Tăng tốc xử lý nợ xấu

(ĐTTCO) - Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD chính thức có hiệu lực, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) mở màn thu giữ tài sản sản đảm bảo (TSĐB) để xử lý nợ xấu, từ đây làn sóng thu giữ, bán đấu giá TSĐB đã nhanh chóng diễn ra tại các NHTM. 
Tăng tốc xử lý nợ xấu
Làn sóng thu giữ, đấu giá TSĐB
Ngày 21-8, VAMC đã tiến hành thu giữ TSĐB của CTCP SaiGon One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ sau nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng nhóm khách hàng vay nợ không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi. Sau động thái của VAMC, các NHTM cũng đã chính thức đưa ra thông báo thu giữ TSĐB của nhiều khách hàng tổ chức và cá nhân.
 Sau khi thu giữ dự án Sài Gòn One Tower, VAMC đã tổ chức phân loại, đánh giá chi tiết các khoản nợ có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên. Số lượng các khoản nợ này lên đến hàng ngàn khoản, chiếm gần 70% tổng giá trị mua nợ đang quản lý tại VAMC. VAMC sẽ đưa ra phương án xử lý từng khoản, ngoài chủ động xử lý thu giữ và bán đấu giá thu hồi nợ, sẽ ủy quyền cho các TCTD xử lý.
Ông Nguyễn Tiến Đông,
 Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC
Tính đến nay, NCB đã đưa ra thông báo thu giữ TSĐB đối với 15 khách hàng. Ngày 18-9, Techcombank thông báo thu giữ TSĐB của 3 khách hàng để xử lý thu hồi nợ, đưa tổng số trường hợp thu giữ TSĐB từ cuối tháng 8 đến nay lên con số 32 khách hàng. 
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 21-9, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank phối hợp với Sở Giao dịch Agribank áp dụng chế tài tín dụng thu giữ TSĐB Công ty Vinalines Đông Đô, bao gồm trạm biến áp có diện tích xây dựng 109,7m2 cùng toàn bộ tài sản được xây dựng trên thửa đất thuê có diện tích 183.119,4m2 tại Hải Phòng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn với đất. Ngoài ra, Agribank cũng công bố công khai kế hoạch thu giữ, bán đấu giá TSĐB của các khách hàng để thu hồi nợ của các chi nhánh NH này tại các tỉnh, thành trên cả nước. 
Hiện nay hoạt động bán đấu giá tài sản để xử lý nợ xấu của các NH cũng đang rất sôi động. Khởi đầu là NCB bán đấu giá công khai 2 lô đất là TSĐB thu giữ với giá khởi điểm hơn 11,6 tỷ đồng và hơn 16 tỷ đồng. Ngày 19-9, Agribank đã bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon (quận Bình Thạnh, TPHCM) do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư, với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong tháng 9 này Agribank tổ chức khoảng 7 cuộc bán đấu giá TSĐB.
Phía PVCombank cũng đã chọn lựa xong đơn vị tổ chức đấu giá tài sản, dự kiến trong tháng 10 sẽ bán đấu giá 5 TSĐB với tổng giá trị khởi điểm khoảng 10,2 tỷ đồng. Vietcombank chi nhánh Thủ Đức (TPHCM) cũng đã thông báo tổ chức đấu giá TSĐB tại TP Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỷ đồng. 
Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 42 đã xử lý được những bất cập hành chính và tư pháp liên quan đến quyền của chủ nợ bị các luật pháp quy định khác bị trói buộc. Nếu trước đây, một khoản nợ quá hạn nhưng khách hàng không cộng tác, NH không thể thu hồi TSĐB để xử lý nợ, nay đã có cơ sở để xử lý.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 còn giải quyết vấn đề quan trọng là cho phép bán khoản nợ theo giá thị trường, không phải bán theo giá sổ sách. Điều này đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong việc xử lý nợ xấu, giúp các NH mạnh dạn xử lý những khoản nợ xấu để thu hồi vốn. 

Hoàn thiện hành lang pháp lý
Thời gian qua, NH bán nợ xấu cho VAMC, nhưng thực chất là chuyển nợ xấu từ NH qua VAMC để làm sạch bảng cân đối kế toán của NH không bị án nợ xấu. Tuy nhiên, dù các khoản nợ xấu đã bán chuyển nguyên trạng theo kế toán sổ sách sang VAMC, nhưng kèm theo đó trách nhiệm của các NH vẫn phải quản lý tài sản thế chấp đó, phải theo dõi, khấu hao, trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó. Vì vậy khi vướng mắc trong xử lý nợ xấu được tháo gỡ, các NH cũng giảm được gánh nặng.
Điểm sáng nữa trong xử lý nợ xấu là NHNN đã được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Việc ban hành thông tư này nhằm quy định chi tiết Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Theo đó, hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ xấu sẽ sớm được hoàn thiện, giúp các NH có đủ cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, muốn giải quyết được căn cơ về nợ xấu, trước hết cần giải quyết những rào cản trong xử lý TSĐB, bên cạnh đó cần hình thành thị trường mua bán nợ. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu triển khai. 
Nghị quyết 42 đã giải quyết được vấn đề cho phép bán khoản nợ theo giá thị trường, nhưng để phát triển thị trường mua bán nợ còn cần nhiều yếu tố thị trường khác. Như khuyến cáo của TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, bên cạnh những khoản nợ xấu có tính tích cực đang được NH mạnh dạn xử lý, hiện vẫn còn nhiều khoản tín dụng chứa đựng trong đó yếu tố tiêu cực, không minh bạch trong quá trình cấp tín dụng. Do đó, trong quá trình xử lý nợ xấu, NHNN cần phải giám sát và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ để xử lý, kể cả những loại nợ xấu không minh bạch, như vậy mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo thống kê, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng 25.689 khoản nợ xấu tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc 284.206 tỷ đồng, trong đó giá mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 247.423 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến đầu năm 2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng bằng nhiều hình thức bán nợ, bán TSĐB với tỷ lệ 17,6% so với tổng dư nợ gốc. Tính từ đầu năm đến ngày 15-8, số nợ do VAMC phối hợp các TCTD thu hồi được đạt 10.444 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC thời gian qua khá chậm. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hoạt động xử lý nợ xấu tại VAMC đã có sự chuyển động.

Các tin khác