Thay đổi tránh bị “nuốt chửng”

(ĐTTCO) - Đứng trước áp lực phải đổi thay hoặc chấp nhận sụp đổ và biến mất khỏi thị trường, taxi truyền thống cần hướng đi mới theo hướng “hòa nhập không hòa tan”. ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, chủ doanh nghiệp về vấn đề này.

Thay đổi tránh bị “nuốt chửng”
TS. PHẠM SANH, chuyên gia giao thông:

Luôn đi sau dễ thất bại

Tháng 3-2018, Uber chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam, nhường thị phần cho Grab. Hiện nay, có 2 sự kiện nổi bật về việc này. Ngành thuế TPHCM vẫn theo đuổi vụ kiện  Uber còn nợ thuế khoảng 52 tỷ đồng và yêu cầu Grab trả thay. Vụ kiện này đến nay chưa có kết quả cuối cùng, do các yếu tố pháp lý quy định thu thuế taxi công nghệ khá mơ hồ.
Sự kiện thứ hai, ngày 6-4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã làm việc với Grab Việt Nam để yêu cầu Grab giải thích có vi phạm luật cạnh tranh hay không. Grab chưa đưa ra được căn cứ cụ thể chứng minh thị phần gộp lại thấp hơn 30%, để khẳng định không vi phạm pháp luật. 
 Sau khi Uber rút, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phát triển mạnh taxi công nghệ để cạnh tranh với Grab, như Công ty Phương Trang, Mai Linh, FastGo VN, Aber… Song khó khăn nhất cho doanh nghiệp Việt là thiếu các nguồn vốn tài trợ khủng, cỡ 1 tỷ USD trở lên. 
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra liệu có nguy cơ độc quyền. Theo tôi rất khó, dù mới đây cũng có hiện tượng một số trường hợp Grab tăng giá. Bởi lẽ, hệ thống pháp luật hiện nay của Việt Nam đang kiểm soát và ngăn cản hiện tượng độc quyền trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ vận tải, đặc  biệt trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách trong đô thị khá đa dạng, chúng ta đang kêu gọi và huy động nguồn vốn xã hội hóa. Thực tế, taxi công nghệ không chỉ có Uber, Grab mà còn có hàng chục hãng taxi khác thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, cùng với sự đổi mới công nghệ (sử dụng App) của các ông lớn như Vinasun, Mai Linh. Rất khó để cho Grab một mình một chợ. Ngoài ra, các quy luật thị trường như cạnh tranh, lợi nhuận…  sẽ không chấp nhận tình trạng độc quyền.
Vấn đề là bài toán cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường có kiểm soát. Taxi công nghệ vẫn là loại hình dịch vụ. Yếu tố cạnh tranh thành công trong ngành dịch vụ chính là con người. Theo đó, con người tạo ra dịch vụ lẫn con người được cung cấp dịch vụ, thông qua các biểu hiện về giá cả, thời gian, chất lượng và tính linh động đa dạng. Nhìn lại hoạt động taxi truyền thống, xuất hiện lâu đời với các quy định pháp lý và thủ tục hành nghề chặt chẽ, đôi khi cứng nhắc, muốn thay đổi cũng không làm được ngay.
Khi xuất hiện đối thủ cạnh trạnh nhiều cơ hội và tiềm năng mạnh như taxi công nghệ, lại đánh thẳng vào các tồn tại thâm căn cố đế, hở sườn lộ liễu của mình, taxi truyền thống chỉ biết kêu cứu. Điều này cho thấy đang tồn tại hệ thống quản trị xơ cứng, đặc biệt cách làm và trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa theo kịp thực tế.
Các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun... đều có những đổi mới đáng kể như sử dụng App, thậm chí cách tính giá cước cũng tương tự taxi công nghệ Uber, Grab, nhưng xem ra chưa bắt kịp.
Theo tôi, cái chính vẫn là vấn đề con người và các nguyên tắc cơ bản của kinh doanh ngành dịch vụ, không nên chỉ đổ thừa cho công nghệ, cho vấn đề thuế má. Sống trong môi trường và điều kiện thuận lợi, ít cạnh tranh đã lâu, nếu không nhận dạng được vấn đề, thực sự khiêm tốn cầu thị, tôn trọng đạo đức kinh doanh, dù cho có đơn vị nào đó tài trợ tiền tỷ đô, cũng sẽ khó thành công.
Thất bại trong cạnh tranh của taxi truyền thống với taxi công nghệ, ngoài các yếu tố về thời gian, giá cả… còn tiềm ẩn rủi ro do công tác quản lý nhà nước của một số bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Tôi không nghĩ doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Grab, cố tình trốn thuế nếu không có sự lỏng lẻo, thậm chí vô trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan đơn vị ngành thuế.
Kinh nghiệm thế giới, quản lý loại hình taxi công nghệ phải bằng các quy định pháp lý thực tế kịp thời, không phải cứ theo trình tự thủ tục từng bước. Quản lý thuế taxi công nghệ lại càng khó hơn. Đến giờ này, người dân vẫn chưa nghe Bộ Tài chính phát biểu hay đề nghị cụ thể về thu thuế loại hình này. Tóm lại, nếu thất thu thuế lỗi lớn do ngành thuế và Bộ  Tài chính, đừng trách một mình doanh nghiệp.

Ông NGUYỄN TRÍ DŨNG, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang:

Chấp nhận cạnh tranh để phát triển

Với chủ trương của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ 4.0, theo tôi chúng ta buộc phải làm thế nào để vận dụng công nghệ vào vận hành quản lý mọi mặt trong xã hội. Nhiều năm nay, chúng ta luôn nóng về chủ đề taxi truyền thống hay Grab/Uber. Dịch vụ nào cũng đều có mặt được và chưa được nên chúng ta cần phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng của thế giới.
Chúng ta cạnh tranh lành mạnh là để phát triển và hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Về quan điểm của Phương Trang, vừa rồi chúng tôi ký kết với VIVU để thành lập công ty chuyên hoạt động về công nghệ. Phương Trang cũng hoạt động trong ngành taxi truyền thống và rất hiểu nỗi khổ của ngành taxi, nhưng chúng tôi phải đi tìm cái mới để phù hợp với xu thế. Chúng ta phải nhìn nhận được cái hay để tập trung phát triển.
Chúng tôi mong muốn tạo ra phần mềm gọi xe cho người Việt. Nói về chính sách nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, Vụ vận tải đang hoàn thiện quy định để trình lên Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 86, quy định rõ về loại hình vận tải. Chúng tôi mong muốn Nghị định 86 được thông qua, đi vào cuộc sống với những thông tư hướng dẫn rõ để chúng tôi thực hiện, sẵn sàng chấp nhận có đấu trường để cạnh tranh phát triển.
Chúng tôi mong muốn có phần mềm riêng dành cho người Việt, phục vụ người Việt. Định hướng chung của VATO, dựa trên nền tảng hệ sinh thái của Phương Trang, dữ liệu khách hàng… để đưa ra một ứng dụng gọi xe phục vụ khách hàng tốt nhất, tạo nên sàn thương mại điện tử với các sản phẩm dịch vụ liên quan đến vận tải (bao gồm gọi xe), đảm bảo mọi quyền lợi và chế độ cho người lao động.
Chúng tôi mong muốn có sự rõ ràng trong luật pháp và chính sách để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, có nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm với các cơ quan liên ngành.

Các tin khác