình Nam (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), lấy thí dụ rạp hát Hòa Bình (quận 10), nếu được quy hoạch mở ra đường Lê Hồng Phong thay vì đường 3 tháng 2 như hiện tại đã có thể hình thành một khu trung tâm rất đẹp ở con đường này. Dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng và giao thông bị chồng chéo lên nhau đó là nguyên nhân của kẹt xe trong giờ cao điểm và nguyên nhân của tai nạn giao thông ngoài giờ cao điểm.
Trong bối cảnh trên, đề án Quy hoạch chung TP đến 2020 đã được phê chuẩn năm 1998. Sau nhiều lần nghiên cứu thay đổi, quy hoạch này định hướng cho TP phát triển về phía Nam và Đông Nam, mặc dù còn có một số khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng do đây là các khu rừng sinh thái ngập nước và đất quá trũng. Các khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 4, Nhà Bè… lần lượt ra đời theo định hướng quy hoạch này.

Nhiều thách thức hiện tại
Diện mạo TPHCM đã có nhiều thay đổi lớn trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia, với diện tích khá lớn cùng quy mô dân số khổng lồ, không lâu nữa TPHCM sẽ trở thành một siêu đô thị. Theo thống kê chưa đầy đủ, TPHCM hiện có khoảng 13 triệu người, vượt xa dự đoán trước đó của cơ quan quản lý nhà nước cho rằng: TPHCM sẽ đạt 12,5 triệu người vào năm 2025.
Dân số lớn đang mang lại cho TP nhiều tiềm năng, cơ hội về nguồn nhân lực, hay cả thị trường tiêu thụ tương ứng, nhưng hệ lụy mang lại cũng khiến chính quyền phải đau đầu. Hạ tầng đô thị quá tải, đường phố kẹt cứng vào giờ đi làm và tan tầm, các lớp học có sĩ số ngày càng tăng… trong khi dòng người nhập cư tìm kế mưu sinh ở chốn đô thành vẫn đổ về không ngớt.
Gia tăng dân số, gánh nặng về an sinh xã hội là câu chuyện mọi TP lớn phải chịu đựng. Chính vì vậy, TPHCM chỉ có thể giảm thiểu thấp nhất tác hại tiêu cực chứ không thể loại bỏ. Đến nay, TPHCM đã chi ra số tiền khổng lồ để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Dù vậy, khi nhìn vào các tuyến đường hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những nỗ lực đó chỉ giải quyết vấn đề đô thị theo tình thế.
 Mảng sáng của 30 năm đổi mới chính là việc TPHCM luôn giữ được nhịp độ phát triển cao, luôn dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, để hội nhập quốc tế, TP phải giải quyết sức ép của siêu đô thị. TPHCM cần cơ chế đặc biệt để tạo động lực cho nền kinh tế, nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.  
PGS.TS Trần Đình Thiên, 
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Một thực trạng đau đầu nữa đối với lãnh đạo TP là tình trạng ngập nước. Dẫu không mới, thậm chí tồn tại từ trước ngày giải phóng miền Nam, tuy nhiên hàng chục năm qua TPHCM vẫn nơm nớp mỗi khi mùa mưa tới. Nếu đánh giá một cách khách quan, trong 3 năm trở lại đây, nhiều khu vực tại quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 6 đã hết ngập, hoặc giảm ngập.
Tuy vậy, so với đòi hỏi chính đáng của người dân TP và nguồn vốn bỏ ra những thành quả đó chưa đủ để đáp lại kỳ vọng của cư dân đô thị, trong khi thời tiết mỗi ngày một khắc nghiệt hơn, tần suất các trận mưa lớn càng lúc càng lớn dần theo thời gian. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, trong 5 năm tới nơi này sẽ cần 100.000 tỷ đồng cho việc chống ngập. 
Các con số thống kê gần đây của ngành chức năng khiến nhiều người dân TP phải ngẫm nghĩ: TPHCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số và lao động lần lượt chiếm 9% và 8%. Đất không tăng nhưng dân số ngày càng tăng khiến không gian càng bị nén. Trên 1km2, dân số TPHCM gấp 14 lần, còn lao động gấp 12 lần cả nước…
Các con số đang không ngừng tăng và đây chính là những thách thức lớn trong quá trình TPHCM phát triển. Lãnh đạo chính quyền TP cũng đã nhận định, mặc dù kết cấu hạ tầng đô thị TPHCM thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhưng hạ tầng đô thị của TP hình thành từ lâu nên lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân như ngập nước, kẹt xe.
Trong cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP gần đây, để xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng (chưa bao gồm chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch) lên tới hơn 500.000 tỷ đồng. Thế nhưng, ngân sách của TPHCM hiện chỉ mới đáp ứng được 31,8%.
Theo một số chuyên gia kinh tế, TPHCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách và trọng điểm. Đặc biệt, việc điều tiết ngân sách địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020, sẽ càng khiến ngân sách TPHCM thêm thiếu hụt. Tính toán của Sở Tài chính cho biết việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP bị giảm 5% trong giai đoạn 2017 -2020 sẽ làm cho ngân sách hụt khoảng 50.000 tỷ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Quy hoạch đô thị TPHCM: Tầm nhìn tâm thế phát triển mới ảnh 1 TPHCM đang gặp nhiều thách thức về hạ tầng giao thông. 
Tiến tới chính quyền đô thị
Với những phân tích nêu trên, rõ ràng, cách quản lý đô thị 13 triệu dân không thể giống như một tỉnh vùng cao khoảng 400.000 dân. Song đó là điều TPHCM đang phải thực hiện nhiều năm qua. Dù có một số phương thức điều hành linh hoạt hơn nhưng nhìn chung TP vẫn chưa thoát ra khỏi cơ chế chung dành cho các tỉnh, thành khác trên bình diện cả nước. Đó là lý do nơi này cần chính quyền đô thị hoặc mô hình tương tự - có tính chất đột phá.
Trên thực tế, TP từng xây dựng đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, do đề án quá lớn, lại vướng nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, pháp luật, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia nên Trung ương chưa chấp thuận. Dẫu vậy TPHCM vẫn chưa ngừng đề án này.
Trong một hội nghị về các giải pháp phát triển TPHCM, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã nhắc lại ý tưởng về chính quyền đô thị. Ông Lịch nhấn mạnh cách để đột phá và thừa nhận: “Nếu không xây dựng được mô hình này, TPHCM rất khó phát triển, bởi kiểu quản lý hiện nay chồng chéo, nhiều cơ quan làm một việc nên khó quy trách nhiệm”.
Một tin vui có liên quan đến đề án chính quyền đô thị lãnh đạo TP và các sở, ngành đang đeo bám, đó là Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển TPHCM đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, kỳ vọng sẽ được thông qua.
Bên cạnh đó, TPHCM đang quyết liệt triển khai 7 chương trình đột phá, thể hiện sự tiếp nối không mệt mỏi, sự kiên trì và quyết tâm của Đảng bộ TP về chăm lo cuộc sống nhân dân. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% để thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975...
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, đòi hỏi TPHCM phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của TP. 

Các tin khác