TPHCM - Đầu tàu kinh tế: Cần cơ chế thúc đẩy tăng trưởng

(ĐTTCO) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010, và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. 
TPHCM đã đạt được những thành tựu gì và đang đứng trước những thách thức nào trên con đường phát triển? ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM và hiện là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về vấn đề này.
Chiếc áo đã quá chật

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là người đã từng tham gia việc quy hoạch, xây dựng các chính sách và cơ chế quản lý phát triển TPHCM, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của TP theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị?

 Cần phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị cho phù hợp với yêu cầu xây dựng quản lý đô thị và điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Đây cũng là yêu cầu khách quan, cần thiết để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn, phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
TS. TRẦN DU LỊCH: - Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về TPHCM có 2 điểm nổi bật. Thứ nhất về vị trí vai trò của TP: Xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á…
Thứ hai về cơ chế đặc thù: Trung ương cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa có quy định, hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp…

Cho đến nay, với tình hình kinh tế trên địa bàn, có thể nói sự phát triển kinh tế của TP là đúng hướng, trong đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ có thế mạnh, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và yếu tố năng suất tổng hợp TFP tăng nhanh (đạt 33,4% trong giai đoạn 2011-2015, con số này của cả nước 29%); tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân cao hơn cả nước 1,3-1,5 lần trong suốt 15 năm, GRDP/người đạt 5.428USD (năm 2016) cao hơn mức bình quân cả nước 2,45 lần; không gian đô thị được chỉnh trang và mở rộng theo hướng hiện đại, tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Tuy nhiên, để hướng tới và có được vai trò trung tâm về kinh tế của khu vực Đông Nam Á như định hướng của Bộ Chính trị, TPHCM còn khoảng cách quá xa so với các đô thị lớn trong khu vực xét về năng lực cạnh tranh và chất lượng sống của đô thị. Bên cạnh đó, 2 mục tiêu lớn nhất của TPHCM đề ra từ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 9 năm 2010 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị còn quá chậm, ngày càng khó khăn và bất cập hơn.

- Vậy nguyên nhân từ đâu khi khó triển khai các chính sách và cơ chế thí điểm như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã cho phép, thưa ông?

- TPHCM với diện tích 2.095km2, dân số hơn 12 triệu người (dân số thực tế), có quy mô kinh tế chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách quốc gia; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Nhưng mô hình quản lý đô thị không mấy khác biệt so với 62 tỉnh, TP khác trong cả nước.
Như đã nói ở trên, từ năm 2002, Nghị quyết 20 đã  đặt ra yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân cấp mạnh hơn cho TP, cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp…”.
Đến năm 2012, Nghị quyết 16 cũng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, trên thực tiễn 15 năm qua, để thực hiện nội dung trên vấp phải rất nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật đã bao phủ trên hầu hết tất cả lĩnh vực. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế sự năng động sáng tạo vốn có của người dân TP.

Mặc dù có diện tích tự nhiên 2.095km2, nhưng khu vực nội thành cũ (13 quận) chỉ có 142km2, dân số khoảng 4 triệu người, mật độ 28.000 người/km2, trong khi 6 quận mới đang đô thị hóa với diện tích 351km2. Có thể nói, theo hiện trạng TPHCM bao gồm khu vực đô thị với diện tích đã đô thị hóa khoảng 300km2, chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên, và vùng nông thôn bao bọc chiếm khoảng 7 lần diện tích đã đô thị hóa.
Như vậy, trên thực tế hiện nay, chính quyền của 13 quận nội thành cũ chịu trách nhiệm quản lý chỉ 6,7% diện tích nhưng với gần 50% dân số. Trong khi đó chính quyền của 6 quận mới và 5 huyện quản lý 50% dân số với 93,3% diện tích. Quá trình trên sẽ thay đổi theo tiến trình chỉnh trang và phát triển đô thị mới đang diễn ra hiện nay.
TPHCM - Đầu tàu kinh tế: Cần cơ chế thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1 Một góc KĐT mới Thủ Thiêm, được xem là không gian đô thị TPHCM mở rộng.
Ảnh: LONG THANH 
Phân quyền quản lý đô thị, tài chính công 
- Vậy theo ông, Trung ương cần cơ chế đặc thù nào để tạo động lực cho TPHCM?
- Theo định hướng quy hoạch TP đến năm 2025, tổng diện tích đô thị sẽ đạt khoảng 530km2 (gấp gần 2 lần hiện nay), gấp 4 lần so với lịch sử hình thành đô thị của Sài Gòn - Chợ Lớn đã thực hiện trong 300 năm. Như vậy TPHCM đang hình thành một “siêu đô thị”, có vị trí rất quan trọng so với các đô thị lớn trong khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.
Điều này cho thấy việc phát triển đô thị mới và chỉnh trang đô thị cũ là nhiệm vụ rất quan trọng đối với TP. Nhưng với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền TP hiện hữu, nhiệm vụ này khó có thể đáp ứng được.

Tôi biết hiện nay TP đang nghiên cứu và trình Trung ương nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho TP, nhân sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16. Tuy nhiên, theo tôi không nên gọi cơ chế đặc thù, mà là cơ chế phù hợp với vị trí vai trò của TP thì đúng hơn. Thật ra nếu muốn TP có năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực và bảo đảm điều kiện phát triển của một siêu đô thị, cần phải mở rộng sự phân quyền cho chính quyền TP trong nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế và quản lý đô thị.
Trong các lĩnh vực cần phân quyền, ưu tiên số  1 vẫn là lĩnh vực tài chính công. Nếu là thí điểm nên thí điểm mô hình không lồng ghép ngân sách Trung ương - địa phương như hiện nay để phân định rạch ròi ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. 

Hiện nay, theo Luật Ngân sách nhà nước đang lồng ghép chung là “ngân sách nhà nước” rồi phân cấp, thực chất là cơ chế xin - cho về các khoản chi và “mặc cả” về các khoản thu giữa Trung ương và địa phương. Trong lĩnh vực ngân sách cần phân định rõ 2 loại nội dung: phần ngân sách được xác định là nguồn thu của địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước; phần ngân sách do Trung ương tài trợ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, được cân đối hàng năm khi lập ngân sách trong tổng ngân sách địa phương hàng năm. Phạm vi tự chủ ngân sách của chính quyền địa phương chỉ đối với nguồn thu thứ nhất.
Đối với nguồn thu thứ 2 do Chính phủ quyết định khi cân đối ngân sách hàng năm. Bên cạnh, nguồn ngân sách thứ nhất đề nghị ổn định trong khoảng 10 năm và do HĐND TP quyết định (quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương theo tỷ lệ ổn định các loại thuế quy định tại Khoản 2, Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước). Đối với những dự án đầu tư mang tính quốc gia hoặc các dự án do ngân sách Trung ương tài trợ (kể cả các dự án ODA do Trung ương cho vay lại) do Chính phủ quyết định dù quy mô dự án thuộc cỡ nào.

Theo nguyên tắc này, hàng năm TP chỉ xin Trung ương phê duyệt phần ngân sách do Trung ương tài trợ, không phải thỏa thuận chung về tổng thu, tổng chi của địa phương như hiện nay. TP có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thu đúng, thu đủ cho Trung ương các khoản thu quy định tại Điều 35, Khoản 1, Luật Ngân sách nhà nước. Việc thực hiện chi ngân sách của chính quyền TP phải tuân thủ các quy định chung về chế độ tài chính của quốc gia, bảo đảm sự thống nhất của nền tài chính quốc gia và chịu sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ.
Đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trả nợ, cho phép chính quyền TP mở rộng chức năng của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện chức năng huy động vốn đầu tư, phát hành trái phiếu… không làm ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách của địa phương; đồng thời tạo thêm một đối tác mạnh của Nhà nước tham gia thị trường tài chính trong quá trình mở cửa hội nhập.

Tạo vốn đầu tư, liên kết vùng

- TPHCM là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vậy vấn đề tự chủ đầu tư hạ tầng, liên kết phát triển vùng nên như thế nào?

- Để có “vốn mồi” thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng TP, Trung ương nên giao hẳn cho TP nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước và vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc địa phương quản lý để bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội TP. Hàng năm TP thoái vốn ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần để bổ sung vốn điều lệ cho HFIC sử dụng như một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền TP.

Từ lâu đã có quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung và phía Nam, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn dàn hàng ngang phát triển và mạnh ai nấy làm. TPHCM không chỉ là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà là phần lõi của vùng đô thị TPHCM theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Từ lâu TP đã đề nghị có cơ chế liên kết cứng trong việc phát triển vùng 4 lĩnh vực, gồm phân bố lực lượng sản xuất theo quy hoạch vùng thay cho quy hoạch tỉnh, xây dựng hạ tầng giao thông vùng gắn với cơ cấu kinh tế vùng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung cho cả vùng và quản lý, bảo vệ môi trường chung cho cả vùng. Tuy nhiên trên thực tế điều này vẫn chưa thực hiện được đáng kể. “Kinh tế tỉnh” vẫn áp đảo “Kinh tế vùng”. 

Bên cạnh đó, về mặt quan điểm phát triển nên chấp nhận sự phát triển không đều có điều kiện về thời gian để đẩy nhanh tốc độ tăng trường kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phải có chính sách ưu tiên bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng phân quyền cho chính quyền địa phương, xây dựng cơ chế liên kết vùng trên địa bàn này để có tốc độ tăng trưởng cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước trong giai đoạn 2021-2030.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác