Thiếu cầu nối DN trong nước với FDI

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC về cán cân thương mại hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương (ảnh), Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khẳng định tăng trưởng xuất khẩu vẫn là điểm sáng.

 Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu phụ thuộc vào một số DN lớn là rất rủi ro. 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, 8 tháng năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 20%, nhưng cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt, thực tế này nói lên điều gì?

Ông NGUYỄN ANH DƯƠNG: - Nhìn từ góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu cao là điểm sáng tích cực. Kết quả xuất khẩu càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức. Tuy vậy, sức sống của xuất khẩu Việt Nam vẫn dựa nhiều vào đà phục hồi của kinh tế thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng qua được hưởng lợi không ít từ đà phục hồi của kinh tế thế giới. Song mức tăng trưởng xuất khẩu trên mới gần bằng các năm 2007-2008 - thời gian trước khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Theo tính toán của CIEM, với mỗi 1 điểm % của tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng hơn 4 điểm %. Đây chính là hệ quả tích cực của nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Dù vậy, kết quả tăng trưởng xuất khẩu không khỏa lấp được một số rủi ro. Đó là cơ cấu của xuất khẩu và nhập khẩu đều dựa vào 3 nhóm hàng chính, điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Nếu một trong 3 ngành hàng này gặp khó khăn (như trường hợp của xuất khẩu điện thoại và linh kiện cho tới trước quý II năm nay), Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc bù đắp xuất khẩu từ các ngành hàng khác. 
- Khu vực FDI đang dẫn dắt xuất khẩu cả nước, luôn đạt thặng dư thương mại trong những năm qua. Nhận định của ông về việc này?
- Thực tế các DN FDI (trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) đã có sẵn thương hiệu, kinh nghiệm quản trị, công nghệ và quản lý/tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh DN FDI tập trung hơn vào khai thác ưu đãi chính sách, lợi thế từ lao động và các FTA hiện có của Việt Nam, thặng dư thương mại của khu vực này không có gì đáng ngạc nhiên.
Tính đến cuối tháng 8, khu vực DN FDI xuất khẩu 95,1 tỷ USD, chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng khu vực này cũng nhập khẩu tới 81,9 tỷ USD, chiếm 60,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Khu vực này phải nhập khẩu khá nhiều linh, phụ kiện, nguyên phụ liệu đầu vào từ nước ngoài để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Chính ở đây, bất cập cố hữu là khu vực DN FDI chưa liên kết được với khu vực DN trong nước.
Tuy nhiên, tạo dựng liên kết giữa các khu vực trên không thể dựa hoàn toàn vào sự chủ động của DN FDI. Chúng ta không thể ràng buộc DN FDI phải ký hợp đồng mua hàng của DN trong nước (do cam kết WTO). Giả sử DN FDI muốn tìm kiếm đối tác phù hợp ở trong nước, chi phí tìm kiếm (về nguồn thông tin, thời gian, tiền bạc) cũng không nhỏ do số DN trong nước rất lớn. Trong khi đó, DN FDI ở Việt Nam ít nhiều đều có sẵn mạng lưới nhà cung ứng ở Trung Quốc, Thái Lan...
Từ góc nhìn này, tạo dựng mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước đòi hỏi phải có nỗ lực hơn từ các cơ quan quản lý và cộng đồng DN Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan xúc tiến đầu tư dường như mới chỉ dừng ở việc mời gọi DN FDI đầu tư vào Việt Nam, chưa lưu tâm đúng mức đến việc giới thiệu, hỗ trợ DN trong nước phù hợp để hợp tác với DN FDI. Theo đó, cơ quan quản lý cần phải chủ động khảo sát năng lực DN trong nước để giới thiệu đối tác phù hợp cho DN FDI.  
- Theo ông, vì sao khu vực DN trong nước luôn nhập siêu, và cần làm gì để khắc phục tình trạng nhập khẩu để xuất khẩu của khu vực DN FDI hiện nay?
- Đánh giá mức độ nhập siêu của DN trong nước khó chính xác tuyệt đối, do một số DN đã có quan hệ cung ứng cho các DN FDI thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Trên thực tế, cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có tiếp cận thị trường xuất khẩu là chung cho cả DN trong nước và DN FDI. Tuy nhiên, không ít DN Việt hiện mới chỉ tập trung khai thác thị trường trong nước, một số khác bước đầu cung ứng cho các DN FDI hướng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, DN trong nước chưa gây dựng được thương hiệu, chưa học hỏi nhiều từ DN FDI về quản trị chuỗi cung ứng, khả năng tận dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi trong các FTA, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài… 
Về tình trạng nhập khẩu để xuất khẩu của DN FDI, tôi nghĩ cách đặt vấn đề hợp lý hơn là làm thế nào để DN Việt Nam tham gia nhiều hơn vào hoạt động xuất khẩu, dù là trực tiếp hay thông qua cung ứng đầu vào cho DN FDI xuất khẩu. DN Việt có lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu của DN FDI, các DN này sẽ tự động giảm nhập khẩu để xuất khẩu. Tuy nhiên, muốn chen chân vào chuỗi cung ứng cho DN FDI, DN trong nước phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thiện và thể hiện năng lực của mình, thay vì chờ đợi một sự bảo đảm về bao tiêu của DN FDI.
- Xin cảm ơn ông.
 Câu chuyện chính sách không còn nằm ở việc thu hút bao nhiêu tỷ USD vốn FDI, mà cần định hướng giới thiệu, kết nối để DN trong nước cung ứng nhiều hơn cho DN FDI. Cơ quan quản lý cần thể hiện tốt hơn vai trò chủ nhà, là người hiểu rõ hơn về năng lực của DN trong nước, từ đó giới thiệu, bảo lãnh cho họ hợp tác với DN FDI một cách thực chất. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng của tư duy kiến tạo phát triển Chính phủ đang hướng tới.

Các tin khác