Thị trường bán lẻ: Thách thức, cạnh tranh doanh nghiệp nội

(ĐTTCO) - Thống kê mới đây từ Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị và khoảng 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi. 

Như vậy, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam trong năm 2017 tiếp tục là “sàn diễn” của khối ngoại, nhất là thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để mở rộng thị phần. DN bán lẻ nội địa ngày càng đối mặt nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Những ông lớn đã có mặt

 Quan điểm của chúng tôi không bi quan, không hoảng sợ trước làn sóng đầu tư của DN bán lẻ nước ngoài. Vấn đề quan trọng là trong làn sóng ấy, DN nội thực chất sẽ nhận được những gì về kinh nghiệm, công nghệ, phương thức quản trị. Vì thế, DN bán lẻ trong nước phải coi đây là cơ hội để nắm bắt kinh nghiệm, học hỏi cách làm từ DN bán lẻ nước ngoài.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam
Nhà bán lẻ Aeon Mall (Nhật Bản) vừa bắt tay với BIM Group đầu tư TTTM thứ 2 tại Hà Nội, dự án có vốn đầu tư 200 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng), diện tích 9,5ha nằm trên khu đất do BIM Group làm chủ đầu tư tại quận Hà Đông (Hà Nội), dự kiến khai trương trong quý IV-2019. Đây là TTTM thứ 5 của Aeon tại Việt Nam, sau khi thử nghiệm thành công mô hình TTTM kết hợp mua sắm, vui chơi giải trí. Với tổng vốn đầu tư Aeon đến nay gần 600 triệu USD, nhưng nhà bán lẻ này tuyên bố tiếp tục mở rộng hợp tác, mua lại các siêu thị có sẵn trong nước với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 20 trung tâm mua sắm và siêu thị trên khắp Việt Nam. 

Người đồng hương của Aeon là Takashimaya đang tạo cơn lốc mua sắm tại khu vực trung tâm TPHCM, khi giữa năm 2016 đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng chủ lực với 58 nhãn hiệu lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, 61 nhãn hiệu đầu tiên tại TPHCM, trong đó có 31 nhãn hiệu tại TTTM Saigon Centre - khu vực mua sắm sầm uất hàng đầu của TPHCM.
Trong khi đó, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc lên kế hoạch mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam từ nay đến năm 2020 với tổng số vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Trước đó, Berli Jucker của Thái Lan đã chi ra 655 triệu EUR thâu tóm toàn bộ hệ thống bán lẻ của Metro. Tháng 5 năm ngoái, Central Group (Thái Lan) tiếp tục gây sốc khi thông báo đã thôn tính toàn bộ chuỗi siêu thị BigC với giá trị lớn đến 1 tỷ EUR và hàng trăm vụ thâu tóm đình đám khác. 

Cũng từ năm ngoái, Trung Quốc đã có động thái thâm nhập chính thống vào TTBL Việt Nam. Điển hình là trường hợp Miniso ký hợp đồng nhượng quyền với Tập đoàn Lê Bảo Minh và công bố mở 12 cửa hàng tại các TP lớn của Việt Nam. Đây là công ty liên doanh giữa đối tác Nhật Bản và 1 đại gia Trung Quốc và ông chủ thật sự là người Trung Quốc (ông Ye Guofu).
Không kém cạnh, Hennes & Mauritz AB (H&M) - tập đoàn đa quốc gia của Thụy Điển, nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thời trang - đã chính thức xác nhận việc mở cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Vincom Đồng Khởi (quận 1, TPHCM). Với việc đặt địa điểm tại đây, H&M sẽ trở thành hàng xóm của Zara. Trước đó hồi tháng 7-2016, cũng tại địa điểm này hãng Zara của Tây Ban Nha đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, trong khi hãng Gap (Hoa Kỳ) và Mango (Tây Ban Nha) cũng có mặt trên thị trường. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, TTBL Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ chuỗi các cửa hàng tiện lợi, như Family Mart, MiniStop, B’s Mart, Circle K, Shop&Go, VinMart+, 7 Eleven… Trong đó, 7-Eleven - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới - đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 15-6. Không công bố con số chính xác khoản đầu tư, nhưng 7- Eleven cho biết trong năm 2017 sẽ mở 20 cửa hàng tiện lợi và trong 3 năm kế tiếp, số cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven sẽ tăng lên khoảng 100 cửa hàng tại các tỉnh thành của Việt Nam.Thị trường béo bở 118 tỷ USD
 Tỷ lệ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ tăng nhanh và thu nhập cũng tăng hơn, đã thúc đẩy các nhà bán lẻ lớn thế giới tiếp tục tăng cường đầu tư vào TTBL Việt Nam. Và không thể bỏ lỡ thị trường béo bở này, các ông trùm bán lẻ thế giới ngoài việc đổ thêm nhiều tỷ USD, đã bắt tay nhau để bảo đảm cùng có lợi trong việc khai thác tiềm năng tăng trưởng của TTBL Việt Nam.
Ông Nick Miles,
 Giám đốc IGD tại châu Á - Thái Bình Dương
Mức độ quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư nước ngoài đối với TTBL Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Bởi khu vực bán lẻ trong nước đã đạt tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 13%/năm giai đoạn 2012-2016. Theo dự báo, mức chi của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới (2017-2021) nhờ vào những điều kiện thuận lợi về dân số và nhân khẩu học.
Dân số Việt Nam hiện có khoảng 94 triệu người và 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 35. Bên cạnh đó, triển vọng tích cực về thu nhập của người dân cũng là một yếu tố quan trọng, hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Theo đó, EU dự báo mức chi tiêu tính theo đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 1.450USD năm 2016 lên 1.840USD vào năm 2021. 

Theo số liệu Forbes Việt Nam tổng hợp vào tháng 4 vừa qua, hiện có  khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi thuộc hơn 10 thương hiệu lớn nhất đang có mặt trên thị trường, con số này đang thay đổi nhanh chóng do các chuỗi liên tục mở rộng để giữ vị trí và nắm thị phần. Trong báo cáo Tổ chức Nghiên cứu và đào tạo chuyên về ngành thực phẩm và tạp hóa toàn cầu (IGD) công bố cuối tháng 3, Việt Nam sẽ là thị trường cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2021.
Còn theo thống kê của Công ty Nielsen Việt Nam, cứ 69.000 người Việt Nam có 1 cửa hàng tiện lợi phục vụ, trong khi Đài Loan hay Hàn Quốc khoảng 2.000 người. Điều này cho thấy tiềm năng cho TTBL còn rất lớn, đặc biệt trong vài năm tới khi hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội đi vào hoạt động, sẽ là thời điểm các cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ.

Ngày 5-6, Công ty Tư vấn A.T Kearney (Hoa Kỳ) công bố báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI ), cho thấy Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp vị trí thứ 6 trong 30 nền kinh tế có TTBL hấp dẫn nhất thế giới. Sự tăng bậc về chỉ số này do một phần các luật về đầu tư của Việt Nam đã cởi mở hơn, góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà bán lẻ nước ngoài. Ngoài ra, với chính sách ưu đãi của chính phủ, dân số trẻ ngày càng tăng, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng 6,7% trong năm 2017 là lý do các nhà bán lẻ nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, TTBL Việt Nam hiện được đánh giá trên 118 tỷ USD với mức tăng trưởng 10%. Trong đó, ngành ăn uống dịch vụ phát triển nhanh nhất, doanh thu dịch vụ ăn uống toàn quốc đạt mức kỷ lục khoảng 41 tỷ USD (năm 2016). Bên cạnh đó, sự thâm nhập của các nhà bán lẻ quốc tế đang phát triển nhanh chóng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong TTBL Việt Nam thông qua hình thức M&A.
Thị trường bán lẻ: Thách thức, cạnh tranh doanh nghiệp nội ảnh 1 Mới vào Việt Nam nhưng chuỗi cửa hàng 7-Eleven đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng Việt. 
DN nội tìm hướng đi riêng
Trước sự đổ bộ ồ ạt của DN ngoại, không ít người lo ngại cho rằng DN bán lẻ nội sẽ chết yểu ngay trên chính sân nhà. Tuy nhiên trên thực tế, sự lo ngại này đã dần vơi đi, khi từ đầu năm đến nay các DN bán lẻ trong nước đã âm thầm tăng quy mô, mở rộng thị trường với sự ra đời liên tiếp của chuỗi các siêu thị len lỏi vào từng khu phố nhỏ, từng khu dân cư.
“Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi, do đó việc mở ra những cửa hàng tiện lợi hoặc lựa chọn điểm đông dân cư để mở siêu thị là một cách lựa chọn khôn khéo. Đó là  cách của DN bán lẻ nội khi âm thầm phát triển thị trường ngách” - TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), nhận định.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động, cho biết sẽ đầu tư mạnh để mở thêm 350 cửa hàng Bách hóa Xanh, nhằm đạt con số 1.000 cửa hàng trong năm 2017. Mỗi cửa hàng sẽ được xây dựng như một siêu thị mini, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của các hộ gia đình với thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng. Hay ông lớn Vingroup dự kiến trong năm nay sẽ mở thêm 70-80 siêu thị Vinmart cùng 1.500 cửa hàng Vinmart+.
Đặc biệt, Vingroup bắt đầu phát triển hệ thống TTTM (trong đó có các siêu thị Vinmart, VinPro, VinDS…) về các huyện lỵ để tăng độ phủ của mạng lưới. Kế hoạch năm 2017 là Vinmart và Vinmart+ phải có mặt ít nhất tại 30 tỉnh, TP. Vingroup cũng cho biết họ đang triển khai cung cấp các sản phẩm VinMart Cook chế biến tại bếp trung tâm để phân phối tới các cửa hàng. 

Cùng tham gia phân khúc này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Tiêu chí của hệ thống này là diện tích kinh doanh linh hoạt, 20-200m2, đặt trong những khu dân cư nội, ngoại thành. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc.
Đặc biệt chuỗi cửa hàng này còn có những dịch vụ tiện ích như thu hộ cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, truyền hình cáp… Trong khi đó, Satra Foods đang phát triển mạng lưới cửa hàng tiện ích với hệ thống 105 cửa hàng. Các cửa hàng ngày càng được nâng cấp, cách trưng bày, sắp xếp các mặt hàng thực phẩm tươi sống trên các kệ gỗ khá bắt mắt, thân thiện.

Các tin khác