Thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy: Cuộc chiến âm thầm, khốc liệt

(ĐTTCO) - So với các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) siêu thị, M&A trong lĩnh vực bán lẻ điện máy thường diễn ra âm thầm và người tiêu dùng chỉ biết được thông tin sau việc đàm phán hoàn tất. 
Dù diễn ra trong lặng lẽ nhưng các thương vụ M&A lĩnh vực điện máy lại không hề dễ dàng, thậm chí còn khốc liệt hơn nhiều so với những lĩnh vực khác.
Giương đông kích tây
 Dự kiến trong tháng 10 tới, TAG và MWG sẽ công bố thông tin rộng rãi và hoàn tất thương vụ. Để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhỏ, TAG đã lên kế hoạch mua lại cổ phần từ các cổ đông nếu họ có yêu cầu. Số cổ phần này sẽ được sử dụng làm cổ phiếu quỹ, phương án mua sẽ được HĐQT quyết định và thi hành.
Ông Trần Xuân Kiên,
 Chủ tịch HĐQT TAG
Sau thời gian im hơi lặng tiếng, cuối cùng lãnh đạo của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) đã xác nhận thông tin về việc quyết định sáp nhập 2 doanh nghiệp.
Cụ thể, HĐQT của TAG sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch cho phép MWG mua lại hơn 25% cổ phần không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, đồng thời TAG sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ trên HNX sang UPCoM sau khi chuyển nhượng cổ phần. Sau khi hủy niêm yết trên sàn HNX, nếu cổ đông có yêu cầu, TAG sẽ mua lại cổ phiếu đó làm cổ phiếu quỹ.
Có thể nói, quyết định thâu tóm của MWG với TAG khiến giới đầu tư hết sức bất ngờ, bởi trước đó, lãnh đạo của MWG là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, chỉ tiết lộ về chiến lược mở rộng quy mô bằng việc thâu tóm chuỗi bán lẻ dược phẩm. Bên cạnh đó, MWG còn úp mở khả năng bắt tay với Vietlott nhằm gia tăng nguồn thu cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với một CEO không thích khoa trương nhưng đầy toan tính như ông Tài, việc kín tiếng cho thương vụ này là điều dễ hiểu, bởi M&A trong lĩnh vực điện máy khó hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Khó ở đây không phải vì các doanh nghiệp thấy chưa cần thiết, mà chủ yếu do yếu tố tâm lý từ các chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo đó, do mức độ cạnh tranh gay gắt, để tồn tại các ông chủ doanh nghiệp điện máy thường có “cái tôi” rất lớn, như theo cách nói của dân trong nghề “thà để công ty phá sản còn hơn bán mình cho đối thủ cạnh tranh”. Chính yếu tố tâm lý này đã khiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực điện máy thất bại, bởi doanh nghiệp bị thâu tóm thường chuyển sang tư thế phòng thủ khi đàm phán. Chính vì vậy, sau khi hoàn tất việc đàm phán mua lại TAG, HĐQT của MWG mới nhóm họp và thông qua việc tăng ngân sách cho các hoạt động M&A từ 500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.
Thực tế, đối với doanh nghiệp bán lẻ điện máy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp có cung cách phục vụ chuyên nghiệp, có thị phần (trên 10%) và hệ thống kênh phân phối trải rộng (từ 10 siêu thị trở lên).
Đây cũng là lý do khiến M&A trong lĩnh vực điện máy có số lượng không nhiều, nếu có cũng diễn ra trong lặng lẽ theo kiểu “giương đông kích tây” để tránh bị “lời ra tiếng vào”. Một trong những thương hiệu bán lẻ điện máy có tên tuổi khác là Thiên Hòa dù đánh tiếng đã có đối tác chào mua từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 
Hay như thương vụ M&A gần nhất cũng có thể là duy nhất đến thời điểm hiện nay là Power Buy, công ty chuyên bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Tos Chirathivat, đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim) từ đầu năm 2015 cũng không xôn xao.
Trong khi đây là thương vụ với giá trị chuyển nhượng lên đến 200 triệu USD, là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong giai đoạn 2015-2016. Cũng như thương vụ thâu tóm TAG của MWG, cả đối tác Thái Lan và Nguyễn Kim đều im lặng trước khi việc đàm phán mua lại hoàn tất. Thậm chí, trước đó thị trường còn râm ran tin đồn tỷ phú người Thái này nhắm đến hệ thống siêu thị điện máy Pico chứ không phải Nguyễn Kim.

Tham vọng bành trướng
 Trước sự bão hòa của Thegioididong.com (mảng bán lẻ điện thoại, laptop), MWG đang có ý định tập trung sức lực để mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh để chuỗi này có lãi trong năm 2018. Tuy nhiên, khác với trường hợp M&A trong lĩnh vực điện máy, lĩnh vực bán lẻ dược phẩm trong chuỗi Bách hóa Xanh hoàn toàn mới đối với MWG.
 Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi các dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, môi trường mua sắm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào quá trình M&A diễn ra giữa các đối tác nào, chiến lược và định hướng kinh doanh sau khi M&A của doanh nghiệp ra sao.
Ông Khuất Quang Hưng,
chuyên gia nghiên cứu Ngành bán lẻ
Vì thế, việc cùng lúc xây dựng 2 chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở 2 lĩnh vực khác nhau hoàn toàn không dễ dàng đối với MWG, thậm chí khả năng thất bại rất lớn. Trong khi đó, nếu mua lại TAG, MWG không chỉ tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc - vốn là điểm yếu của MWG - mà còn tận dụng được vị thế sẵn có của doanh nghiệp này. TAG hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung, trong đó Hà Nội là thị trường lớn nhất với 14 điểm bán. Tại thị trường miền Bắc, MWG mới chiếm khoảng 30% thị phần mảng bán lẻ di động và 15% thị phần mảng bán lẻ điện máy, chỉ ngang bằng với các đối thủ như FPTshop, Media Mart và cả TAG. Theo tính toán, nếu sở hữu được TAG, MWG sẽ tăng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội lên khoảng 30%. 
Theo ông Nguyễn Đức Tài, tính đến cuối tháng 7, MWG đã xây dựng được 1.609 siêu thị; trong đó có 1.034 siêu thị Thegioididong.com, 437 siêu thị Điện máy Xanh và 138 siêu thị Bách hóa Xanh. Ngược lại, TAG cũng tận dụng được thế mạnh về quản lý của MWG để cải thiện tình hình kinh doanh đang có dấu hiệu sa sút trong những năm gần đây. Theo ước tính giá cổ phần MWG dự định bỏ ra để mua lại TGA có thể lên đến 50.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, với những lợi ích tiềm năng có thể thu được trong tương lai như rút ngắn thời gian gia tăng thị phần, bớt một đối thủ lớn, cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động, đây rõ ràng là khoản đầu tư mang lại lợi ích rất lớn cho MWG. Còn theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG, trước mắt, MWG sẽ sẽ giữ nguyên thương hiệu cũ của hệ thống điện máy được mua lại trong thời gian 12-18 tháng, còn nhân lực vận hành là của MWG.
Tại thời điểm thâu tóm Nguyễn Kim, ông Tos Chirativat, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group, cho biết Việt Nam đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ. Việc mua lại Nguyễn Kim nằm trong kế hoạch bành trướng sang mảng điện máy, sau thành công của các cửa hàng bán lẻ thời trang như Robins, SuperSports, Crocs và New Balance. Power Buy chọn Nguyễn Kim bởi đây là siêu thị điện máy hàng đầu tại Việt Nam với 21 siêu thị trên cả nước, chiếm thị phần 30-40%. Trong khi đó, Power Buy là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan với hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc. 
Thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy: Cuộc chiến âm thầm, khốc liệt ảnh 1 Điện máy Trần Anh - một đại gia về thị phần phía Bắc đã về chung nhà với Thế giới Di động. 
Mới đây, ông Tos Chirathivat tiết lộ kế hoạch sắp tới tại Việt Nam là tiếp tục bơm vốn để mở thêm 30 siêu thị mới của chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Như vậy, sự kết hợp của 2 nhà bán lẻ hàng đầu trong cùng ngành hàng này sẽ tạo thế mạnh hơn và sẽ là đối thủ đáng gờm đối với các nhà bán lẻ trong ngành điện máy vốn đang chịu áp lực cạnh tranh hết sức khốc liệt. Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), trong vòng 5 năm từ 2011-2015, có đến 5 hệ thống siêu thị điện máy đã phá sản do làm ăn không hiệu quả như WonderBuy, Best Carings, HomeOne, Việt Long và TopCare. Đó là chưa kể đến hàng trăm cửa hàng bán lẻ điện tử nhỏ lẻ đang dần chết yểu trước sức ép cạnh trạnh từ các ông lớn.Người tiêu dùng hưởng lợi
 Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Điều này cho thấy đây thực sự là ngành dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, trong đó có ngành bán lẻ điện máy, vẫn gặp khó khăn, hạn chế về nhiều mặt, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng theo hướng hiện đại. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ điện tử.
Song sự xuất hiện của các tên tuổi ngoại trong các thương vụ M&A cũng khiến nhiều người lo lắng, nhất là sau khi Nguyễn Kim về tay người Thái. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ làn sóng thâm nhập mạnh mẽ từ các đại gia bán lẻ nước ngoài đem lại thời cơ lớn cho thị trường, song cũng là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam. 
Thực tế, sau các thương vụ sáp nhập này, quy mô và hiệu quả của các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Đơn cử, sau khi về tay Central Group, Nguyễn Kim đã nhanh chóng hất chân MWG ra khỏi hệ thống 22 siêu thị BigC (cũng đang nằm trong tay tỷ phú người Thái). Bên cạnh đó, Nguyễn Kim cũng thâu tóm luôn thương hiệu thời trang Zalora Việt Nam. Cho dù các thương vụ này đang tạo nên ít nhiều xáo trộn trên thị trường bán lẻ, nhưng có một thực tế là người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ sự xuất hiện của các ông lớn. Chiến lược thâu tóm không nằm ngoài mục tiêu mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới người tiêu dùng. 

Các tin khác